Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Lịch tuyển sinh sẽ lùi phù hợp lịch thi THPT quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo thời gian kết thúc năm học lùi đến 30.6, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng dự kiến lùi đến 23 – 26.7, chậm gần 1 tháng so với kỳ thi năm 2019.
Năm nay có khả năng các trường sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục xét tuyển /// Đào Ngọc Thạch
Năm nay có khả năng các trường sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục xét tuyển. Đào Ngọc Thạch
Như vậy, thời gian đăng ký dự thi, xét tuyển vào ĐH cũng sẽ thay đổi.
Mốc kết thúc kỳ tuyển sinh vẫn là cuối tháng 12
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về thời gian cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, quy định của Bộ GD-ĐT về các đợt xét tuyển, thời điểm kết thúc tuyển sinh dự kiến, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết các mốc thời gian Bộ quy định trong xét tuyển đợt 1 với những trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển dự kiến cũng sẽ lùi lại, tịnh tiến tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia.
Bà Phụng phân tích: “Nếu tính từ khi thí sinh đăng ký xét tuyển đến khi kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia, quá trình này kéo dài khoảng gần 5 tháng. Nếu tính từ thời điểm thi thì sau khoảng gần 2 tháng là kết thúc xét tuyển đợt 1. Như vậy, nếu lịch thi năm nay lùi đến cuối tháng 7 như dự kiến thì khoảng cuối tháng 9 sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia. Với các trường phải xét tuyển các đợt bổ sung thì cần thêm khoảng 1 tháng nữa”.
Nhưng cũng theo bà Phụng, qua thực tế tuyển sinh các năm trước, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều, và hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 hằng năm. Cho nên, kế hoạch tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT vẫn có thể đặt thời điểm kết thúc vào cuối tháng 12, mà không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường.
Cơ hội để các trường thể hiện quyền tự chủ
Về việc kế hoạch tuyển sinh của các trường ĐH sẽ phải xáo trộn do Bộ lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia, bà Phụng khẳng định đây là cơ hội để các trường thể hiện quyền tự chủ như luật Giáo dục ĐH đã quy định.
Các trường có quyền quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khóa học… Quy chế tuyển sinh hiện hành cũng như dự thảo quy chế mới cũng đã quy định các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm, và công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh của trường để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký…
“Như vậy, việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020, nhưng không phải là sự xáo trộn lớn, không trở thành bị động đối với các trường. Kế hoạch tuyển sinh của trường do từng trường xây dựng, ban hành. Bộ GD-ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung đối với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020”, bà Phụng nói.
Trường chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp
Theo bà Phụng, trong quỹ thời gian hằng năm, đã có khoảng 2 – 3 tuần dự phòng/kỳ học tùy từng trường và có khoảng 4 – 6 tuần dự phòng/năm học. Vì vậy, trong điều kiện các trường có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm và đào tạo theo tín chỉ, kế hoạch nhập học, bắt đầu năm học có thể cần điều chỉnh, nhưng kế hoạch tổng thể của năm học không nhất thiết phải thay đổi, vì sử dụng thời gian dự phòng vẫn đảm bảo kế hoạch và chất lượng thực hiện chương trình đào tạo.
Thời gian qua, hầu hết các trường đã rất chủ động trong việc cho sinh viên nghỉ học phù hợp với tình hình của địa phương hoặc đặc điểm của nội dung, kế hoạch đào tạo của từng trường; chủ động thay đổi lịch học và thông báo sinh viên đi học trở lại. Sau khi Bộ công bố lịch thi THPT quốc gia năm 2020, các trường sẽ tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh của trường cho phù hợp.
Do có việc thay đổi lùi lịch tuyển sinh đợt 1 với những trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 nên các trường phải chủ động tính toán thật kỹ các mốc thời gian khi xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch năm học, vì không còn thời gian dự phòng. Bộ cũng yêu cầu các trường thực hiện đầy đủ kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo và kết thúc năm học phù hợp với lịch thi THPT quốc gia mới (sẽ sớm được công bố) để bố trí đủ nhân lực tham gia vào kỳ thi theo phân công của Bộ. Bà Phụng cho biết: “Trường phải chủ động kế hoạch để bố trí đủ nhân lực, cơ sở vật chất… thực hiện các kế hoạch hiệu quả, đặc biệt là kế hoạch tuyển sinh đợt 1 với những trường có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển”.
