Cách nhanh nhất để học một ngoại ngữ là gì? Là khi bạn bị “mắc kẹt” trong ngoại ngữ đó: mắc kẹt với những người bản xứ chỉ dùng ngôn ngữ này, mắc kẹt trong một môi trường mà bạn không thể dùng bản ngữ của mình.
Giáo viên nghèo chiêu sinh học viên giàu
Trong quá khứ, cách duy nhất để bạn bị “mắc kẹt” là đến đất nước sử dụng loại ngôn ngữ mà bạn đang học. Nhưng nay thì khác. Hành trình xa xôi, tốn kém đó có thể được thay thế chỉ bằng vài cú nhấp chuột.
Lên mạng mọi lúc mọi nơi – Ảnh: AFP |
Glovico.org tự gọi mình là một website học ngôn ngữ theo kiểu thương mại công bằng, cho phép cư dân các nước đang phát triển “chiêu sinh” từ các nước giàu có.
Chuyện một giáo viên ở tận Peru (nơi tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính thức) hay Bờ Biển Ngà (tiếng Pháp) dạy ngôn ngữ cho học viên từ Anh, từ Mỹ chẳng phải là điều hiếm trên Glovico.org.
Vào Glovico.org, học viên sẽ được học một thầy một trò qua màn hình video, kết nối thông qua skype.
Để phần nào quản lý chất lượng những buổi học như thế này, Glovico.org có đại diện ở một số nước để kiểm tra trình độ giáo viên.
Ngoài ra, hệ thống đánh giá trên trang web cũng cho phép các học viên đánh giá chất lượng giáo viên công khai dựa trên các yếu tố đúng giờ, khả năng cạnh tranh, giọng nói và chất lượng đường truyền ở đất nước của họ. Điều này giúp các học viên đến sau dễ dàng lựa chọn giáo viên tốt nhất cho mình.
Giá cho mỗi giờ học một thầy một trò là 8 euro (11 USD). Glovico là tổ chức phi lợi nhuận nên chỉ trích 2 euro cho phí vận hành và cơ sở hạ tầng. Số tiền còn lại sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của giáo viên.
Học tiếng Anh giữa biển lửa
Glovico.org chẳng phải là trang web dạy ngoại ngữ đầu tiên theo kiểu này. Language Lab có từ năm 2005, chuyên dạy tiếng Anh trong mọi tình huống của cuộc sống. Được xây dựng trong lúc game online Sencond Life đang nổi đình nổi đám, Language Lab cũng dạy tiếng Anh trong bối cảnh bắt chước mọi tình huống thật của đời sống thường ngày.
Máy tính và internet khiến chuyện học hành của mọi người trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết – Ảnh: Reuters |
Vậy là với Language Lab, học viên sẽ vào một thành phố ảo của Anh giống y chang thành phố thật: cũng sân bay, cũng bệnh viện, cũng các tình huống khẩn cấp đời thường.
“Anh sẽ sử dụng và học tiếng Anh theo cách mà trước đây anh không bao giờ hình dung được”, Michael Lee, giám đốc marketing của Language Lab phát biểu.
Chẳng hạn học viên sẽ “bị dồn” vào một ngôi nhà đang bốc cháy, buộc phải líu lưỡi giúp nhau thoát ra ngoài, cùng nhau quyết định hàng loạt tình huống khẩn cấp, tất nhiên là bằng tiếng Anh.
Giáo viên ở Language Lab đa phần đều là giáo viên dạy ngôn ngữ chuyên nghiệp muốn làm thêm vào buổi tối và những lúc rảnh rỗi.
Hiện Language Lab có khoảng 600 thành viên trả tiền, nhưng ban quản trị trang web này dự đoán sẽ nhanh chóng có thêm nhiều khách hàng trong thời gian tới, bởi Language Lab đang nhắm tới các doanh nghiệp và tổ chức của chính phủ – 2 đối tượng có thể cần dạy tiếng Anh cấp tốc cho nhiều nhân viên một lúc nhưng không muốn trả phí cao để đưa họ đến các nước nói tiếng Anh.
BBC dẫn ý kiến của giám đốc Hiệp hội học ngôn ngữ ở Anh, bà Linda Parker cho rằng đây là một cách học ngôn ngữ rất thú vị. Theo bà Parker, để học một ngoại ngữ tới mức độ am hiểu, cách học truyền thống là thích hợp. Tuy nhiên, học trên mạng sẽ hợp với những ai muốn sự thuận tiện, nhanh chóng và không tự tin trong môi trường lớp học truyền thống.
Đoan Nhật / TNO
Bình luận (0)