Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Lều rách nuôi chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Đống lửa lớn được đốt lên giữa sân trường Phổ thông Cơ sở Kim Nọi (bản Giàng Phùng, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) xua tan khí lạnh thấu xương tỏa ra từ những khe núi.

Mùa A Tính đang học trong lều của mình- Một trong những lều nát nhất

Bên ánh lửa bập bùng, già làng kiêm trưởng bản Giàng Phùng – Giàng Pàng Nù cất giọng trầm trầm mà chắc nịch:

“Bản ta còn đói còn nghèo. Nhưng dù đói mấy cũng không đứa trẻ nào được bỏ con chữ. Nếu đói con chữ là đói cả đời, tất cả nghe chưa!”.

Mất hơn hai giờ đồng hồ để vượt qua sáu cái dốc cheo leo và gập ghềnh, Phó phòng Giáo dục Mù Cang Chải Phan Thúy Hiền và Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái Hoàng Hữu Độ mới đưa tôi đến được những căn lều của học sinh các bản xa về trọ học tại thị trấn Mù Cang Chải.

Đứng thở trên đỉnh đèo cao nhất, chỉ về những túp lều bằng rơm hoặc tôn rách nát, chông chênh bên vách núi quanh con suối Nậm Kim đã cạn khô từng khúc, chị Phan Thúy Hiền nói trong ngắt quãng: “Gần hai trăm túp lều kia có hàng chục năm rồi. Em này học xong đi em khác đến.

Trong số gần hai trăm lều trọ học ấy, lều trọ học của Mùa A Tính, lớp 12 A1, trường THPT Mù Cang Chải nát nhất. Cầu thang lên lều không có, phải dùng một cây gỗ thông mục khoét thành bậc để bấm chân leo. “Ở ngoài lều mùa nào cũng rét.

Mùa mưa thì cuống cuồng ôm sách vở và che ô cho khỏi ướt còn mùa rét thì cuống cuồng dậy đốt lửa rồi thức trắng đêm chờ trời sáng để đi học”- Tính kể. Còn cái ăn? “Một tháng có  tám kg gạo của nhà gửi lên (nhà Tính ở bản Háng Trú, xã Kim Nọi – PV) thì cả nhà cũng phải nhịn ăn mới đủ. 

Để bớt đói, Tính dành dụm tiền mua thêm sắn xanh, một thứ sắn rừng ăn nhiều có thể say đến lả người để ghế cùng với cơm cho chắc dạ. Năm nay, Tính định thi Học viện Hành chính Quốc gia: “Nghèo lâu quá rồi”.

Đi vòng qua hai con dốc nữa, chúng tôi đến lều trọ học của hai học sinh cùng lớp 8A2 trường THCS Võ Thị Sáu là Thảo A Lầu, Giàng Páo Lì (bản Séo Dìn Hồ, xã Lao Chải) đang nhen lửa nấu cơm bữa chiều.

Hai bàn tay nhỏ xíu của Lầu lấy ba vốc gạo trong gùi cho vào nồi mà Lì còn gạt lại “vì cả tháng mỗi đứa có 3 cân gạo mà nấu thế là bữa sau sẽ đói đấy” làm cho những người chứng kiến ứa nước mắt.

Bốn củ măng rừng Lầu và Lì đào được hôm trước được gọt vỏ luộc chấm với muối trắng. “Ăn thế này sẽ được no thêm”- Lì khẳng định. Đã ba năm nay kể từ khi lên thị trấn dựng lều trọ học, Lầu và Lì đều ăn thế.

“Để được no, các em đã tìm cách tăng gia cho bữa ăn của mình: đào măng, tìm rau tàu bay mọc trong các khu rừng thông bên cạnh, hoặc là ra suối đánh cá về muối trong vại làm thức ăn mặn ăn dần”- thầy Lê Xuân Hoành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Mù Cang Chải, người hơn 30 năm gắn bó với huyện vùng cao Mù Cang Chải, cho biết.

Trong ánh chiều chạng vạng bên bờ suối Nậm Kim, chúng tôi chợt nhận ra Giàng A Hồng, trường THPT Mù Cang Chải (người bản Kháu Dóng, xã Kim Nọi) và Giàng A Páo, cùng lớp với Hồng (người bản La Phu Khơ) lần mò đánh lưới.

Trong chiếc gùi trên bờ có mấy con cá nhỏ xíu nhảy lách tách chực ra. “Thức ăn mặn cho cả tháng đấy. Có cá, cơm ghế nhiều sắn và măng rừng ăn vẫn ngon”- Cả Hồng và Páo nói rồi hớn hở đi về lều nhóm lửa vừa nấu cơm vừa tranh thủ lấy sách ra học.

Ước mơ nhà bán trú

“Cái đói nghèo của Mù Cang Chải thì không kể xiết. Cả huyện có tới 80 phần trăm hộ nghèo, trong đó có tới 30 phần trăm hộ đói không kiếm nổi cái ăn. Năm nay rét hại kéo dài nguy cơ đói là rất lớn kéo theo việc học sinh có thể bỏ học hàng loạt”- Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Vàng Thị Pàng khẳng định.

“Ở nơi này, con chữ không chịu khuất phục đói nghèo. Đến thời điểm này, cả huyện chỉ có trên 1 phần trăm các em bỏ học, tỉ lệ này ít hơn nhiều so với các năm trước, các thầy cô cũng không phải vất vả vận động các em đi học như trước nữa”- Chị Phan Thúy Hiền, Phó phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải, tự hào.

Tuy nhiên, chị Phan Thúy Hiền cũng lo lắng: “Con em người Mông của huyện Mù Cang Chải không chỉ phải lo cái ăn mà còn lo cái ở. Các em toàn ở trong những túp lều trọ học rách nát thì khó có đủ điều kiện để tiếp nhận cái chữ”.

Theo thống kê của phòng giáo dục Mù Cang Chải, chỉ riêng tại các bản quanh thị trấn Mù Cang Chải hơn 300 lều trọ học của các em hầu hết là rách nát, không đủ tránh nắng mưa và chống chọi được cái rét như vừa rồi.

Ngay tại trường phổ thông Nội trú (nơi được gọi là trường hạt giống đỏ của huyện Mù Cang Chải) có 700 học sinh thì nhà trường cũng chỉ lo chỗ ở được cho 200 em (15-18 em trong một phòng 15m2).

Số còn lại là dựng lều ở trên núi, sườn đồi, ven suối gần đó để trọ học. Còn tại trường THPT Mù Cang Chải, trường THCS Võ Thị Sáu có trên 1.000 HS thì hầu hết phải dựng lều hoặc tá túc tạm bợ trong nhà dân.

“Ước mơ của huyện là có đủ kinh phí xây dựng một số nhà bán trú kiên cố cho các em ở để yên tâm học hành”- Phó Chủ tịch Huyện Vàng Thị Pàng nói. Anh Hoàng Hữu Độ, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái cũng cho biết, nếu có kinh phí xây dựng, Tỉnh đoàn sẽ huy động thanh niên chung tay, góp công sức xây dựng.

Vì phải dựng lều trọ học mà nhiều trường hợp thương tâm xảy ra, sập lều, hỏa hoạn… Tháng 12/2007, để đốt lửa sưởi cho khỏi rét lều của hai học sinh trường THCS Võ Thị Sáu bốc cháy rừng rực khiến một em chết, một em bị bỏng nặng. Trước đó, hai học sinh khác bị rắn độc cắn phải đi cấp cứu nhưng sau đó phải bỏ học vì sợ quá!

Trần Phong (Theo TPO)

Bình luận (0)