Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

LGBT: Khoảng cách giữa sân khấu và cuộc đời

Tạp Chí Giáo Dục

Sân khấu đang rộ lên xu hướng dựng vở có nhân vật là người đồng tính, chuyển giới… (LGBT). Thế nhưng phần lớn chỉ là những vở diễn hời hợt, chủ yếu là chọc cười, số tác phẩm có thể chạm đến chiều sâu của cộng đồng này rất hiếm.

Xu hướng mới?

Chỉ tính những vở có tuyến nhân vật chính là LGBT đang được sắp lịch diễn đã có gần 10 vở: Tình một đêm, Lạc lối ở Bangkok, Bất ngờ chưa bà già (nhà hát Thanh Niên); Hoa dại (sân khấu Hồng Vân); Chuyện 2 chàng, Chuyện tình Bangkok, Hot girl nổi loạn (sân khấu Thế giới trẻ); Bồ công anh (nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ); Sắc màu (IDECAF)…

Tình như trang giấy trắng - một trong những vở diễn khai thác khá tốt về đề tài LGBT ẢNH: GIA TIẾN

Tình như trang giấy trắng – một trong những vở diễn khai thác khá tốt về đề tài LGBT. Ảnh: Gia Tiến

Tuy nhiên, ở nhiều vở, hình ảnh người đồng tính, chuyển giới… thường được khắc họa màu mè, lòe loẹt qua cách ăn mặc, tính tình đồng bóng. Ước mơ của họ đơn giản chỉ là được tô son, được mặc trang phục phụ nữ… Không thiếu hình ảnh nhân vật LGBT trên sân khấu rất lập dị, với nhiều thói xấu như ngoa ngoắt, lắm lời… Thậm chí có nhân vật chuyển giới được đưa vào vở diễn chỉ để diễn cảnh “mê trai” chọc cười khán giả. Rất hiếm câu chuyện, nhân vật LGBT có chiều sâu nội tâm, có số phận…

Cộng đồng LGBT đang chịu nhiều định kiến, chủ yếu là định kiến về ngoại hình, tính cách, hoàn cảnh… Nếu không vượt qua, người làm nghệ thuật vô tình tiếp tay cho các định kiến xấu như cộng đồng LGBT là những người ồn ào, lòe loẹt, tính cách đồng bóng, hung dữ… và luôn sống trong những hoàn cảnh tăm tối. Trong khi thực tế không như vậy. Cộng đồng LGBT nên được phản ánh đa dạng về độ tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống để mang đến cho khán giả những góc nhìn đa chiều. 

Đảm bảo tính nghệ thuật của tác phẩm sân khấu cũng là một yếu tố quan trọng. Một vở diễn đề tài LGBT không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc sống của cộng đồng LGBT, mà còn phải là một tác phẩm có giá trị về mặt nội dung và hình thức. Nếu không đảm bảo tính nghệ thuật của tác phẩm sân khấu, người làm nghệ thuật dễ sa đà vào việc mượn sự “khác thường” của cộng đồng LGBT để đùa cợt, chế giễu, châm biếm một cách vô thưởng vô phạt. Hơn nữa, vở diễn cần mang đến cho khán giả những thông điệp tích cực về sự bình đẳng, tôn trọng, chấp nhận và yêu thương đối với cộng đồng LGBT.

Đạo diễn Bùi Quốc Bảo

Ở góc độ diễn viên, có người lấy nhân vật đồng tính, chuyển giới… làm hình tượng diễn xuất cho mình và tự đóng khuôn vào dạng vai diễn ấy.

Đề tài hay nhưng không dễ

Trước đây sân khấu từng có những tác phẩm đề tài LGBT được đánh giá tốt như: Tình như trang giấy trắng (sân khấu Hoàng Thái Thanh); Tía ơi con lấy chồng, Bồ công anh (nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ); Một nửa đàn bà, Một nửa đàn ông (sân khấu Trịnh Kim Chi); Trai yêu (sân khấu Thế giới trẻ)… Chúng chạm đến ước mơ khắc khoải được là chính mình của người LGBT. Bên cạnh đó còn là cuộc đấu tranh tâm lý của những người thân trong gia đình họ như con hoặc vợ, chồng.

Nhưng những vở diễn này ngày càng hiếm. Một số người làm sân khấu cho rằng chúng thuộc thể loại kịch tâm lý, kén khán giả hơn so với hài kịch. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là viết, dựng và diễn kịch về đề tài LGBT không dễ. Nghệ sĩ ưu tú Hữu Quốc – tác giả, đạo diễn của các vở Tía ơi con lấy chồng, Bồ công anh… – chia sẻ: “So với các đề tài khác, viết, dàn dựng và diễn vở đề tài LGBT khó hơn nhiều. Muốn đưa các nhân vật LGBT lên sân khấu, phải thực sự hiểu và thấu cảm đa chiều về nhân vật. Khi xuất hiện trên sân khấu, họ phải được cảm thông và chia sẻ, góp phần làm thay đổi định kiến của xã hội về những người đồng tính, chuyển giới…”.

Sân khấu đang chọn con đường dễ hơn: đưa cộng đồng LGBT vào tác phẩm dưới lăng kính hài hước, dí dỏm. Điều này không có gì đáng trách nếu yếu tố hài được khai thác từ tài năng, sự duyên dáng của diễn viên, sự dí dỏm trong mạch kịch. Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM – bày tỏ: “Sân khấu đang có khá nhiều vở về cộng đồng LGBT. Điều đáng lo là các nhân vật này được xây dựng theo lối hài đơn thuần và xem đó như một thủ pháp để câu khách. Công chúng đang có cái nhìn cởi mở hơn, bình đẳng hơn với cộng đồng LGBT. Nhưng có những diễn viên do hạn chế tài năng hoặc cách nhận thức, đã thể hiện các nhân vật đồng tính, chuyển giới trên sân khấu một cách kệch cỡm, cường điệu quá đà, làm hình ảnh nhân vật LGBT trở nên xấu xí”.

Bồ công có nội dung khá xúc động về cuộc sống và ước mơ của người đồng tính

Bồ công anh có nội dung khá xúc động về cuộc sống và ước mơ của người đồng tính

Viết, dựng và diễn kịch đề tài LGBT khó, nhưng không phải không có “lối đi”. Nghệ sĩ ưu tú Hữu Quốc cho biết, nguyên tắc của anh khi dựng những mảng miếng hài ở vở đề tài LGBT là chỉ tập trung khai thác duyên hài của diễn viên, không cố làm lố hình ảnh nhân vật, không sa đà vào những yếu tố ngoài lề kịch bản để tìm tiếng cười. Các diễn viên của anh như Lâm Nguyễn, Võ Ngọc Tân, Khánh Đăng, Tuấn Kiệt… dù được khán giả nhớ qua những nhân vật LGBT, nhưng vẫn được anh nhắc nhở đừng tự đóng khung ở những vai đồng tính, chuyển giới mà nên thử sức ở nhiều dạng vai khác nhau. Trong số đó, có Lâm Nguyễn đã vượt lên chính mình để hóa thân và ghi điểm ở nhiều dạng vai khác biệt, cả trên sân khấu lẫn chương trình truyền hình.

Sân khấu kịch, đặc biệt là các sân khấu tư nhân đang gặp khó. Nhưng không thể lấy lý do “cơm áo” mà dễ dãi với chính mình. Người làm sân khấu nên cẩn trọng, đừng biến nhân vật LGBT trở nên lố bịch nhằm chiều theo thị hiếu của một bộ phận khán giả vốn được xây dựng trên định kiến sai lầm.

Theo Gia Minh/PNO

 

Bình luận (0)