Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến – Công trình tổng kết khoa học, giáo dục truyền thống

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nay có 4 công trình gửi đến dự xét giải thưởng. Qua vòng sơ khảo còn lại 2 công trình vào vòng 2, đến vòng chung khảo còn tác phẩm Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến. Ủy ban giải thưởng (UBGT) đã làm việc nghiêm túc, công minh, tất cả 7 thành viên đều đọc kỹ và có nhận xét bằng văn bản. Để việc đánh giá khách quan, UBGT đã mời GS-TS, Nhà giáo nhân dân, Thiếu tướng Huỳnh Nghĩ và PGS-TS Trần Đức Cường, nguyên Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện Sử học, đọc, nhận xét phản biện.

 

Chiếu theo điều lệ Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu, Chủ tịch UBGT đã ký quyết định trao giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ VI – 2011 thể loại lịch sử cho công trình này. Như vậy, từ khi thành lập và hoạt động (năm 2002) đến nay, UBGT Trần Văn Giàu đã trao 6 giải thưởng về lịch sử, chưa có giải thưởng cho thể loại Lịch sử tư tưởng.
Công trình này được các đồng chí nguyên là lãnh đạo khu 9/T3 lên kế hoạch từ năm 1987. Đến năm 1995 được Chính phủ phê duyệt thành lập Ban chỉ đạo gồm 10 đồng chí, nguyên là lãnh đạo Tây Nam bộ (Khu 9, thời kỳ chống Pháp, T3 thời kỳ chống Mỹ), do đồng chí Vũ Đình Liệu, nguyên Bí thư Khu ủy, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, làm trưởng ban.
Ban biên tập gồm 6 đồng chí, cũng do đồng chí Vũ Đình Liệu làm trưởng ban. Ngoài ra, có 16 cộng tác viên đều là các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng đã tham gia lãnh đạo các cấp ở Tây Nam bộ qua 2 thời kỳ kháng chiến. Đặc biệt có đồng chí Võ Văn Kiệt tham gia đóng góp ý kiến từ đầu đến cuối và viết Lời tựa. Công trình khởi đầu từ 1995 đến 2010 mới hoàn tất, phải thay ban biên tập đến 3 lần vì trong thời gian đó có 20 đồng chí đã qua đời, phải bổ sung thêm các nhà nghiên cứu sử học để xử lý bản thảo, biên tập lại nhiều lần. Lần cuối cùng, được sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam, dưới dạng một đề tài cấp bộ để giúp hoàn tất công trình; nhà nghiên cứu Đặng Phong làm chủ nhiệm, phụ trách việc biên tập, chỉnh lý Tập 3, và rà soát lại cả công trình là một bộ sách khá đồ sộ. Tập 1: 521 trang, trong đó có 392 trang chính văn. Tập 2: 635 trang, trong đó có 598 trang chính văn. Tập 3: 415 trang, trong đó có 324 trang chính văn. Tổng cộng 1.571 trang, trong đó có 1.314 trang chính văn và nhiều phụ lục, tài liệu tham khảo.
Công trình nghiên cứu này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, tổng kết đầy đủ, dựng lại bức tranh toàn cảnh sinh động về hai cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng trên địa bàn Tây Nam bộ. Cho đến nay, đây là công trình khoa học lịch sử về Tây Nam bộ kháng chiến đầy đủ nhất, góp phần bổ sung vào lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975) của dân tộc, của miền Nam… Vì vậy, công trình cũng giúp tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; giáo dục lịch sử và truyền thống cho thế hệ trẻ.
Công trình này đã sưu tầm và xử lý nguồn sử liệu thành văn (các văn kiện lưu trữ của Đảng, Nhà nước, các tài liệu, công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài…), đặc biệt là nguồn sử liệu sống, những hồi ký, ghi chép, phỏng vấn những người đã trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến ở địa bàn này. Không phải ngẫu nhiên mà Tây Nam bộ, một chiến trường ở phần cực Nam Tổ quốc, xa trung ương, địa hình sông nước chằng chịt, dân cư thưa thớt, có rừng U Minh nổi tiếng, kẻ thù nham hiểm dùng mọi thủ đoạn đánh phá ác liệt, thế nhưng Tây Nam bộ đã đứng vững, góp phần xứng đáng vào bản anh hùng ca kháng chiến của cả nước. Trên chiến trường Tây Nam bộ đã sản sinh ra các nhà lãnh đạo lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt…và nhiều cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân khác. Họ là những người làm nên lịch sử, đồng thời là nhân chứng lịch sử, cung cấp tài liệu sống cho công trình này.
Đây là một công trình khoa học lịch sử có nhiều đóng góp mới về mặt sử liệu và nội dung phong phú, sinh động, phục dựng lại lịch sử cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân và quân đội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên địa bàn Tây Nam bộ, góp phần bổ sung vào bộ lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung, lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Việc UBGT Trần Văn Giàu trao giải thưởng cho tác phẩm này là một lời tri ân đối với công lao hy sinh vô bờ bến của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu ở miền Tây Nam bộ trong hai thời kỳ kháng chiến (1945-1975), tri ân những đồng chí trong Ban chỉ đạo và Ban biên soạn công trình, 20 người trong đó đã không còn thấy kết quả hôm nay. May mắn thay, một trong những đồng chí tham gia từ đầu, rất tâm huyết với công trình này, đồng chí Nguyễn Thị Vân, nguyên Khu ủy viên Khu ủy T3, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, còn thay mặt các đồng chí đã khuất để nhận giải thưởng.
Lễ trao giải thưởng năm nay diễn ra trang trọng và thắm tình đồng chí, đồng đội của những người chiến sĩ lão thành cách mạng và giới nghiên cứu khoa học lịch sử. Đó cũng là lời nhắn nhủ với các thế hệ tương lai phải giữ gìn, trân trọng những bài học lịch sử giữ nước và dựng nước của cha ông, của nhiều thế hệ trước truyền lại.
PGS-TS NGUYỄN VĂN LỊCH
Theo sggp

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)