Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lên kế hoạch đón giáo viên Philippines

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong tháng 12 này, giáo viên (GV) người Philippines sẽ chính thức giảng dạy môn tiếng Anh tại các trường. Song thực tế hiện nay, về trình độ của GV, công tác quản lý, nguồn lương chi trả cũng như một số nguồn thu khác phục vụ công tác giảng dạy… vẫn là vấn đề khiến một số trường băn khoăn.
Nhiều trường còn băn khoăn
Là một trong 5 trường tiểu học (TH) được chọn thí điểm GV Philippines nhưng đến nay Trường TH Bế Văn Đàn (Q.Bình Thạnh) vẫn chưa nắm được cụ thể bao giờ có GV về, giảng dạy như thế nào, cách quản lý ra sao… Vì vậy, trường chưa thể tổ chức họp được phụ huynh học sinh (PHHS) và cũng chưa thể có kế hoạch gì. Cô Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để thực hiện một chương trình nào đó cần phải lấy được ý kiến, được sự đồng thuận, ủng hộ của PHHS mới có thể thực hiện. Với mức lương 2.000 USD/GV quả không nhỏ với HS vì nhiều em còn khó khăn, hoàn cảnh gia đình không giống nhau. Nhà trường đã chuẩn bị một phòng chức năng nhưng trang thiết bị thì chưa có. Tất cả nhờ vào sự vận động đóng góp của PHHS. Cũng chưa biết kết quả buổi họp PHHS sắp tới như thế nào”.
Cùng hoàn cảnh, Hiệu trưởng Trường TH Hồng Đức (Q.8) Lý Hoài Nghĩa, tâm tư: “Với một số khó khăn như Trường Hồng Đức e thực hiện rất khó. Hàng năm có đến 30% HS thuộc diện xóa đói giảm nghèo, một số HS khác thì cũng bình thường. Đâu phải chỉ đóng học phí mà còn đóng cả tiền trang thiết bị giảng dạy. Xem ra thật khó thực hiện”.
Theo quy định về trang thiết bị giảng dạy, mỗi trường cần trang bị bộ thiết bị giảng dạy ngoại ngữ đa chức năng gồm: Bộ thiết bị dạy học thông minh giá 122 triệu đồng; máy chiếu 24 triệu đồng; máy tính xách tay 14 triệu đồng; bộ âm thanh phòng học 21 triệu đồng. Tổng cộng 181 triệu đồng. Theo đó kinh phí vận động từ PHHS là 50%.
Không thuộc diện thí điểm năm thứ nhất vì trường lỡ hợp đồng giảng dạy với GV bản ngữ từ trung tâm nhưng hiệu trưởng một trường TH ở Q.4 cho biết: “Có thể sang năm trường đăng ký GV Philippines nhưng trường rất lo vì không biết liệu PHHS có đồng tình ủng hộ không và trường đang rất phân vân trong khâu quản lý”. Hiệu trưởng này phân tích: Trước giờ PHHS đã quen với việc cho con em học với GV bản ngữ, học phí khoảng 70.000 đồng/tháng và hiệu quả giảng dạy của GV bản ngữ cũng tốt nên đa số họ đều hài lòng. Với một mức học phí như vậy, lại học với GV Philippines là người châu Á, theo đó tâm lý học sẽ không hứng thú bằng người bản ngữ. Chưa kể trước nay, khi GV bản ngữ dạy thì có một GV Việt Nam thỉnh giảng cùng để hỗ trợ, nắm bắt kết quả theo đó trung tâm ngoại ngữ sẽ trả lương cho GV Việt Nam bằng lương một tiết dạy bình thường. Nếu GV Philippines vào thì không biết GV Việt Nam có thỉnh giảng theo không? Nếu thỉnh giảng thì lương thỉnh giảng lấy từ nguồn nào để trả vì bao nhiêu tiền HS đóng đều trả hết cho GV Philippines rồi. Chưa kể trường đã trang bị phòng học đa năng, đầy đủ phương tiện máy móc giảng dạy đến hơn 200 triệu đồng nhưng của HS tiếng Anh tăng cường, liệu có phải trang bị nữa không?…
Liên kết để giảm chi phí

