Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Lịch sử và địa lý lớp 4 yêu cầu cao ở người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Năm hc 2023-2024 này, Chương trình giáo dc ph thông 2018 thc hin đến lp 4. Thế nhưng, đây là năm đu tiên môn lch s và đa lý đưc trin khai dy và hc tiu hc.


Hc sinh tiu hc tham quan di tích lch s (nh minh ha). Ảnh: Y.H

Theo mục tiêu của chương trình: “Môn lịch sử và địa lý ở cấp tiểu học hình thành, phát triển ở học sinh (HS) năng lực lịch sử và địa lý với các thành phần: Nhận thức khoa học lịch sử và địa lý; Tìm hiểu lịch sử và địa lý; Vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học; Đồng thời góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Môn lịch sử và địa lý ở cấp tiểu học giúp HS khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh để bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước; Ý thức bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; Tôn trọng sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm” và yêu cầu cần đạt của năng lực đặc thù: “Môn lịch sử và địa lý hình thành và phát triển ở HS năng lực lịch sử và địa lý, biểu hiện đặc thù của năng lực khoa học với các thành phần: Nhận thức khoa học lịch sử và địa lý; Tìm hiểu lịch sử và địa lý; Vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học”. Chính vì thế, sách lịch sử và địa lý lớp 4 có nhiều đổi mới so với sách giáo khoa lịch sử và địa lý trước đây.

Điểm mới nhất, dễ nhận ra nhất là sách lịch sử và địa lý lớp 4 ở chương trình mới không còn chia thành 2 phần tách bạch: Lịch sử, địa lý. Các nội dung của từng chủ đề bài học bao gồm cả lịch sử và địa lý. Về nội dung, lịch sử và địa lý lớp 4 có rất nhiều đổi mới so với trước đây. Nội dung sách giáo khoa ở lớp 4 bao gồm Phần mở đầu: Làm quen với phương tiện học tập lịch sử và địa lý và 6 chủ đề: Địa phương em (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương), Trung du và miền núi Bắc bộ, Đồng bằng Bắc bộ, Duyên hải miền Trung, Tây nguyên, Nam bộ. Đọc tên các chủ đề, giáo viên thường nghĩ rằng nội dung này là của địa lý. Thế nhưng, nếu thầy cô nghiên cứu, tìm hiểu kỹ sẽ thấy phần lịch sử đã được lồng ghép vào từng chủ đề. Chẳng hạn ở chủ đề Đồng bằng Bắc bộ, HS sẽ được tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội với các kiến thức lịch sử như Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Sự tích Hồ Gươm, Hoàng Diệu chống thực dân Pháp…, hay ở chủ đề Nam bộ, HS được tìm hiểu về Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định năm 1698, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Chiến thắng 30-4-1975 và cả về Địa đạo Củ Chi. Có thể nói, kiến thức lịch sử và địa lý đã được liên kết chặt chẽ với nhau trong từng chủ đề.

