Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lịch sử 9: Giống và cao hơn giáo trình đại học?

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp nối Lịch sử 8 (160 trang), Lịch sử 9 còn dài hơn (192 trang) và  cũng có nhiều chỗ nên chỉnh sửa. Đáng lưu ý, có một số trang giống và cao hơn giáo trình đại học. Về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1911 – 1925, Lịch sử 8, 9 viết khó hiểu hơn cả giáo trình Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

> Sách lịch sử "bớt 8 vạn lạng bạc bồi thường chiến phí"?

> Lịch sử 7: Địch bị tiêu diệt hoàn toàn… vẫn chạy thoát?

Lịch sử 9 lệch giáo trình Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam? 


Mô tả ảnh.

Trang 55- Lặp 4 lần từ "vào" trong một đoạn 72 chữ: "Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam, bỏ vốn nhiều nhất vào nông nghiệp… Năm 1927 số vốn đầu tư vào nông nghiệp lên tới 400 triệu phrăng, gấp nhiều lần vào thời kì trước chiến tranh…". 

Dễ dàng chữa lỗi lặp trên: "Pháp tăng cường đầu tư tại Việt Nam, bỏ vốn nhiều nhất vào nông nghiệp… Năm 1927, trong lĩnh vực nông nghiệp, số vốn đầu tư lên tới 400 triệu phrăng, gấp nhiều lần thời trước chiến tranh…". 

 – "Đường sắt xuyên Đông Dương được nối liền nhiều đoạn: Đồng Đăng – Na Sầm (1922), Vinh – Đông Hà (1927)". Viết thế giáo viên cũng không biết Na Sầm ở đâu. 

– "Để nắm chặt thị trường Việt Nam và Đông Dương …" Đông Dương đã bao hàm Việt Nam. Thời đó, tên nước Việt Nam không có trên bản đồ thế giới. Chữ "nắm" là ngôn ngữ nói… Vì thế phải sửa thành "Để quản lí chặt thị trường …". 

Trang 57-  Bớt ba chữ "và Đông Dương" trong câu "Tại sao thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Việt Nam và Đông Dương ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất". Nội dung bài học không đề cập đến khai thác "Đông Dương". 

– "Trường học được mở rất hạn chế, chủ yếu là các trường tiểu học, các trường trung học chỉ có ở một số thành phố lớn (Hà Nội; Huế, Sài Gòn…) " viết hoa sai lệch với Lịch sử 8, trang 139 ("Bậc Tiểu học ở phủ, huyện…; bậc Trung học ở tỉnh…"). 

Nhận định: đến cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919 -1930)", "các trường trung học chỉ có ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Huế, Sài Gòn…)" sai lệch với Lịch sử 8, trang 139; vì trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 – 1914), bậc Trung học đã được mở ở tỉnh. 

So sánh với mục 2. Sự chuyển biến về kinh tế, xã hội Việt Nam trong bài "Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam – dùng trong các trường đại học, cao đẳng, NXB Chính trị quốc gia, trang 23 )" với Bài 14- Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (Lịch sử 9, trang 55) và bài 29- "Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp và những chuyển biến về kinh tế, xã hội ở Việt Nam" – Lịch sử 9, trang 137), chúng tôi thấy bài viết cho học sinh lớp 8, 9 dài hơn, nhiều kiến thức cụ thể hơn. (ngày Tổng thống Pháp công bố sắc lệnh lập Liên bang Đông Dương; diện tích đất mà Pháp và Giáo hội đã chiếm; sản lượng khai thác than; số km đường bộ, đường sắt; diện tích cây cao su; tên nhiều công ty, nhà máy…). 

So sánh kĩ, còn nhận ra nhiều kiến thức lệch của Lịch sử 9. 

Đầu tháng 2/2009, nhà giáo Văn Hiến gửi tới VietNamNet loạt bài viết góp ý về sách giáo khoa (SGK). Mở đầu loạt bài, tác giả viết: "Đọc các cuốn SGK lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12, tôi thấy không ít lỗi: lỗi lớn cũng có; lỗi nhỏ càng nhiều… Bao nhiêu lực lượng xã hội tham gia mà chỉ phát hiện được  5 lỗi trong các cuốn SGK lịch sử". Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn những góp ý mà ông đã tỉ mỉ "dọn vườn", VietNamNet lược một số thông tin. Các bài viết cụ thể, chúng tôi đăng tải như một tài liệu tham khảo để rộng đường dư luận, theo tinh thần của tác giả "tôi xin điểm qua phần lịch sử Việt Nam của từng cuốn sách để bạn đọc xa gần tự lựa chọn câu trả lời".

