Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Libya: Nhiều ký kết giáo dục bị hủy bỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc nội chiến ở Libya làm các ký kết giáo dục với Anh quốc bị hủy bỏ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Mối liên hệ giữa các trường ĐH Anh quốc với chế độ lãnh đạo bởi Chính phủ Gaddafi và những nguồn lợi họ có được từ quốc gia này đã được tiết lộ. Một loạt các trường ĐH đã rút lại thỏa thuận của mình với thủ đô Tripoli (Libya) về việc đào tạo hàng trăm nhân viên làm công tác chăm sóc sức khỏe.
Sự việc được phát hiện khi một thống kê chính thức cho thấy các trường ĐH Anh quốc đã được Chính phủ Libya trả tiền để huấn luyện các sinh viên (SV). Tổng cộng có khoảng 2.880 SV đã đăng ký theo học tại 110 học viện vào năm ngoái, trong đó bao gồm cả chuyên ngành thẩm phán và cảnh sát. Đây là một phần trong hệ thống an ninh của Gaddafi. Các nhà lãnh đạo đối lập cho rằng cần có một cuộc điều tra toàn diện về mối liên hệ giữa các trường ĐH Anh và Tripoli.
Hiện có rất đông SV người Libya theo học tại nhiều trường thuộc Russell Group – tổ chức đại diện cho 20 trường ĐH hàng đầu tại Anh như ĐH Leeds, ĐH St. Andrews, ĐH King’s ở London và ĐH Glasgow… Những trường ĐH trên cho biết họ đã ngừng việc tiến hành thỏa thuận đào tạo 300 nhân viên y tế – những người sẽ trở thành y tá tại Lybia. Các trường Manchester Metropolitan, Teesside, Liverpool John Moores, Glamorgan và Queen Margaret ở Edinburgh đã bàn bạc với Bộ trưởng Bộ Y tế Libya về một thỏa thuận giữa hai bên ước tính trị giá lên đến 4 triệu bảng Anh. Thỏa thuận này được Công ty Training Gateway làm trung gian. Đây là một công ty được thành lập bởi hệ thống các trường ĐH để giới thiệu các học viện cũng như nền giáo dục Anh quốc ra khắp thế giới. Mùa hè năm ngoái, các trường cũng đã đến Libya để khảo sát và đánh giá tình hình đào tạo, quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Phát ngôn viên của Trường ĐH Glamorgan phát biểu: “Chúng tôi sẽ không tiếp tục theo đuổi kế hoạch như dự định ban đầu trong tình hình hiện nay khi các vấn đề đang căng thẳng tại Libya”.
Việc kết thúc các ký kết với chế độ Gaddafi sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến một số trường ĐH. Các con số chính thức từ Viện Thống kê ĐH cho thấy, năm 2010 có đến 112 trường ĐH ở Anh quốc nhận SV Libya theo những ký kết mà Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư của Chính phủ Anh xác nhận, trị giá đến 160 triệu bảng Anh. Trường ĐH Huddersfield cho biết, hiện trường có 277 SV đến từ Libya; hầu hết các SV này theo học các ngành khoa học, kỹ sư, công nghệ thông tin và kinh doanh. Ngoài ra cũng có các viên cảnh sát học các lĩnh vực về pháp lý, chiếm khoảng 4 triệu bảng Anh giá trị các bản ký kết. Trong khi đó, ĐH Teesside cũng xác nhận có 177 SV Libya học tại trường. Còn ĐH Sheffield Hallam năm vừa rồi đã nhận 1,1 triệu bảng Anh từ các nguồn quỹ Libya và giờ đây có 115 SV người Libya theo học. Trường ĐH Glasgow cũng đưa ra thông tin đã nhận 836.000 bảng Anh trong năm 2011 cho công tác đào tạo 60 SV. Năm ngoái, trường này đã được chi trả 860.000 bảng Anh tiền học phí cho 68 SV thuộc ngành dược và kinh tế. Về phần ĐH Leeds, trường này đã được Chính phủ Libya chuyển 800.000 bảng Anh để đào tạo 67 SV trong năm 2011…
Sự việc này được tiết lộ sau khi ông Howard Davies – Giám đốc khối các trường kinh tế Luân Đôn – nộp đơn từ chức. Ông Howard Davies thừa nhận rằng danh tiếng nhà trường đã bị tổn hại nghiêm trọng do quyết định của ông sau khi một trong số các con trai của Gaddafi – Saif-al-Islam đã học tại trường. Nhà trường đã đồng ý đào tạo thêm 330 nhà quản lý các dịch vụ dân sự.
Thành viên Quốc hội phe bảo thủ – ông Robert Halfon cho rằng sự tiết lộ của mối liên hệ này một lần nữa khẳng định sự cần thiết tiến hành một cuộc điều tra về những thỏa thuận, ký kết giữa các trường ĐH với phía Libya.
(theo telegraph.co.uk)
Xuân Chi

Tình hình Libya vẫn căng thẳng
Các cuộc không kích hệ thống phòng không của liên quân đã chặn được bước tiến của lực lượng do ông Gaddafi đứng đầu và cứu quân nổi dậy khỏi mối đe dọa trực tiếp mà họ đang đối mặt, chỉ vài ngày trước khi bị đè bẹp dưới các cuộc tấn công như vũ bão của quân đội Chính phủ. Tổng thống Obama tuyên bố, chính sách của Mỹ là Gaddafi phải ra đi. Tuy nhiên, các chiến dịch không kích của liên quân lại có mục tiêu khiêm tốn hơn – bảo vệ dân thường. Mỹ hiện đang mong mỏi chuyển giao quyền lãnh đạo chiến dịch song liên quân lại bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối NATO nắm quyền chỉ huy trong khi Italia cho biết sẽ không cho phép dùng sân bay của nước này nếu liên minh cũ không nắm quyền lãnh đạo. Đức và Nga cũng chỉ trích cách tiến hành chiến dịch. Nhiều nguồn tin cho biết, HĐBA LHQ sẽ nhóm họp vào ngày 24-3 để đánh giá lại tình hình ở Libya giữa lúc các cuộc tấn công có nguy cơ lâm vào thế bế tắc. Phiên họp được lên kế hoạch sau một quyết định của HĐBA về việc đánh giá tình hình ở Libya, 7 ngày sau khi nghị quyết cho phép thiết lập vùng cấm bay ở đất nước Bắc Phi được thông qua.
 M.D

 

Bình luận (0)