Cách đây khoảng hơn chục năm, hàng loạt trường cao đẳng 'lên đời' thành trường đại học, thì xu hướng phát triển hiện nay là hàng loạt trường đại học đang chuẩn bị để trở thành 'đại học'.
Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong 5 đại học đa lĩnh vực hiện nay của Việt Nam. ẢNH: NGỌC THẮNG
Tuy nhiên, nhiều trường đại học (ĐH) cũng xác định đây là một hành trình không dễ sớm tới đích, nếu như muốn phát triển thực chất chứ không chỉ vì cái danh “ĐH”.
Chưa có một ĐH đúng nghĩa
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 267 cơ sở đào tạo ĐH (chưa tính các trường khối an ninh, quốc phòng) nhưng chỉ có 5 ĐH (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng). Ngay cả với 5 ĐH này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây thực chất chỉ là “liên hiệp các trường ĐH chuyên ngành”. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này liên quan tới lịch sử hình thành của các ĐH.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết trước năm 1993 các cơ sở giáo dục ĐH của ta được xây dựng theo mô hình của Liên Xô, nên chỉ có các trường chuyên ngành. Để triển khai Nghị quyết T.Ư 4 (khóa 7), nhà nước chủ trương xây dựng các ĐH đa lĩnh vực.
“Theo đề án ban đầu, tất cả các ĐH đa lĩnh vực trên phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất. Trong quá trình triển khai, các đơn vị trực thuộc vẫn giữ cấu trúc như cũ. Các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, nên ĐH không có được sức mạnh thực chất của một ĐH đa lĩnh vực”, tiến sĩ Nguyễn Viết Khuyến cho biết.
Việc mở ngành là phải từ thực lực của mình, chứ không phải vì muốn thành đại học mà mở thêm nhiều ngành
Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội
|
Cũng theo tiến sĩ Khuyến, khi thành lập các ĐH đa lĩnh vực, xã hội mong chờ ở những ưu việt của mô hình này như bộ máy tổ chức gọn nhẹ, ngân sách được đầu tư tập trung, sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau trong một ĐH… Vì thế, nếu ĐH đa lĩnh vực được hình thành từ các trường ĐH chuyên ngành thì phải cải tổ về bộ máy, hệ thống quản trị chỉ có 3 cấp là: ĐH (University), trường (college) và khoa (department). Nhưng cả 5 ĐH đa lĩnh vực hiện nay đều có cấu trúc 4 cấp: ĐH, trường, khoa, bộ môn. Đã vậy, các trường thành viên khi chuyển ngữ cấu trúc 4 cấp trên qua tiếng Anh thì thành ra mô hình University – University – Faculty – Department, gây ra sự hiểu lầm khiến bạn bè quốc tế tưởng ĐH đa lĩnh vực ở Việt Nam là các… tập đoàn ĐH!
Đã có hành lang pháp lý, chỉ còn vấn đề thực lực
Trên thực tế, trước đòi hỏi của nhu cầu xã hội, sau năm 2000, nhiều trường ĐH bắt đầu chuyển từ đào tạo đơn ngành sang đa ngành, thậm chí đổi hẳn tên gọi.
Tiên phong cho xu hướng này phải kể đến Trường ĐH Vinh, vốn tên cũ là Trường ĐH Sư phạm Vinh (được đổi tên năm 2001); sau đó là Trường ĐH Hà Nội, vốn tên cũ là Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (bắt đầu đào tạo đa ngành từ năm 2002, đổi tên năm 2006).
Dù hàng loạt trường mở ra đa ngành thì hầu hết cơ sở giáo dục ĐH (trừ 5 ĐH nói trên) vẫn chỉ là trường ĐH hoặc học viện. Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cũng đã quy định chính sách ưu tiên đầu tư phát triển một số cơ sở giáo dục ĐH mang tầm khu vực, quốc tế. Luật cũng yêu cầu Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển trường ĐH thành ĐH. Yêu cầu này đã được Chính phủ thực thi qua việc ban hành Nghị định 99 vào cuối năm 2019.
Điều kiện chuyển đổi từ trường ĐH thành ĐH
Theo Nghị định 99 hướng dẫn thực hiện luật Giáo dục ĐH sửa đổi, điều kiện để chuyển trường ĐH thành ĐH gồm: đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
|
Vì thế, trong năm 2020, nhiều trường vừa “chiến đấu” với Covid-19 vừa rục rịch cho việc chuẩn bị trở thành ĐH. Dù luật khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường ĐH thành ĐH lớn nhưng cho đến nay chưa có bất kỳ một ý tưởng thành lập ĐH nào theo cách này. Hầu hết các trường đều chọn giải pháp “phát triển nội lực”, tức là tự mình đảm bảo các điều kiện để “lên đời”.
Chẳng hạn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hiện đang tích cực thúc đẩy các thủ tục để đạt các điều kiện cần thiết (thành lập 3 trường ĐH trực thuộc) với mục tiêu cuối năm nay được Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập ĐH.
Với những trường cho đến nay vẫn đào tạo đơn ngành thì động thái đầu tiên để chuẩn bị cho hành trình lên đời ĐH là phải mở thêm ngành mới để thành trường ĐH đa ngành. Những trường đã có đa ngành thì vẫn phải chuẩn bị thêm, ngay cả với những trường đã có uy tín trong xã hội.
PGS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nói: “Phát triển thành ĐH đa ngành là xu hướng tất yếu, bởi có như thế cơ sở đào tạo mới tận dụng được những lợi thế về quy mô, về nguồn lực, và quan trọng đó là môi trường tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học liên kết với nhau, liên kết với đối tác khác, thực hiện các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của mình, giúp cho trường ĐH trở thành trung tâm khoa học tương đối toàn diện”. Vấn đề ở đây, theo PGS Phạm Hồng Chương, để phát triển ĐH đa ngành thì phải có thời gian, phải có nguồn lực.
Tiến sĩ Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, bày tỏ: “Vấn đề là phải thực chất, đào tạo có chất lượng, đạt được tầm vóc ĐH thực thụ. Việc mở ngành là phải từ thực lực của mình, chứ không phải vì muốn thành ĐH mà mở thêm nhiều ngành”.
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)