Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Lều chữ” ven suối

Tạp Chí Giáo Dục

“Lều chữ” ven suối

Cô giáo Ngô Thị Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết: “Hiện có gần 40 em học sinh của trường không có chỗ ở nội trú, phải dựng lều tạm ven bờ suối để trọ học”.
Chính quyền các huyện Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, đó là tình trạng chung ở những trường THPT trên địa bàn.
Thương lắm học trò vùng cao
Nơi trọ học của các em học sinh Trường THPT Hướng Phùng là những túp lều tre nứa rách nát, nằm ven các bờ suối. Túp lều của 5 học sinh đến từ xã Hướng Việt rộng chừng 5m2, vừa để tư trang, vừa làm… bàn học, kiêm chỗ ngủ! Em Hồ Văn Tình, học sinh lớp 12B2 tâm sự: “Nhà em cách đây gần 30 cây số. Em ở trong túp lều này đã 6 năm rồi. Lúc em vừa mới đến đây, bác chủ nhà đang chuẩnn bị chuyển đi nơi khác, thế là tụi em xin bác đừng tháo căn bếp. Mỗi lúc trời mưa tụi em cuốn chăn chiếu, sách vở vào túi nilon, đợi tạnh mưa mới dám đi ngủ”.
Cách đó chừng vài chục bước chân, 4 em học sinh gồm 2 nữ, 2 nam cùng đến từ bản Cù Bai, xã Hướng Lập, sống chen chúc trong chòi canh cà phê chật hẹp. Chòi dựng đã lâu nên tre nứa đều mục rã, bốn cây cột trụ đã bị mối ăn gần hết, trên mái toàn những túi nilon, bao gai do các em tự đan vào để che mưa, nắng. Đang loay hoay với mấy khúc củi ướt nhèm chuẩn bị nấu cơm trưa mà nhen mãi không đỏ lửa, em Hồ Thị Phể, học sinh lớp 11 cho biết: “Mỗi tháng bố mẹ ki cóp cho em một trăm ngàn mua gạo, còn thức ăn thì tranh thủ thời gian nghỉ trưa xuống suối kiếm”. Có hoàn cảnh khó khăn nhất trong số đó là Hồ Thị Quyên. Bố mất, một mình mẹ nuôi 7 chị em nên phần lớn Quyên tự lên rừng kiếm củi mang về bán lại cho bà con kiếm tiền góp vào mua gạo với các bạn. Mấy hôm nay Quyên bị ốm, trời lại mưa nên chăn chiếu ướt hết, em nằm co ro, run bần bật trong chiếc áo khoác bạn bè đắp tạm cho em đỡ lạnh.
Mơ một khu nhà bán trú
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng các huyện Hướng Hóa, Đakrông cho biết, hiện có hơn trăm em học sinh phải tự dựng lều học chữ ở những khu vực gần các trường THPT trên địa bàn hai huyện này. Chính quyền, ngành chức năng địa phương đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ các em, nhưng do rất khó khăn về tài chính, nên chưa xây dựng được các khu nhà bán trú cần thiết.
Được biết, trong gói thầu thi công Trường THPT Hướng Phùng có hạng mục nhà bán trú cho học sinh, tuy nhiên do giá cả nguyên vật liệu liên tục tăng cao nên nhà thi công buộc phải dừng công trình nhà bán trú, đợi hạng mục thi công lần sau. Theo cô giáo Ngô Thị Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng, thời gian cụ thể là bao lâu thì nhà thầu không thể chắc chắn được. Cô giáo Trúc trăn trở: “Nhà trường cũng đã đi đến từng nhà dân động viên bà con giúp đỡ các em có chỗ ăn ở, nhưng số lượng học sinh cần nhà ở quá đông nên có rất nhiều em buộc phải dựng lều ở tạm. Hiện có gần 40 em học sinh của trường không có nhà ở, phải dựng lều ven các bờ suối như thế này. Mùa nắng các em còn ở tạm được chứ mùa mưa ở miền núi này lũ lớn hay xảy ra bất ngờ, rất nguy hiểm đến tính mạng các em. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có thêm nhiều em học sinh phải nghỉ học”.
Trường THPT Hướng Phùng có 229 học sinh, trong đó học sinh người Vân Kiều, Pa Cô chiếm gần 50%. Để học cái chữ, các em đã phải băng rừng lội suối hàng chục cây số từ các xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Linh… về trung tâm xã Hướng Phùng để trọ học. Điều kiện gia đình các em hầu hết là nghèo khó, hơn nữa việc dựng nhà cho thuê đối với người dân miền núi còn là khái niệm quá xa vời. Các em vì vậy phải mượn đất, tự dựng lều hoặc vào sâu trong nương rẫy xin những cái chòi canh cà phê ở tạm. Nhìn những túp lều rách tả tơi, chỏng chơ, cùng những bát đĩa, xoong nồi ám khói đen sì, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mong rằng, chính quyền, ngành chức năng địa phương sớm tìm ra giải pháp để các em học sinh ở đây không còn phải trọ học trong những căn lều, chòi canh dột nát.
Phan Vĩnh Yên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)