Ngắn gọn, rõ ràng, "Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam" tập trung đánh giá mặt tích cực của bộ phận địa chủ bậc tiểu và trung: 

 -"… do chính sách kinh tế và chính trị phản động của thực dân Pháp, giai cấp địa chủ càng bị phân hoá thành ba bộ phận: tiểu, trung và đại địa chủ… Một bộ phận không nhỏ tiểu và trung địa chủ có mâu thuẫn với đế quốc về quyền lợi dân tộc nên đã tham gia đấu tranh chống thực dân… ". 

– Ngược lại, vừa dài dòng vừa lặp, Lịch sử 8, 9 tập trung lên án giai cấp địa chủ – nhất là đại địa chủ : "Giai cấp địa chủ phong kiến đã đầu hàng, làm tay sai cho thực dân Pháp, số lượng ngày càng đông thêm. Một bộ phận cấu kết với đế quốc để áp bức, bóc lột nhân dân" (Lịch sử 8, trang 140); "Giai cấp địa chủ phong kiến ở nông thôn ngày càng cấu kết chặt chẽ hơn với thực dân Pháp. Chúng chia nhau chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, đẩy mạnh bóc lột về kinh tế và tăng cường kìm kẹp, đàn áp về chính trị đối với nông dân".  

Cách nhìn nhận như vậy của Lịch sử 8, 9 về giai cấp địa chủ phong kiến có lẽ là chưa thoả đáng. 

Dấu ấn giáo  trình đại học của Lịch sử 9 còn bộc lộ qua một số mốc thời gian lịch sử quan trọng. 

Theo giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (sdd), trang 51, soạn giả sử 9 đã khẳng định: An Nam Cộng sản đảng ra đời tháng 8 -1929, trong khi nhiều sách Lịch sử trước đây ghi tháng 7-1929. 

Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài những năm nào? 

Trang 61 –  Tiêu đề Bài 16 ("Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919 -1925" ) mâu thuẫn với mục I – Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1917 – 1923). Năm 1917, cố Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa sử dụng tên Nguyễn Ái Quốc, hoạt động của Người ở Pháp năm 1917-1918 đã được đề cập trong mục "3. Những hoạt động của Nguyễn Tất Thành sau khi ra đi tìm đường cứu nước."  (Lịch sử 8, trang 149) ; vì thế mục " I – Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1917 – 1923)." Nên sửa thành " I – Hoạt động Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1919 – 1923).". Từ năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới sử dụng tên Nguyễn Ái Quốc. 

– "gần Thủ đô Pa-ri" viết hoa mâu thuẫn với Lịch sử và Địa lí 4, trang 112 ("Chỉ vị trí của thủ đô Hà Nội trên bản đồ hành chính Việt Nam";  Sưu tầm tranh ảnh, bài viết về thủ đô Hà Nội"). 

– "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" phải sửa thành "Yêu sách của nhân dân An Nam"  cho đúng với Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập một, trang 480 (NXB Sự thật, Hà Nội, 1980) và phù hợp với Ngữ văn 11, tập một, trang 23. 

 "Véc-xai" viết phiên âm mâu thuẫn với Ngữ văn 11, tập một, trang 23. (Véc-xay) nên viết Véc-xây; "xai", "xây" và "xay"  – đọc rất khác nhau…

 – "Tháng 7 – 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin… " là một câu sử dài dòng, khó nhớ. Sao không viết giản dị: "Tháng 7 – 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc "Luận cương của Lê-nin  về các vấn đề dân tộc và  thuộc địa … " (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin, sách đã dẫn). 

Về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1911 – 1925, Lịch sử 8, 9 viết khó hiểu hơn cả giáo trình đại học.  

"Giữa năm 1911, tại cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành xuống làm phụ bếp cho tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rơ-vin – một tàu buôn của Pháp, để có cơ hội tới các nước phương Tây xem họ làm thế nào, rồi sẽ về giúp đồng bào cứu nước. Cuộc hành trình của Người kéo dài 6 năm, qua nhiều nước ở châu Phi, châu Mĩ, châu Âu… Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp".  

Học sinh cứ băn khoăn "6 năm" là thời gian "tới các nước phương Tây" hay là thời gian đi tìm đường cứu nước?  Nguyễn Tất Thành đến Pháp lần đầu khi nào, mà 1917 – Người "trở lại Pháp".  

Một giờ học bằng giáo án điện tử, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để soạn. Giờ Sử lớp 10 của HS Trường THPT Nhân Chính, HN. Ảnh: Bảo Anh

Đọc giáo trình  dùng cho các trường đại học, cao đẳng, thấy gọn, dễ hiểu và  chính xác hơn: "Với tên Nguyễn Văn Ba, người đã qua nhiều quốc gia (…) như Mĩ, Pháp, Anh (…). Vào cuối năm 1917, giữa lúc Chiến tranh thế giới thứ nhất sắp kết thúc, Người trở lại nước Pháp "(trang 36; 37 – sách đã dẫn).

