Vừa qua, tôi có lên Ba Vì dự giờ, lắng nghe và trao đổi chuyên môn với giáo viên ngữ văn cấp THCS cốt cán toàn thành phố Hà Nội theo lời mời của Sở GD-ĐT. Đây là một trường thuộc huyện ngoại thành, cách Hà Nội 60-70km.
Tham dự một số giờ dạy, tác giả cho biết giáo viên thường tự làm nặng thêm nội dung dạy học so với yêu cầu của sách giáo khoa (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Trong hội trường rộng, có khoảng 45 học sinh ngồi phía trước và gần 150 giáo viên ngữ văn THCS ngồi phía sau, chủ yếu dạy sách Ngữ văn 6, 7 (bộ Cánh diều). Nội dung chính gồm, cô giáo Lê Thị Bích Hường dạy 1 tiết (tiết 2) bài tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của tác giả Huỳnh Như Phương. Giáo viên và người dự trao đổi, nhận xét, đánh giá, bổ sung để có nhận thức chung về yêu cầu đổi mới cách dạy học đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại.
Buổi làm việc bắt đầu từ 8 giờ 30 cho đến đúng 12 giờ mới kết thúc. Nhìn chung, giáo viên đã hoàn thành tốt bài dạy của mình. Giáo viên các đơn vị đến dự cũng đã phát biểu, ngợi khen những cái được, điểm thành công và nêu lên một số hạn chế cần bổ sung, điều chỉnh rất đúng, bổ ích. Về phần mình, tôi thấy cần nêu lên một số vấn đề liên quan đến việc dạy thể loại tản văn trong chương trình và sách giáo khoa mới (bộ Cánh diều).
1. Tản văn thuộc thể ký, trong chương trình mới cấp THCS, lớp 6 học hồi ký hoặc du ký và lớp 7 học tùy bút và tản văn. Như thế khi dạy tản văn, giáo viên trước hết cần chú ý đặc điểm chung của ký. Đó là tính chân thực, tôn trọng sự thật đời sống. Ví dụ trong văn bản “Người ngồi đợi trước hiên nhà”, sự thật về các sự kiện lịch sử, tên địa danh và nhân vật, việc làm đều có thể kiểm chứng. Thứ hai, ký gắn với cái tôi của tác giả, người kể chuyện và trực tiếp thổ lộ tâm trạng, tình cảm… Vì thế ký thường kết hợp phương thức kể, tả và biểu cảm. Sự kết hợp này làm cho bài ký vừa có tính tự sự, vừa giàu chất trữ tình sâu lắng. Thứ ba, do sự kết hợp nêu trên nên ký vừa là bức tranh phản ánh đời sống, vừa mang đậm dấu ấn cá nhân, cái tôi của tác giả (cả nội dung và hình thức thể hiện)… Ngoài đặc điểm chung của ký, cần chú ý thêm đặc điểm riêng của tản văn. Đó là các vấn đề mà bài tản văn nêu lên đều rất giàu ý nghĩa xã hội, liên quan đến suy nghĩ, tình cảm của rất nhiều người. Với học sinh lớp 7 chỉ nên dừng lại một số kiến thức cơ bản về ký và tản văn. Và cũng không phải nêu để bắt học sinh học thuộc lý thuyết, mà chủ yếu để các em nhận biết được các đặc điểm ấy ở một bài tản văn cụ thể.
2. Khi biên soạn bài “Người ngồi đợi trước hiên nhà”, người biên soạn đã nêu các câu hỏi đọc hiểu bám sát các đặc điểm của ký và tản văn nhằm hình thành cho học sinh cách đọc thể loại này. Điều đó thể hiện ngay ở mục chuẩn bị: Khi đọc tản văn, các em cần chú ý: Bài tản văn viết về ai, về sự việc gì (đề tài)? Tác giả sử dụng phương thức biểu đạt nào? Vấn đề tác giả nêu lên có ý nghĩa xã hội như thế nào? Những yếu tố nào bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ của tác giả?
