Trao đổi với phóng viên tại Trung Đông ngày 31/7, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết các kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn và sơ tán cộng đồng người Việt tại đây đã được chuẩn bị sẵn sàng, đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Theo Đại sứ, các cuộc xung đột vũ trang và tình hình bất ổn an ninh đã ảnh hưởng rất lớn đến những người lao động Việt Nam tại Libya, gây tâm lý hoang mang, lo lắng và dao động ở một số người.
Xe quân sự chở vũ khí hạng nặng được sử dụng trong cuộc giao tranh gần tuyến đường tới sân bay Tripoli ngày 20/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cuộc sống của lao động Việt Nam tại Libya cũng gặp khó khăn do bị cắt điện và mất nước thường xuyên.
Một số nơi, người lao động bị công ty cắt giảm khẩu phần ăn, phải sử dụng củi để đun nấu do không mua được nhiên liệu và bị các nhóm vũ trang xông vào nơi ở cướp tiền, điện thoại…
Ngoài 11 cán bộ, nhân viên và thành viên gia đình của Đại sứ quán và các cơ quan đại diện, cùng 206 lao động làm việc cho một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đã được rút về nước, cộng đồng người Việt tại Libya hiện còn hơn 1.550 người lao động.
Trong số đó, khoảng 220 người vẫn đang làm việc tại hai khu vực xảy ra giao tranh, gồm thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi.
Số còn lại làm việc tại những nơi chưa có chiến sự. Tuy nhiên, phần đông lao động tại các nơi có xung đột vẫn đi làm; địa điểm làm việc và nơi ở của họ chưa bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trong khi đó, số lao động Việt Nam tại các thành phố khác vẫn đi làm bình thường và cuộc sống vẫn được đảm bảo.
Trong bối cảnh tình hình chính trị và an ninh tại Libya đang diễn biến phức tạp và căng thẳng khó lường, nhất là tại Tripoli và Benghazi, Đại sứ quán Việt Nam đã lên kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn cho trụ sở, các cán bộ, nhân viên và cộng đồng người Việt.
Lộ trình sơ tán đã được xây dựng cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện. Đại sứ quán thường xuyên giữ liên lạc với đại diện người lao động Việt Nam tại các địa phương để nắm bắt tình hình và khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các công ty trong việc giải quyết các thủ tục cần thiết để sơ tán lao động Việt Nam đến nơi an toàn hoặc đưa về nước.
Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya cũng yêu cầu các chủ sử dụng lao động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và cam kết thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết.
Trong số đó, các chủ sử dụng là người nước ngoài được yêu cầu đưa lao động Việt Nam về nước trong trường hợp họ quyết định rút khỏi Libya.
Các công ty trong nước được yêu cầu duy trì liên hệ với các chủ sử dụng lao động để nắm bắt kế hoạch của họ và được khuyến cáo không tiếp tục đưa lao động sang làm việc tại Libya vào thời điểm này.
Dự kiến, khoảng 800 lao động Việt Nam đang làm việc cho một công ty Hàn Quốc sẽ được sơ tán về nước bằng đường không qua ngả Cairo vào ngày 2/8 tới./.
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)