Lâu nay, trong dạy học ngữ văn, giáo viên thường có phần liên hệ và vận dụng. Trước đây, mục đích chủ yếu của hoạt động này là nhằm giáo dục tư tưởng. Đại để cứ kết thúc mỗi bài học, giáo viên thường nêu lên nội dung giáo dục đạo đức, lý tưởng sống cho học sinh…
Theo tác giả, trong mỗi bài của sách giáo khoa ngữ văn đã có đủ các bước, từ khởi động đến liên hệ, vận dụng…, vì vậy thầy cô đừng làm nặng thêm bài học, kể cả phần liên hệ, vận dụng (ảnh minh họa)
Cách làm này rất công thức, khô cứng, nhàm chán vì thường theo hướng “hô khẩu hiệu”, nhiều khi chẳng liên quan gì đến nội dung văn bản, tác phẩm. Nay dạy chương trình và sách giáo khoa ngữ văn 2018 vẫn có yêu cầu liên hệ, vận dụng, nhưng cần hiểu khác, thay đổi, làm khác. Không ai phủ nhận qua dạy học ngữ văn mà giáo dục tư tưởng, góp phần phát triển nhân cách học sinh. Nhưng thực hiện điều đó cần phù hợp, tự nhiên, khéo léo. Để giáo dục tư tưởng, tình cảm tốt nhất là giáo viên và học sinh hiểu đúng, hiểu sâu tác phẩm đó. Bản thân nội dung và hình thức của tác phẩm đã hàm chứa sức mạnh giáo dục tư tưởng, tình cảm cho người đọc. Cứ dạy đúng, dạy tốt, dạy hay giờ đọc văn là đã góp phần giáo dục rồi, không cần đặt ra một mục giáo dục riêng ở cuối bài. Yêu cầu liên hệ, vận dụng trong dạy sách giáo khoa ngữ văn (bộ Cánh diều) 2018 được hiểu như sau:
Thứ nhất, liên hệ bao gồm liên hệ với hoàn cảnh, những hiểu biết nền, kinh nghiệm của bản thân học sinh về những vấn đề đặt ra từ văn bản đang học nhằm phát huy vai trò chủ thể của người đọc trong việc lý giải, cảm nhận tác phẩm. Liên hệ với bối cảnh văn hóa xã hội khi tác phẩm ra đời và với cuộc sống hiện nay nhằm giúp học sinh dùng kiến thức lịch sử văn học (hoàn cảnh ra đời, bối cảnh lịch sử) và lý luận văn học (vai trò, tác dụng, tính thời sự của tác phẩm văn học)… để hiểu thêm văn bản. Liên hệ với các tác phẩm viết về cùng đề tài, chủ đề với văn bản đang học… nhằm giúp học sinh biết so sánh, nhận xét điểm giống và khác của hai văn bản viết cùng một đề tài, để thấy vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt của mỗi văn bản… Tất cả các dạng liên hệ trên đều nhằm giúp học sinh hiểu tác phẩm và hiểu chính mình, qua đó mà hình thành cách đọc, năng lực đọc và góp phần phát triển phẩm chất. Tuy nhiên không bắt buộc dồn vào một bài học mà tùy vào mỗi văn bản để yêu cầu liên hệ cho phù hợp.
Thứ hai, vận dụng là yêu cầu từ những hiểu biết đã có sau khi học, học sinh biết vận dụng để giải quyết các tình huống tương tự. Vì thế, phần vận dụng thường là yêu cầu học sinh làm các bài tập với hai loại chính: Bài tập củng cố các hiểu biết vừa hình thành, chẳng hạn vừa học thơ lục bát thì có những bài tập yêu cầu học sinh nhận biết đặc điểm của thơ lục bát, nhận biết tác dụng của các yếu tố hình thức trong thơ lục bát… Bài tập tạo lập gồm yêu cầu viết đoạn văn ngắn hoặc tạo ra một sản phẩm tương tự, chẳng hạn học biện pháp tu từ ẩn dụ, yêu cầu học sinh tạo ra một ẩn dụ trong viết và nói. Cần lưu ý yêu cầu vận dụng là cho cả bài học lớn (12 tiết), vận dụng không chỉ thực hiện ở ngay trong phần đọc hiểu mà còn thực hiện ở nhiều phần khác như thực hành tiếng Việt, viết, nói và nghe… Vì thế, với phần đọc hiểu không nên nêu quá nhiều bài tập vận dụng.
Thứ ba, dạy học phát triển phẩm chất và năng lực không lấy khối lượng nội dung làm trọng mà lấy việc hình thành cách thức, chú ý yêu cầu về các mức độ của kỹ năng là chính. Muốn thế cần thực hành nhiều, phải tổ chức cho học sinh học và tập thông qua các hoạt động đọc, viết, nói – nghe. Cần khắc phục cách dạy cũ, giáo viên ham chạy theo nội dung, làm nặng thêm rất nhiều so với yêu cầu của chương trình. Với sách ngữ văn (bộ Cánh diều), giáo viên chỉ cần lưu ý học sinh các hướng dẫn đọc nêu ở cột phải và đặc biệt tổ chức cho học sinh tìm hiểu 6 câu hỏi đọc hiểu cuối là đã bảo đảm yêu cầu của chương trình. Trong mỗi bài của sách giáo khoa ngữ văn đã có đủ các bước, từ khởi động, hình thành kiến thức mới đến liên hệ, vận dụng. Các thầy cô đừng làm nặng thêm bài học, kể cả phần liên hệ, vận dụng.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)