Đặc biệt, sau đó là sáu câu hỏi cuối văn bản, nhằm hướng dẫn khai thác học sinh cách đọc bài tản văn này. Sáu câu hỏi ấy đã bao hàm đầy đủ các yêu cầu đọc hiểu bài tản văn và đã tính đến sự vừa sức với học sinh. Vì thế giáo viên không nên thêm các nội dung khác; kể cả mở rộng, nâng cao, luyện tập và vận dụng. Theo đó, giáo viên chỉ nên đầu tư công sức vào việc chuyển các câu hỏi ấy thành các hoạt động và tổ chức cho học sinh hoạt động tìm hiểu văn bản. Nếu không nghĩ được hình thức hoạt động nào phù hợp thì tốt nhất giáo viên chỉ cần tổ chức cho học sinh lần lượt trả lời sáu câu hỏi trong sách sau đây là đã đáp ứng được yêu cầu: Bài tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà” viết về ai, về việc gì? Sắp xếp các sự kiện chính sau đây theo trật tự như tác giả đã kể trong văn bản (người soạn sách xáo trộn các sự kiện chính và yêu cầu học sinh xếp lại theo trình tự của văn bản). Trong bài tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà”, tác giả đã kết hợp phương thức tự sự (kể) với phương thức nào? Chỉ ra tác dụng của việc kết hợp đó. Tìm và phân tích một số câu, đoạn văn trực tiếp bộc lộ tình cảm, suy nghĩ của tác giả. Bài tản văn cho người đọc thấy sự hy sinh thầm lặng mà lớn lao của những người phụ nữ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề ấy gợi cho em suy nghĩ gì khi sống trong hòa bình? Có người nói: Dì Bảy trong bài tản văn giống như hòn Vọng Phu ở các câu chuyện cổ. Ý kiến của em như thế nào?
Hai câu hỏi đầu tập trung vào yêu cầu học sinh nắm được nội dung bề nổi của văn bản. Như thế học sinh phải trực tiếp đọc và nhận biết được đề tài, nhân vật, sự kiện chính. Câu hỏi 3 và 4 chính là yêu cầu phân tích sâu vào đặc điểm hình thức, tác dụng của chúng (câu 3 hướng vào đặc điểm tự sự (kể) kết hợp với trữ tình (biểu cảm). Câu 4 yêu cầu nhận biết các câu, đoạn văn bộc lộ trực tiếp tình cảm, suy nghĩ của tác giả, tức nhận biết được chất trữ tình, cái tôi và ngôn ngữ của bài tản văn. Câu 5 và 6 là yêu cầu khái quát, liên hệ, mở rộng suy tưởng. Từ đó mà hiểu ý nghĩa, thấm thía nội dung sâu sắc của văn bản.
3. Dạy bài tản văn này, theo tôi, giáo viên chỉ cần tiến hành 4 hoạt động chính. Cụ thể, hoạt động 1: Khởi động để dẫn học sinh vào bài học. Hoạt động 2: Đọc và tìm hiểu chung, đó là tổ chức cho học sinh đọc diễn cảm văn bản trên lớp, tìm hiểu các từ ngữ khó; hướng dẫn tìm hiểu thông tin thêm về tác giả. Với tác giả Huỳnh Như Phương, chỉ cần lưu ý học sinh là ông sinh ở Quảng Ngãi, viết về chính những người thân, những sự kiện xảy ra ngay ở quê hương mình… nên hiểu sâu sắc và rất nặng tình. Điều đó phù hợp với đặc điểm của tản văn. Thế là đủ. Hoạt động 3: Tìm hiểu văn bản, đó là tổ chức cho học sinh lần lượt trả lời sáu câu hỏi nêu trong sách giáo khoa như trên đã nói. Mỗi câu hỏi cần theo trình tự: Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh, có thời gian để các em làm việc (nhóm, cá nhân, cặp đôi); có thời gian để học sinh trình bày kết quả làm, trao đổi, thảo luận các kết quả ấy. Từ đó giáo viên có thể tóm lại, phân tích thêm, bình và mở rộng thêm… Lưu ý: Trong sáu câu hỏi ấy đã có yêu cầu luyện tập, vận dụng rồi. Nếu có thời gian giáo viên có thể ra một số bài tập trắc nghiệm để kiểm tra kết quả hiểu bài của học sinh. Sau đó có thể ra bài tập vận dụng như: Em hãy nêu những hiểu biết của mình về một số hy sinh thầm lặng của các bà mẹ Việt Nam ở quê hương mình. Hoạt động 4: Tổng kết, đó là cho học sinh nêu khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài tản văn; rút ra cách đọc một bài tản văn. Thế là kết thúc bài học.
Tôi có dự một số giờ dạy (cả theo chương trình 2006 và chương trình 2018), nhìn chung giáo viên tự làm nặng thêm rất nhiều so với yêu cầu của sách giáo khoa. Làm thế vì các thầy cô biết nhiều quá, muốn thêm vào… Các thầy cô không biết như thế là tự làm khó mình và làm khổ học sinh.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)