Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Lì xì sách cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày đầu năm người ta thường lì xì cho nhau những tờ tiền mới, nhưng với thầy Huỳnh Văn Thế (giáo viên ngữ văn Trường THPT Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), phần lì xì cho học sinh chính là những quyển sách mà thầy cất công đi vận động suốt trong một năm.

Lì xì sách cho học sinh
Thầy Huỳnh Văn Thế lì xì sách kèm theo những lời chúc, dặn dò cho học sinh – Ảnh: Thúy Hằng

Thầy Thế lý giải: “Tết sách lấy ý nghĩa là tặng, là lì xì. Đối với học sinh thành phố, sách rất quen thuộc. Nhưng với các em học sinh nông thôn thì sách khá xa lạ, các em chỉ mượn ở thư viện chứ ít khi tự mình mua. Chính vì thế, tôi muốn gom góp từ tấm lòng của mọi người, cả xin lẫn mua, để mang đến cho các em những quyển sách bổ ích nhất, từ đó khơi gợi trong các em tình yêu sách, ham đọc sách để thay thế cho các trò chơi vô bổ”.

Chương trình Tết sách 2016 tại Trường THPT Mang Thít do thầy Thế tổ chức lần này có sự tham gia của 300 em học sinh. Với hình thức chơi trò chơi, trả lời đố vui có thưởng và tự chọn sách cuối chương trình, tất cả học sinh đều được nhận lì xì là những quyển sách thú vị…

Tham gia ngày tết sách, các học sinh trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ không khí vui nhộn, hồi hộp của các trò chơi đố vui về sách, đọc sơ lược rồi giới thiệu sách chỉ trong ba phút, cho đến những giây phút lắng đọng khi nghe bạn bè trình bày phần giới thiệu quyển sách mà mình yêu thích.

Đến với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, các bạn trẻ không chỉ bị lôi cuốn bởi âm nhạc, hình ảnh mà còn bị hút theo chiều cảm xúc của bạn Huỳnh Ngọc Trâm: “81 chương là 81 câu chuyện về những đứa trẻ trong làng, chuyện về con cóc cậu ông trời, chuyện ma, chuyện công chúa và hoàng tử bên cạnh chuyện đói ăn, cháy nhà, lụt lội.

Tình yêu thương là thông điệp chính của tác phẩm. Chúng không hề thể hiện ở các câu thoại hay thậm chí là hành động rõ ràng, mà đòi hỏi ta phải tìm kiếm, cảm nhận bằng cái tâm của mình mới có thể thấy được.

Tác phẩm đã đem những ký ức tuổi thơ từng bị lãng quên của bản thân mình, cũng như của chính các bạn mình quay về một cách tự nhiên nhất”.

Còn với tác phẩm Trên đường băng của tác giả Tony Buổi Sáng, phần giới thiệu sách của bạn Nguyễn Hồng Thư thu hút gần như toàn bộ sự tập trung của bạn bè. Từng ý, từng lời giới thiệu về sách minh chứng cho sự miệt mài nghiên cứu và am hiểu của Thư đối với quyển sách mà bạn đang giới thiệu.

Thầy Thế cho biết ý tưởng tổ chức chương trình tết sách cho học sinh xuất phát từ những lần thầy đến tham quan tại các hội sách. Thầy nghĩ đến học sinh của mình ở nông thôn ít khi tham gia chương trình, nên thầy muốn tổ chức một ngày hội như thế cho các em.

Để thực hiện ý tưởng này, thầy chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, những học sinh cũ và nhận được sự đồng hành của mọi người. Năm nay thầy Thế vận động được trên 300 quyển sách trong các lĩnh vực, như sách biển đảo, sách văn học, sách danh nhân…

Thầy đọc và chọn lọc những quyển sách phù hợp với lứa tuổi học trò, có ý nghĩa trong việc học tập trên lớp cũng như giáo dục kỹ năng sống để lì xì các em trong ngày tết đặc biệt này.

Thầy Thế chia sẻ: “Đọc sách giúp năng lực sử dụng ngôn ngữ của các em tốt hơn. Và quan trọng hơn hết, tôi muốn các em phải đọc sách để sử dụng hiệu quả thời gian, bởi học sinh ngày nay vẫn hay giết thời gian một cách oan uổng với việc tán gẫu trên Facebook, Zalo hoặc chơi game”.

“Qua chương trình tết sách này em học được rất nhiều điều bổ ích, thú vị. Ở đây em tìm được những quyển sách mình ao ước từ lâu nhưng chưa mua được, em cũng được chia sẻ những kinh nghiệm đọc sách với bạn bè và thầy cô.

Những quyển sách dù cũ cũng có ý nghĩa với chúng em. Và bản thân em cũng muốn như các anh chị, sau khi mình đọc sách xong rồi có thể đóng góp lại cho thầy, để tặng lại cho những bạn của các lớp sau” – bạn Dương Huỳnh Thiên Hương, Trường THPT Mang Thít, chia sẻ.

Cô Huỳnh Nhị – tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thông – chia sẻ: “Khi được thầy Thế mời tham gia tết sách, tôi thật sự không tưởng tượng là chương trình lại thú vị như vậy.

Sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh đã khơi gợi trong tôi – một giáo viên dạy văn – niềm hi vọng các em sẽ phát triển tâm hồn, kỹ năng của mình tốt hơn.

Trong những năm tiếp theo, tôi hi vọng sẽ được đồng hành cùng học sinh, mang đến những quyển sách bổ ích cho các em trong ngày hội ý nghĩa như thế này”.

 

THÚY HẰNG (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)