Ý kiến
Các trường có thể rút ngắn thời gian cho từng công đoạn
Lịch tuyển sinh phải lùi lại tương ứng với lịch thi THPT quốc gia là không vấn đề gì, bởi chúng ta sẽ lùi chung cho cả hệ thống, chứ không phải lùi riêng với một trường hay địa phương nào. Có chăng chỉ là một số phiền toái mà chủ yếu với người học, chẳng hạn như là phải ôn tập vất vả rồi thi cử trong tiết trời nóng nực, trong khi mọi năm vào thời điểm đó các em chỉ việc ngồi nhà chờ kết quả xét tuyển. Theo dự kiến gần đây nhất của Bộ, lịch thi sẽ lùi lại 1 tháng. Về nguyên tắc, lịch tuyển sinh cũng sẽ lùi lại 1 tháng. Nhưng tôi nghĩ các trường có thể đẩy nhanh hơn lịch này bằng cách rút ngắn thời gian cho từng công đoạn. Ví dụ, trước đây quy định làm thủ tục nhập học trong 5 ngày thì năm nay sẽ chỉ 3 ngày. Mỗi công đoạn trường chủ động rút ngắn 1 – 2 ngày thì công tác tuyển sinh được thúc đẩy nhanh hơn, sớm kết thúc thời gian tuyển sinh hơn…
PGS Trần Trung Kiên 
(Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
Lên kế hoạch đầu tháng 11 phải tuyển sinh xong
Mọi năm, Bộ GD-ĐT quy định từng mốc thời gian cho từng công đoạn trong công tác tuyển sinh với các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia. Năm nay có lẽ vẫn thế. Các trường căn cứ vào mốc đó mà lên kế hoạch tuyển sinh cho trường mình. Kết quả của việc lùi kỳ thi THPT quốc gia lại này là như thế nào, có tệ hơn mọi năm không, hiện nay chưa đánh giá được, phải chờ tuyển sinh đợt 1 xong mới biết. Như trường chúng tôi, chúng tôi xác định năm nào cũng sẽ phải tuyển sinh nhiều đợt. Năm nay xác định các đợt sẽ phải gần nhau hơn do lùi thời gian tuyển sinh đợt 1. Ví dụ trước đây tháng 8 tuyển sinh xong đợt 1, tháng 10 tuyển xong các đợt bổ sung, năm nay cùng lắm cũng chỉ cần đầu tháng 11 đã có thể tuyển xong các đợt bổ sung chứ không hẳn phải tận tháng 12 mới xong.
TS Lê Ngọc Hoàn 
(Phó phòng Đào tạo, Trường ĐH Lâm nghiệp)
Không ảnh hưởng gì tới năm sau
Công tác tuyển sinh không phải là việc đòi hỏi có tính liên tục, kế thừa từ năm trước, mà là việc của từng năm, cho nên năm nay có lùi thời gian lại cũng không ảnh hưởng gì tới năm sau, hay tới hoạt động tuyển sinh lâu dài của nhà trường. Ngay cả với những trường phải tuyển sinh nhiều đợt thì việc lùi lịch tuyển sinh cũng không gây khó khăn cho trường. Trước đây, có những năm thời gian tuyển sinh kéo dài đến tháng 11, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức dạy học cho sinh viên khóa mới từ giữa tháng 8 (cùng thời điểm với các khóa cũ). Những em nhập học muộn, trường sẽ có kế hoạch tổ chức dạy những phần nội dung kiến thức mà các em còn thiếu. Phần lớn các trường thường tổ chức dạy học quân sự, hoặc các môn chung cho sinh viên khóa mới ngay trong học kỳ đầu tiên, nên việc bổ sung này cũng thuận lợi.
GS Vũ Văn Hóa 
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội)
Theo Qúy Hiên/TNO

 

Bình luận (0)