Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Len lỏi… cà phê kịch

Tạp Chí Giáo Dục

Dù chỉ vừa rộ lên và được nhiều người biết đến khoảng nửa năm trở lại đây, nhưng ít ai biết rằng cà phê kịch đã tồn tại trong lòng Sài Gòn hơn ba năm về trước.

Một buổi diễn của vở Ngao Sò Ốc Hến tại quán cà phê Bệt – Ảnh: Gia Tiến

Những diễn viên trẻ chưa có cơ hội tỏa sáng, những diễn viên không chuyên nhưng đam mê loại hình nghệ thuật kén người xem này đã gặp nhau ở ý tưởng: tạo ra một sân khấu riêng, nơi tự mình viết ra những kịch bản ngắn, một mặt vừa để nuôi lửa đam mê với nghiệp diễn, một mặt kiếm thêm thu nhập để có thể sống được với nghề. Ý tưởng về một quán cà phê có biểu diễn kịch đã ra đời từ đó.

Đến và thích

Cách đây tròn ba năm, khi Thiên Kim – chủ quán cà phê Bệt (57A Tú Xương, Q.3) – đưa ra ý tưởng mang sân khấu kịch vào một quán cà phê, có người đã cười thầm nghĩ cô là… không bình thường! Chỉ mỉm cười với những ánh nhìn dè dặt, Kim và bạn bè đã đưa kịch lên sân khấu Bệt.

"Tôi mất một năm để chuẩn bị cho các vở diễn và hai năm thử nghiệm đưa kịch đến với người xem. Nếu nói về khó khăn thì có lẽ vô cùng". Cô chủ còn nhớ mãi những khách hàng đầu tiên đến Bệt đã giãy nảy khi biết tối nay quán diễn kịch chứ không diễn nhạc như thường ngày.

Có những người là khách ruột của quán cũng đã từ chối thẳng thừng: "Em diễn nhạc thì chị đến coi, chứ tấu hài thì thôi". Câu chuyện cười ra nước mắt ấy đã thôi thúc Kim và những cộng sự quyết tâm thay đổi suy nghĩ của mọi người về một sân khấu kịch cà phê: đó phải là nơi diễn chính kịch chứ không phải dăm đoạn hài kịch mua vui.

Vướng mắc đầu tiên của những vở kịch tại Bệt chính là giấy phép biểu diễn. Kim chia sẻ: "Xin giấy phép biểu diễn tại một quán cà phê là điều cực kỳ khó khăn, nhưng vì muốn làm tới nơi tới chốn nên chúng tôi không nản".

Từ những kịch bản "cây nhà lá vườn" cho đến những kịch bản được viết lại từ các tích tuồng cổ đều phải được kiểm duyệt, may mắn là nhờ kịch bản tốt, có giá trị nhân văn nên các vở diễn tại Bệt, dù là chính kịch hay hài kịch dân gian, đều nhận được cái gật đầu của Sở VH-TT&DL.

Thời gian đầu thử nghiệm, quán chỉ dám diễn một buổi/tuần, nhưng càng về sau, nhờ sự mến mộ của khán giả đã giúp Bệt mạnh dạn đầu tư lên ba buổi/tuần vào các tối thứ hai, thứ ba, thứ năm. Có những vở diễn đã tạo thành "thương hiệu" của Bệt như Tình sống tình chết, Ngao Sò Ốc Hến, Ðoạn tuyệt, Sau một cơn dông…

Không gian sân khấu của Bệt tương đối thoáng đãng vào những ngày thường nhưng lại trở nên chật chội vào những ngày công diễn, có lúc cao điểm số khách đến Bệt lên tới 100 người. Với tinh thần "luôn luôn đổi mới", nhóm kịch bản tại Bệt tự hứa với nhau dù bận rộn tới đâu mỗi tháng cũng cố gắng cho ra một kịch bản mới.

Không sở hữu một không gian hoành tráng nhưng Lít Café (3/13 Thích Quảng Ðức, Q.Phú Nhuận) lại là một điểm hẹn khác với nhiều điều thú vị. Ðầu tiên chính là sân khấu rộng chưa đầy 2m2 của quán. Nếu không từng tới đây xem kịch, khó ai có thể hình dung được những vở kịch của quán hoàn toàn được biểu diễn tại sân khấu nhỏ bé này.

Ðến Lít lần đầu tiên, chúng tôi thật sự cảm động với hình ảnh một bạn trẻ khuyết tật chống nạng, leo từng bậc thang nhỏ xíu lên quán, tìm cho mình một chỗ ngồi để thưởng thức cà phê và xem kịch nơi quán ruột của mình.