Trang 63- dòng 12, tên tác phẩm "Đường cách mệnh" viết không đúng với tên sách của Nguyễn Ái Quốc đã xuất bản, nên viết lại cho thống nhất  với Lịch sử 12 trang 84, dòng 1 (Đường Kách mệnh").

Trang 64-  "… công nhân nhà máy sợi Nam Định"; "công nhân hai đồn điền cao su Cam Tiên, Phú Riềng (nay thuộc Bình Phước) … đồn điền cà phê Ruy-na (Thái Nguyên)…" nên viết hoa cho đúng quy định  "… công nhân Nhà máy sợi Nam Định"; "công nhân Đồn điền cao su Cam Tiên, Đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Phước)… Đồn điền cà-phê  Ruy-na (Thái Nguyên)… ". 

 – Về cơ bản, mục "Các phong trào yêu nước ở Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX" (Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, trang 31-53) được tách ra làm 4 bài: "Các phong trào yêu nước chống Pháp từ đầu thế kỉ XX đến năm 1918" (Lịch sử 8, trang 143 – 149) và "Phong trào Cách mạng Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất" (Lịch sử 9, trang 59-60); "Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919- 1925" (Lịch sử 9, trang 61- 63); "Cách mạng Việt Nam trước khi Đảng ra đời" (Lịch sử 9, trang 64-68).  

 

Nhờ vậy, mà cùng một nội dung, sách giáo khoa lịch sử phổ thông "viết dài, kĩ hơn, cụ thể hơn" giáo trình đại học.  

Điều đáng buồn là những nội dung tốt của giáo trình đại học đã không được đề cập trong Lịch sử phổ thông THCS.  

Ví dụ: Tại sao Nguyễn Tất Thành chọn con đường đi sang phương Tây (-"…nơi có khoa học – kĩ thuật phát triển và tư tưởng dân chủ tự do…"Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, sđd, trang 36).  

Lặp 

Mặt khác, nhiều câu chữ, hình ảnh khiến cho người ta băn khoăn cứ lặp đi lặp lại trong sách lịch sử phổ thông "Hình 2.Tàu Đô đốc La-tu-sơ Tờ-rê-vin, Văn Ba làm phụ bếp trên con tàu này" (Lịch sử và Địa lí 4, trang 15) tái hiện một lần nữa trong Lịch sử 8, trang 148, với cách đọc tên tàu hơi khác ("Tàu Đô đốc La-tu-sơ -rê-vin,").

Về mục đích của Văn Ba khi rời Tổ quốc, Lịch sử và Địa lí 5, trang 15 viết : "Tôi muốn ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ về giúp đồng bào chúng ta". 

Nội dung trên một lần nữa lặp lại trong Lịch sử 8, trang 148 ("…để có cơ hội sang các nước phương Tây xem họ làm thế nào, rồi sẽ về giúp đồng bào mình cứu nước" ."Xem họ làm thế nào" là một ngữ không rõ nghĩa. Làm cái gì? có lẽ nên sửa thành "xem họ làm cách mạng như thế nào? Ý "sẽ về giúp đồng bào chúng ta"; "sẽ về giúp đồng bào mình cứu nước…" e diễn tả không đúng suy nghĩ của Văn Ba, không đúng phong cách sống của Bác Hồ – một thanh niên 21 tuổi với hai bàn tay trắng mà đã dám đặt mình lên trên "đồng bào"  (giúp đồng bào). Nên sửa thành "rồi sẽ về cùng đồng bào cứu nước".  

Trang 65 –  "… một số sinh viên trường Cao đẳng Sư`phạm Đông Dương" sửa thành "… một số sinh viên Trường Cao đẳng Sư`phạm Đông Dương".

Trang 67 – "… họp tại số nhà 5Đ phố Hàm Long để lập chi bộ cộng sản đầu tiên" mâu thuẫn với "Hình 30. Trụ sở chi bộ đảng đầu tiên, số nhà 5Đ phố Hàm Long, Hà Nội". Nói "trụ sở" người ta nghĩ ngay đến một văn phòng công khai. Nhà 5Đ phố Hàm Long chỉ là địa điểm họp (bí mật) thành lập chi bộ đảng cộng sản đầu tiên – không phải nơi làm việc, giao dịch của chi bộ. Ngày nay, các chi bộ cũng chưa có "trụ sở"… 

– "kiến nghị thành lập Đảng Cộng sản không được chấp nhận" Viết hoa không thống nhất với "… ra lời kêu gọi  công nhân… ủng hộ chủ trương thành lập đảng cộng sản" (trang 67). 

– "Đại biểu các tổ chức cơ sở đảng cộng sản miền Bắc…" – địa danh miền Bắc dùng cho thời kì này chưa phù hợp và dễ gây lầm lẫn; nên sửa "miền Bắc " thành "Bắc Kì". (như Lịch sử 12, trang 86, dòng 5 dl).

