Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Lên Tây Bắc ăn đồ Thái

Tạp Chí Giáo Dục

Trên bước lữ hành, du khách có dịp thưởng thức các món ăn bản địa – một trong những đặc trưng văn hoá – cửa từng miền, từng tộc người. Mời các bạn lên Tây Bắc (Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu) để thưởng thức phong vị Thái, một phong vị không trộn lẫn, có từ ngàn đời.

Về ăn (cũng như mặc, ở), người Thái ưa cái đậm, cái mạnh, và cái vững. Món ăn được ưa chuộng là món nướng rồi lại đồ. Đó là món lam nhọ. Lam là nướng, nhọ là nhừ (dừ). Tảng thịt trâu, hoặc bò, nướng trên than hồng cho thật chín rồi thái mỏng ngang thớ, trộn với các thứ gia vị: Tiêu rừng (mắc khén), ớt, tỏi, gừng và rau bí, quả bí non, quả cà rừng… tất cả cho vào ống tre nướng chín, sau đó lấy que chọc cho nhuyễn, lại nướng ống tre lần nữa cho chín nhừ. Lam nhọ vị ngọt đậm, mềm nhừ mà vẫn đóng bánh, khi ăn phải lấy đũa xắn từng miếng.

Thua nau chế biến bằng đỗ tương: Chế biến thua nau cũng công phu lắm. Đậu tương hạt mẩy cho vào nồi ninh thật kỹ, để nguội, phủ lá chuối tươi ủ lên gác bếp, khi lên men trắng, ngả mùi, đem giã nhuyễn. Riềng, tỏi giã nhỏ, lá chuối tươi sạch đốt lấy tro, muối rang nổ, ớt, mắc khén, rượu trắng…, tất cả trộn đều, tấp vào hũ lèn chặt, nút thật kín, để lên bếp chừng mươi mười lăm ngày là ăn được; hoặc có nơi người ta nặn thành từng bánh nhỏ phơi khô, khi ăn thì nướng vùi trong tro nóng. Thua nau nướng, dậy mùi thơm như nướng cá khô, mực khô.

Pa pính là món cá nướng. Người ta dùng các loại cá bản to như chép, mè, trôi, chắm…, con độ một cân, cân rưỡi mổ đằng lưng, bỏ ruột, để ráo nước, rồi xoa một lượt muối rang nổ vào bên trong cá: Mắc khén, ớt tươi nướng, nghiền nát, hành tỏi, rau thơm rau mùi thái nhỏ, tất cả trộn đều nhồi vào bụng cá, để một lúc cho ngấm gia vị, cá cứng; cặp dọc cá, nướng trên than hồng. Cá chín dậy mùi thơm rất riêng, rất độc đáo.

Người Thái còn có món gà luộc chấm chéo tắp (gan gà luộc chín trộn với gia vị, tiêu gừng, muối rang nghiền nát) và bát cáy mọ. Cáy mọ (thịt gà tra đủ các thứ gia vị, gói lá nướng vùi tro), miếng ăn thơm mềm, béo ngậy mà không ngấy, nhâm nhi với rượu. Ngoài ra, người Thái còn các món côn trùng như trứng ong, trứng kiến (non tó, non ten); nhộng sâu chít (đuổng khem)…

Đặc biệt người Thái thích món nướng: nướng trực tiếp trên than hồng, gọi là chí; gói thức ăn vào lá vùi tro nướng gọi là pho; bỏ vào ống tre nướng, gọi là lam v.v… Người Thái giản dị, không mâm cao, cỗ đầy, không nem công, chả phượng. Người ta chú ý đến hương, đến vị mà ít chú ý đến mỹ thuật bày biện, màu sắc của món ăn. Người Thái xem ăn uống là dịp để thể hiện phong cách ứng xử trong sinh hoạt cộng đồng. Không lấy ăn uống làm chính mà lấy sự vui làm trọng. Bạn hãy thử một lần lên Tây Bắc sống cùng người Thái trong nếp nhà sàn mù sương, vào một đêm lạnh dịu ngồi quanh bếp lửa, nhâm nhi rượu cần (lẩu xá) thanh vị hoặc rượu cất (lẩu xiêu) nồng nàn, ăn một miếng lam nhọ, cáy mọ hay pa píng… mà nhớ tới những bữa đãi đằng trong restaurant, tay dao, tay dĩa, nơi đô thành…

Lao Động (Nguồn Món ngon Hà Nội)

Bình luận (0)