Trên sân khấu tí hon ấy, không có kỹ xảo, không décor cảnh trí, chỉ có chiếc đèn pin thay cho đèn spotlight và khoảng cách từ diễn viên đến người xem hoàn toàn bằng không, thế nhưng đâu đó vẫn có những giọt nước mắt đồng cảm với vai diễn người mẹ, một tiếng thở dài cho cái chết tức tưởi của cậu con trai khi xem vở Tiếng chim ngừng hót (nguyên tác từ vở kịch nổi tiếng Tiếng chim vườn Ngọc Lan của tác giả Chu Ðại Tân, đã được nhóm kịch bản của Lít viết lại) và những tràng pháo tay thật giòn khi vở kịch kết thúc.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là phần hấp dẫn nhất của đêm… Sân khấu sáng đèn trở lại, dù vẫn còn thở dốc sau vai diễn nhưng các diễn viên đã có mặt đầy đủ trên sàn để giao lưu với khán giả. Những thắc mắc đại loại như "Tại sao đến đoạn cảm động như thế chị lại "lén" cười?" luôn khiến các diễn viên… méo mặt, nhưng rồi lại cười xòa ngay khi chia sẻ một cách chân thành với người hỏi. Cứ như thế, mỗi tối thứ tư và thứ năm hằng tuần, mọi người ngồi lại với nhau, mổ xẻ, khen chê và gật gù với những ý kiến mới mẻ đến tận khuya.

Nơi nuôi dưỡng lửa nghề

Có một điểm chung giữa hai quán cà phê kịch mà chúng tôi đã có dịp ghé thăm, đó là kinh doanh không phải là đích tới của họ. Bởi nếu muốn làm giàu, người ta sẽ chọn những lĩnh vực dễ dàng và ít tốn chi phí hơn chứ không bao giờ chọn kịch. NNCK là nhóm biểu diễn kịch không chuyên tại Lít Café. Nhân sự chính không đông đúc (chỉ gồm ba thành viên) và con đường đến với nghệ thuật của họ cũng lắm vui buồn, cười ra nước mắt, có lẽ vì vậy mà nhóm quyết định lấy tên là NNCK (viết tắt của Những Người Cùng Khổ).

Trưởng nhóm Hoàng Minh Phi từng là sinh viên Trường cao đẳng Sân khấu – điện ảnh trước kia, nhưng vì lý do kinh tế không thể tiếp tục theo học, anh phải bỏ ngang để chuyển sang làm kinh tế. "Ðào" chính Như Thảo cũng là người "có duyên không phận" với nghệ thuật khi tham gia học diễn xuất tại Hãng phim Giải Phóng được một thời gian rồi cũng chuyển sang làm… kế toán. Có thể chén cơm mưu sinh không cho họ sống được với nghề nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật dường như chưa bao giờ tắt.

Với mong muốn tạo dấu ấn chuyên nghiệp về sân khấu kịch cà phê, Bệt đã mạnh dạn mời những diễn viên chuyên nghiệp tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, 5B tham gia góp sức. Họ là những diễn viên có tuổi nghề trên dưới mười năm nhưng vì những lý do riêng vẫn chưa thành danh trên con đường lớn. Bệt chính là "khúc cua" nhỏ nhưng lại giúp họ nuôi dưỡng lòng yêu nghề.

Và với những quán như Bệt, Lít mà loại hình sân khấu cà phê kịch từng bước đi vào đời sống tinh thần của không ít người, như Thiên Kim, chủ quán Bệt, đã nói: "Chúng tôi muốn mọi người tới đây không phải do tò mò vì sự lạ của nó, mà vì muốn thưởng thức một không gian nghệ thuật thật sự".

Khó khâu xét duyệt

Hiện nay ngoài cà phê Bệt tự bỏ tiền chiêu mộ diễn viên, hình thành một nhóm kịch tương đối ổn định, diễn định kỳ tại quán thì các quán cà phê còn lại vẫn còn khá long đong trong việc tìm nhóm diễn viên. Hầu hết các nhóm diễn viên này đều thành lập theo kiểu tự phát, có một trưởng nhóm là người biết ít nhiều về sân khấu, số còn lại là những bạn trẻ được chiêu mộ từ nhiều nơi. Do vậy, dù ít dù nhiều, chất lượng của kịch vẫn còn khá chông chênh và chưa được bảo đảm.

Tại TP.HCM hiện nay có khoảng năm quán cà phê đang hoạt động theo hình thức cà phê kịch nhưng chỉ có một vài trong số đó công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số còn lại khá “nhạy cảm” khi phải xuất hiện vì lý do: chưa có giấy phép biểu diễn và duyệt tác phẩm từ cơ quan có thẩm quyền. Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải là do chi phí xin xét duyệt khá cao so với mặt bằng thu nhập chung của các nhóm diễn viên không chuyên.

MINH TRANG (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)