Giải đáp những thắc mắc này tại cuộc họp báo “Điều hành giá xăng dầu” sáng 14/8 của liên bộ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết:
Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với xăng, dầu hoả… theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giá xăng được điều chỉnh giảm 1.000 đồng/lít kể từ 10h ngày 14/8, phần còn lại để cho doanh nghiệp tự bù lỗ kinh doanh xăng của 7 tháng đầu năm.
Thông thường, từ sản phẩm xăng dầu thế giới đến sản phẩm xăng dầu trong nước mà người dân tiêu thụ hàng ngày có một khoảng cách nhất định. Xăng dầu người dân tiêu thụ ngày hôm nay có khi doanh nghiệp đã nhập về từ vài chục ngày trước. Do có độ trễ này mà giá xăng dầu trong nước không thể điều chỉnh tức thời với biến động giá thế giới mà phải theo giai đoạn.
Nói như vậy, người dân phải chịu “độ trễ” trong phần kinh doanh của doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?
Ngoài phần để lại cho doanh nghiệp tự bù lỗ, việc quyết định điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay dựa trên các chỉ số trung bình của rất nhiều yếu tố.
Đó là: định hướng điều hành kinh tế của Chính phủ (ưu tiên kiềm chế lạm phát là số 1, đảm bảo tăng trưởng và an sinh xã hội); vấn đề an ninh năng lượng (đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý); giá cả thế giới và độ trễ của giá thế giới với thị trường trong nước…
Trong mọi trường hợp, việc điều chỉnh giá xăng dầu đều tính toán dựa trên các tham số kể trên và luôn đặt lợi ích chung của toàn xã hội lên hàng đầu. Bộ Công Thương không có bảo vệ gì cho doanh nghiệp trong việc giảm giá xăng hôm nay.
Nhiều ý kiến người dân vẫn cho rằng, giá xăng giảm 1.000 đồng/lít là quá ít và họ kỳ vọng sẽ có một đợt giảm tiếp theo?
Tôi xin khẳng định rằng, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào ngày 21/7 vừa qua là hoàn toàn phù hợp với tình hình trong nước và thế giới.
Việc giảm giá xăng dầu lần này sẽ giúp ngân sách Nhà nước giảm bớt một phần trợ giá dầu hoả thắp sáng cho dân; giá xăng giảm vào ngày 14/8 cũng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của tháng 8, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường.
Tuy nhiên, khi nào có đợt giảm giá tiếp, Chính phủ sẽ tính toán trên cơ sở lợi ích của toàn xã hội được bảo đảm.
Liên Bộ đã tính toán khi nào thực hiện nghiệp vụ giao sau để giảm bớt độ chênh lệch, độ trễ của thị trường trong nước và thị trường thế giới, hay chưa?
Nghiệp vụ giao sau là 1 hoạt động thương mại, tuỳ thuộc vào doanh nghiệp, khi nào họ thấy lợi sẽ tự động làm thôi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hết sức thận trọng bởi đây chính là hoạt động đầu cơ.
Thời gian qua, tin đồn thất thiệt về việc giá xăng tăng lên 26.000 đồng/lít đã gây hoang mang trong nhân dân, xin ông cho biết kết quả xử lý vụ việc tại TPHCM như thế nào?
Về tin đồn xăng dầu tăng giá, chúng ta cần xem xét kỹ nguyên nhân của tin đồn chứ không chỉ hậu quả. Có khi người đưa tin đồn cũng không có ý xấu mà chẳng qua là họ nghĩ thế. Thế nhưng tin từ người nọ sang người kia thì mới thành tin đồn. Chúng ta dại thì mới thế.
Chúng ta rất muốn “chém đầu” một ai đó nhưng phải tính đúng người đúng tội, chứ không thể chỉ lấy hậu quả để quy tội cho người ta.
Xin cám ơn ông!
Phát hiện một số cây xăng trì hoãn giảm giá Chiều 14/8, ông Đào Phúc Hùng, Phó phòng hành chính Chi cục quản lý thị trường TPHCM xác nhận, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã phát hiện một số cây xăng cố tình trì hoãn giảm giá bán theo quy định. Điển hình là trạm xăng dầu (số 462 đường Lũy Bán Bích phường Hòa Thạnh quận Tân Phú) của doanh nghiệp thương mại Thuận An. Cho đến 11h trưa, cây xăng này vẫn bán xăng A92 cho khách với giá cũ 19.000 đồng/lít. Trước đó, đội quản lý thị trường đã nhắc nhở cây xăng số 23 (số 287 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân) không bán theo mức giá giảm cho tới 10h30. Kết quả kiểm tra của Chi cục quản lý thị trường thành phố cũng phát hiện một số trạm xăng ở khu vực quận 6, quận 11, quận Bình Tân… không niêm yết giá mới. Nguyên Tuấn |
Nguyễn Hiền (dantri.com.vn)
Bình luận (0)