Một tiết học tiếng Anh của HS Trường TH Lê Ngọc Hân (Q.1) với GV bản ngữ(*)

Sở dĩ Sở GD-ĐT quyết định đưa GV Philippines vào giảng dạy nhằm mục đích quản lý đầu vào, chất lượng giảng dạy và chất lượng cả nguồn sách giáo khoa. Đây là tin vui đối với các quận, huyện, các trường bởi ít ra có hành lang pháp lý, có Sở GD-ĐT, có UBND TP quản lý chịu trách nhiệm.
Thế nhưng khó khăn trước mắt các trường gặp phải là kinh phí trả lương, kinh phí trang thiết bị giảng dạy hay vì lỡ hợp đồng với GV bản ngữ từ các trung tâm. Vì thế đến thời điểm này chỉ một số quận, huyện đăng ký nhận GV Philippines từ sở. Như Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh năm nay chỉ đăng ký 1 GV Philippines song lại giảng dạy tới 5 trường. Cô Nguyễn Thị Việt Tú, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh nêu kế hoạch: “Một GV dạy 5 trường là để sử dụng hết năng suất 20 tiết/tuần. Đây là hình thức cộng hưởng, nhằm giảm bớt gánh nặng học phí cho HS. Chứ nếu 1 trường nhận 1 GV thì số lớp học sẽ không đáp ứng đủ 20 tiết/tuần, HS không kham nổi tiền học phí”.
Theo Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh, trước đây, phòng nghe thông tin sở đưa GV Philippines về dạy và được miễn phí 100% và phòng đã lên kế hoạch chọn ra những trường khó khăn để thí điểm. Thế nhưng khi được hay phải vận động 100% từ PHHS, thời gian thay đổi quá nhanh nên phòng đành chọn cách làm này. Tính ra 5 trường có khoảng 1.000 HS. Mỗi em đóng khoảng 40 ngàn đồng/tháng. Còn chất lượng thì phải để xem sau một năm thực hiện mới có thể đánh giá được.
Phòng GD-ĐT Q.5 cũng chuẩn bị xong kế hoạch đưa GV Philippines về các trường. Cô Võ Thị Ngọc Thu, Trưởng phòng cho biết: “Trước khó khăn chung, nếu chọn trường có điều kiện thì một số HS trường khác lại không được học, không công bằng. Phòng lấy theo cụm, 3 trường nhận 1 GV Philippines về dạy, vừa giảm học phí, vừa đảm bảo 100% HS được học. Ngoài ra, các trường sẽ tận dụng những phương tiện máy móc có sẵn như máy chiếu, máy tính, bảng điện tử… đã trang bị đưa vào giảng dạy để tiết kiệm kinh phí thay vì phải mua những trang thiết bị khác như thông báo. Năm nay phòng nhận 6 GV Philippines cho 15 trường TH và THCS”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Thầy Đặng Văn An, Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn (Q.4) lo lắng: “Cùng người châu Á, cùng đứng lớp giảng dạy, cùng lao động như nhau mà lương trả GV Việt Nam cả tiếng Anh tự chọn, tăng cường, tiếng Anh theo đề án của bộ được trả thấp mà GV Philippines lại cao. Điều này tạo tâm lý thiệt hơn không hay cho GV Việt Nam. Chưa kể, chất lượng nguồn GV liệu có đảm bảo vì Philippines cũng phát triển mạnh loại hình xuất khẩu lao động. Họ có thể “mánh khóe” bằng cách xin các chứng nhận nghiệp vụ sư phạm để được dạy. Cái đó chúng ta rất khó kiểm soát”.
Cô Nguyễn Thị Việt Tú, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh cho biết: “GV không đạt thì có thể trả về. Hơn nữa các trường cũng bớt đi một gánh nặng là hễ vào đầu năm học, các trường phải tìm GV bản ngữ để hợp đồng giảng dạy; đồng thời không còn phải lo GV bản ngữ nghỉ giữa chừng như hiện nay…”. 
 
 
GV bản ngữ ở đây tạm hiểu là: Giáo viên các nước sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, không thuộc gốc châu Á.

 

Bình luận (0)