Bộ sách “Lịch sử Việt Nam” tái bản lần thứ nhất (có chỉnh sửa, bổ sung, biên soạn bởi Viện Sử học Việt Nam) đã đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận…
Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1, TP.HCM) học lịch sử tại bảo tàng. Ảnh: D.Bình |
Trước đó, vào tháng 2-2017, câu chuyện GS. Phan Huy Lê đề xuất xác lập quan điểm mới để làm sáng rõ những khoảng trống lịch sử Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Những sự kiện này đặt ra nhiều vấn đề rất cần gợi mở và thực hiện.
Có những câu chuyện lịch sử như các nền văn hóa cổ đại ở nước ta, các vương triều phong kiến… đã được giới sử học (và rộng hơn chút là giới nghiên cứu khoa học xã hội) nhiều lần trao đổi, thẳng thắn đưa ra những nhận định khách quan. Tuy vậy, phần đông đại chúng vẫn chưa được tiếp cận những thông tin này một cách chính thống và có hệ thống. Việc cập nhật những thông tin lịch sử còn trống vắng trong giáo dục nhà trường lẫn tuyên truyền xã hội là hết sức cần thiết, phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của đông đảo người dân, là nỗi niềm thường trực bấy lâu nay của những ai có mối quan tâm đặc biệt với lịch sử.
Sự hồi ứng có phần quay lưng của giới trẻ ngày nay đối với môn lịch sử, trong nhiều nguyên nhân, phải chăng còn có khả năng là vì những kiến thức lịch sử mà các em tiếp nhận chưa thật sự tạo được sự tin cậy, chưa phù hợp với “tầm đón đợi”. |
Nghiên cứu lịch sử Việt Nam, hẳn nhiên không chỉ có đội ngũ các nhà nghiên cứu là người Việt. Rất cần khai thác các tài liệu của nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam, cả quá khứ lẫn hiện tại. Việc khai thác ấy cần được thực hiện trong tâm thế của sự tôn trọng và sự tỉnh táo. Người ngoài cuộc, trong từng trường hợp nhất định, hẳn sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn người trong cuộc, nhất là đối với những sự kiện, những vấn đề cần phải được đặt để, soi chiếu bởi nhiều quan điểm, bởi những tranh luận trao đổi nhiều chiều. Tuy vậy, cũng cần có thái độ cảnh giác để tránh sa đà, trượt dài trên những luận điểm có thiên hướng chệch ra khỏi quỹ đạo hòng bóp méo lịch sử.
Chúng ta thường xuyên than phiền về câu chuyện mất vị thế của môn lịch sử trong giáo dục phổ thông, về thái độ quan tâm của học sinh, sinh viên đối với môn lịch sử. Trách người ngẫm ta, hẳn là đến lúc chúng ta phải nhìn nhận về cách thức mà chúng ta đang truyền đạt lịch sử. Sự hồi ứng có phần quay lưng của giới trẻ ngày nay đối với môn lịch sử, trong nhiều nguyên nhân, phải chăng còn có khả năng là vì những kiến thức lịch sử mà các em tiếp nhận chưa thật sự tạo được sự tin cậy, chưa phù hợp với “tầm đón đợi” sự thật của các em? Kỹ nghệ đã có những bước tiến tột bậc, xa lộ thông tin từng ngày từng giờ rộng mở giới trẻ với hàng hà sa số những thông tin nhiều chiều, nhiễu sóng. Phải chăng các em dần hoang mang và khước từ với kiến thức lịch sử cũng là bởi vì thấy sự né tránh của chúng ta đối với những khoảng trống lịch sử được cho là “vùng cấm”?
Hãy để khoa học nghiên cứu lịch sử trở về bản chất thuần túy của nghiên cứu khoa học. Hãy để lịch sử là chính lịch sử, trong bức tranh toàn vẹn nhất có thể. Đó không chỉ là nguyện vọng chính đáng của những người làm sử mà còn là của những người tiếp nhận lịch sử, của tất cả chúng ta.
Trần Xuân Tiến
(Giảng viên Khoa KHXH&NV,
Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)