-Bổ sung chú thích: "về thời gian ra đời của An Nam Cộng sản đảng, có sách ghi tháng 7-1929". 

Trang 78; 79- "…mít tinh" sửa thành "…mít-tinh". 

– Bổ sung chú giải về khái niệm "thiên về hữu". 

Cùng chú thích cho một tấm ảnh mà viết hoa khác nhau: "Khu Đấu xảo" (Lịch sử 9, trang 79, dòng 1) mâu thuẫn với  "khu Đấu Xảo" – Lịch sử 12 Trang 101, dòng 4 – cả hai sách đều phải chỉnh sửa. 

Trang 82- Viết hoa không thống nhất trong các trường hợp sau "… Đảng bộ Bắc Sơn"; "đảng bộ địa phương"; "Một Uỷ ban chỉ huy được thành lập…". 

Trang 84- Chú thích dài, viết tắt, chữ nhỏ,… học sinh không đọc được – "Hội nghị TUĐCSĐD (họp tháng 11-1940) sau khi phân tích tình hình các mặt đã quyết định hoãn khởi nghĩa Nam Kì. Ngày 22-11-1940, phái viên của Trung ương là Phan Đăng Lưu mang  theo lệnh hoãn khởi nghĩa về tới Sài Gòn, nhưng lệnh phát động nổi dậy đã được ban bố".  

Thực ra thì có thể bỏ chú thích này, vì bài viết đã rõ "… Đảng bộ Nam Kì quyết định khởi nghĩa tuy chưa có sự đồng ý của Trung ương. Lệnh đình chỉ phát động khởi nghĩa của Trung ương Đảng từ ngoài Bắc đưa vào Nam Kì chậm". Còn ai đưa lệnh, cuộc họp xem xét thế nào… học sinh lớp 9 nhớ sao nổi. 

Trang 87- Viết hoa mâu thuẫn ("…Căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai"  với Ngữ văn 12, tập một, trang 38; 109 (… chiến khu Việt Bắc; từ chiến khu cách mạng Việt Bắc…). 

Trang 88 – Viết hoa  chữ "tập" không đúng so với các trang khác, sách khác "Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3…". 

Trang 94 – "cuộc khởi nghĩa trong cả nước càng lan nhanh như một dây thuốc nổ" là một câu sáo, vô nghĩa…  "ngòi thuốc nổ"; "khối thuốc nổ" "dây chạy chậm"  không mấy khi nghe nói "dây thuốc nổ"; cho dù có "dây thuốc nổ" thì nó làm sao tự lan nhanh; Phải chăng tác giả muốn nói: lan nhanh như dây thuốc nổ đã bén lửa? 

Tối 19 – 12 hay sáng 20 – 12? 

Trang 104 – "Ngay tối ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính Phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến…". Khách quan mà nói, viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh không công khai đứng ở cương vị "thay mặt Trung ương Đảng". 

 – Một văn bản lịch sử quan trọng như Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến mà các soạn giả Lịch sử 9 vẫn trích dẫn không đúng. Đã tiếp xúc với văn bản này nhiều lần, đọc ngữ liệu sau, nhiều học sinh cũng phát hiện ra chỗ sai lệch: "Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, xuổng, gậy gộc… " (chữ "thuổng"  trong nguyên văn đã in thành chữ "xuổng"Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, trang 202, NXB  Sự thật, Hà Nội, 1984). 

Về sai lệch này, chúng tôi biết, soạn giả 9 đã viết theo giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (sdd), trang 169. Không thế lấy cái cớ phải trích dẫn đúng bút tích của Hồ Chí Minh – và suy cho cùng thì không tài liệu nào có thể trích đúng, vì Người viết " cuốc, xuỗng". (dấu ngã). 

Hơn nữa, chữ "Ngay" đứng ở đầu đoạn có giọng văn nói (khẩu ngữ), không phù hợp trong trường hợp này. Bỏ đi cũng có sao đâu. 
Câu "Ngay tối ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính Phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến…" khiến cho học sinh băn khoăn khi đối chiếu với Lịch sử và Địa lí 5, trang 27, dòng 8 dl ("Sáng 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh"). 

Trong khuôn khổ một bài viết, không thể chỉ hết lỗi của một cuốn sách giáo khoa lịch sử có quy mô "hoành tráng". Chúng tôi dừng bài viết ở đây, lỗi ở các trang sau xin trở lại vào dịp khác. Thiết tha mong các nhà khoa học nhìn lại chương trình và sách lịch sử phổ thông THCS để mọi thế hệ học sinh thêm yêu lịch sử và không khổ vì môn học này.

Thanh Huyền – Văn Hiến (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)