Chính vì mục tiêu, nội dung chương trình và cả cấu trúc sách giáo khoa lịch sử và địa lý ở lớp 4 có nhiều thay đổi mới mẻ nên nó sẽ là “thách thức” không nhỏ đối với các thầy cô giảng dạy bộ môn này trong năm học mới. Ngay ở chủ đề 1 – “Địa phương em (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương)” với yêu cầu cần đạt “Xác định được vị trí địa lý của địa phương trên bản đồ Việt Nam; Mô tả được một số nét chính về tự nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu…) của địa phương có sử dụng lược đồ hoặc bản đồ; Trình bày được một số hoạt động kinh tế ở địa phương; Thể hiện được tình cảm với địa phương và sẵn sàng hành động bảo vệ môi trường xung quanh; Mô tả được một số nét về văn hóa (ví dụ: nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, ẩm thực…) của địa phương; Lựa chọn và giới thiệu được ở mức độ đơn giản một món ăn, một loại trang phục hoặc một lễ hội tiêu biểu… ở địa phương; Kể lại được câu chuyện về một trong số các danh nhân ở địa phương”, các thầy cô phải tìm hiểu từ các nguồn tư liệu để có thể tự xây dựng nội dung bài học mà trong sách giáo khoa không có. Sách giáo khoa lịch sử và địa lý lớp 4 chỉ có những gợi ý chung, vì mỗi địa phương như TP.HCM, Hà Giang, An Giang, Cà Mau… có lịch sử và địa lý địa phương hoàn toàn khác biệt. Giáo viên cũng phải tự tìm kiếm hình ảnh, phim, đồ dùng dạy học phù hợp với nội dung kiến thức chủ đề địa phương mà mình đã chọn lọc đưa vào bài dạy. Với các thầy cô từ nơi khác đến địa phương của trường đang giảng dạy thì càng khó khăn hơn vì phải tra cứu thật kỹ để các kiến thức tìm hiểu của mình giảng dạy cho HS không bị sai lệch với những hiểu biết của phụ huynh là người dân địa phương nhất là về phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực. Nội dung của mỗi chủ đề cũng bao gồm rất nhiều kiến thức về lịch sử và địa lý so với chương trình cũ. Chẳng hạn như chủ đề 3 – “Đồng bằng Bắc bộ” với 6 nội dung kiến thức cần truyền đạt: Thiên nhiên và vùng Đồng bằng Bắc bộ, Dân cư và hoạt động sản xuất ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, Một số nét văn hóa ở làng quê vùng Đồng bằng Bắc bộ, Sông Hồng và văn minh sông Hồng, Thăng Long – Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, với lượng kiến thức cần chuẩn xác như thế, giáo viên phải mất rất nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị bài dạy vì phải “biết mười, dạy một” thì bài dạy mới hiệu quả, thu hút HS. Mặt khác, vì ở các chủ đề, lịch sử và địa lý được lồng ghép với nhau nên việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học cần phải lựa chọn cho phù hợp ở từng phần. Ví dụ, trước đây lịch sử là phân môn có nội dung kiến thức riêng biệt, giáo viên có thể sử dụng phương pháp kể chuyện để thu hút HS qua kể chuyện lịch sử thì với sách giáo khoa mới kể chuyện lịch sử cần phải xem xét kỹ khi sử dụng.

Lịch sử và địa lý ở tiểu học từ trước đến nay khó mang đến sự hấp dẫn, yêu thích của HS. Các kiến thức của môn học này chủ yếu HS tiếp nhận từ sự giảng dạy của thầy cô, gần như không có HS nào tự tìm hiểu về lịch sử, địa lý. Với các em, môn học này toàn là các kiến thức mới mẻ, phải ghi nhớ là chính. Chính vì thế, để dạy lịch sử và địa lý lớp 4 có hiệu quả như mong muốn đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều ở người thầy. Giáo viên không chỉ nghiên cứu tư liệu, bài dạy thật chính xác, phong phú; Chuẩn bị đồ dùng dạy học đầy đủ, thích hợp mà còn phải đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học để tạo cho HS hứng thú học tập, kích thích các em tự tìm hiểu lịch sử, địa lý. Các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới như: Lớp học đảo ngược, học thông qua chơi… rất thích hợp cho việc dạy lịch sử và địa lý lớp 4 trong năm học này. Thầy cô cũng cần giới thiệu, khuyến khích HS đọc truyện tranh lịch sử, xem phim lịch sử… hay xem các clip về du lịch vùng miền trên truyền hình, trên internet, nó rất phù hợp với tâm lý thích nghe nhìn của các em. Việc kết hợp với phụ huynh trong môn học này cũng là điều hữu ích, chẳng hạn như yêu cầu HS với sự hỗ trợ của phụ huynh ghi chép lại những kiến thức lịch sử và địa lý của quê ba mẹ hay các điểm du lịch mà các em đã đến cùng gia đình.

Lịch sử và địa lý lớp 4 không chỉ là nền tảng đầu tiên để HS tiếp tục học ở các lớp kế tiếp mà nó còn là bước đầu vun đắp tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc. Vì vậy, các thầy cô cần “vượt lên chính mình” để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bộ môn này.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)