Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Lên Sa Pa thăm thác bạc

Tạp Chí Giáo Dục

Đến thác Bạc, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản hấp dẫn

Đường lên thác Bạc, qua những thửa ruộng bậc thang, thực sự là kỳ quan với những cánh rừng xanh mướt, hoa e ấp nở, ngời sắc trinh nguyên. Nơi này thôi thúc biết bao đôi chân khát khao khám phá của lữ khách.

Từ trên độ cao 200 mét, con suối Mường Hoa gieo mầm sống sau lớp sương mù. Vượt qua khe suối, nắn nót dòng chảy và ào ạt thành dòng thác Bạc cuồn cuộn tung bọt đùa giỡn dưới ánh nắng lung linh, gửi từng thông điệp từ đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Từ thị trấn Sa Pa (Lào Cai), có thể đi xe du lịch 12 -15 chỗ ngồi hoặc dùng xe máy đổ về phía Tây chừng 12 km là tới khu du lịch thác Bạc, một thác nước hùng vĩ còn ẩn chứa nhiều nét hoang sơ và kỳ thú.

Thác bạc hùng vĩ

Từ xa đã nghe réo rắt tiếng suối nước rượt đuổi nhau đổ về thác Bạc. Chính những vẻ đẹp thiên tạo đó đã thôi thúc biết bao lữ khách.

Sau gần nửa giờ vượt lên những đoạn đường quanh co, uốn lượn, thở trong gió núi, nghe văng vẳng tiếng chim ngàn, càng làm cho du khách cảm thấy lâng lâng thoát tục như đang lạc vào cõi bồng lai.  Sa Pa bốn mùa hoa trái, bốn mùa sáng sớm đều sương giăng mờ mịt. Nhất là khu vực thác Bạc, mùa hạ vẫn se se lạnh.

Du khách ngâm mình dưới dòng suối trong mát, gột rửa mọi lo toan, tha hồ trò chuyện thư giãn dưới những bóng cây rừng xanh mởn, để mọi phiền não trôi theo dòng thác Bạc.

 

Hương vị núi rừng

Đi dọc theo hai bên dòng thác Bạc, những cô gái H’Mông cõng gùi, địu những bé con dễ thương, đôi má ửng hồng, chào mời những sản phẩm khéo tay cho khách làm quà lưu niệm.

Nơi này còn rất nhộn nhịp với phiên chợ vùng cao, chuyên bán đồ lưu niệm của người dân tộc thiểu số như vòng, nón, ví, khăn thêu, rượu, cây thuốc quý có nguồn gốc từ Hoàng Liên Sơn, trà thảo dược…Đa dạng nhất là các mặt hàng thổ cẩm, màu sắc ấn tượng. Ngoài ra, một khu ẩm thực chuyên phục vụ đặc sản núi rừng cũng sẵn sàng bày tiệc rượu đón khách.

Đến đó, du khách có thể thưởng thức các món gà bản, heo cắp nách, canh rau đay, thắng cố…rất độc đáo. Nhiều khách lữ hành cũng thích ngồi dưới các tán cây hoặc quán cóc để tận hưởng món khoai lang nướng, bắp nướng, trứng gà nướng trên những bếp than hồng dậy mùi thơm lừng…Các cô gái H’Mông rực rỡ trong trang phục truyền thống luôn tay mời khách thưởng thức từng  ly rượu mơ, rượu táo mèo hoặc rượu san lùng.

Hấp dẫn nhất là món cơm lam ăn với chim sẻ nướng, nhái nướng hoặc thịt nướng, vừa ngon vừa béo bổ, càng thưởng thức càng thấy thú vị.

 Muốn đến Sa Pa, bạn nên đi xe lửa từ Hà Nội đến Lào Cai. Từ Lào Cai đến thị trấn Sa Pa bằng xe du lịch chỉ mất khoảng 40 phút. Tại đây, chúng ta chỉ cần một máy ảnh, một chai nước suối, một bản đồ du lịch và nhờ một tài xế xe ôm tại địa phương (giá dịch vụ khoảng 150.000 đồng/ngày) làm "guide" là có thể đến thác Bạc hoặc bất cứ nơi nào ở Sa Pa …

Bạn cũng đừng quên ghi lại những khoảnh khắc thú vị từ cuộc sống của người Dao Đỏ trong máy ảnh.

Du khách có thể nhờ người dân tộc đưa về làng tham quan, ăn uống theo kiểu "home-stay" ngay  tại nhà của họ.

Hiện nay, đa số phụ nữ dân tộc thiểu số chuyên hướng dẫn khách du lịch tại Sa Pa đều nói được tiếng Việt, Anh, Pháp…

Ở Sa Pa, ai đã thưởng thức một lần những món ngon bản địa thì khó mà quên được hương vị đặc trưng của nó, vì mỗi món ăn ở xứ sương mù đều có bí quyết về hương vị và lối chế biến khác nhau, mang đậm phong cách của bản làng. Không có gì cao sang nhưng hầu hết đều mang hồn xứ sở và đậm dấu ấn của núi rừng Sa Pa.  

Hoài Phương (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)