Hội nhậpThế giới 24h

LHQ yêu cầu Argentina-Anh đối thoại về tranh chấp lãnh thổ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 26/6, Ủy ban Chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa của Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết mới, theo đó hối thúc Argentina và Anh và tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm một giải pháp đối với quần đảo tranh chấp Malvinas, mà London đang kiểm soát và gọi là Falklands.

Đây là nghị quyết thứ 46 của ủy ban trên về vấn đề này.

Tấm biển chào mừng tới đảo Falklands tại cầu cảng của đảo. (Nguồn: Reuters)

Nghị quyết của Liên hợp quốc yêu cầu hai nước tiến hành đối thoại "càng sớm càng tốt" để giải quyết bất đồng bất chấp cuộc trưng cầu dân ý tại quần đảo Malvinas/Falklands hồi năm ngoái với 98,8% người dân ủng hộ việc giữ quy chế quần đảo này là một trong những vùng lãnh thổ của Anh ở hải ngoại.

Phát biểu trước ủy ban trên, Ngoại trưởng Argentina Hector Timerman đã chỉ trích mạnh mẽ việc Chính phủ Anh nhiều lần phớt lờ hàng chục nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi hai quốc gia ngồi vào bàn đàm phán, cho rằng London không nghiêm túc trong việc giải quyết tranh chấp đối với quần đảo này.

Theo ông Timerman, việc London từ chối tuân thủ nghĩa vụ đối thoại với Buenos Aires là hành động "đối phó" với nguyên tắc của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, quan chức này cũng cam kết Chính phủ Argentina sẽ cân nhắc và tận dụng mọi phương án có thể để đạt được một giải pháp hòa bình giữa hai nước.

Trong khi đó, đại diện của Anh tại Liên hợp quốc đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định trên, đồng thời cho rằng nghị quyết của ủy ban Liên hợp quốc trên đã bỏ qua kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Malvinas/Falklands hồi năm ngoái. Cùng chung quan điểm trên, một số đại diện cộng đồng dân cư tại đây khẳng định mong muốn giữ nguyên quy chế quần đảo này thuộc chủ quyền của Anh.

Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây sau khi Tổng thống Argentina Cristina Fernández hồi tháng Tư vừa qua đã lên tiếng tố cáo Anh đang đưa quần đảo Malvinas thành "căn cứ quân sự hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)."

Bà Fernández nhấn Malvinas là căn cứ quân sự lớn nhất thế giới tại phía Nam vĩ tuyến 50, thậm chí có cả một tàu ngầm có thể mang vũ khí hạt nhân. Từ đây, Anh tổ chức tất cả các cuộc triển khai quân sự tại Nam Đại Tây Dương và tiến hành do thám điện tử.

Anh kiểm soát quần đảo Malvinas từ năm 1833 và đặt tên là Falkland. Mặc dù từ năm 1965, Liên hợp quốc đã thông qua hàng chục nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết tranh chấp nhưng London luôn từ chối với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo này. Tuy nhiên, phía Argentina không chấp nhận lập luận của Anh với lý do sau khi chiếm đóng Malvinas, Anh đã trục xuất người Argentina và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng trên chỉ là nguyện vọng của người Anh.

Năm 1982, Argentina từng phát động chiến tranh thu hồi quần đảo Malvinas khiến hơn 900 binh sỹ hai nước thiệt mạng, trong đó phần lớn là binh sỹ Argentina.

Malvinas/Falkland nằm trong vùng biển được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)