Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói: “Đây là trường hợp sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân được coi là quan trọng nhất kể từ khi Saddam Hussein sử dụng chúng ở Halabja vào năm 1988”
Liên Hiệp Quốc (LHQ) khẳng định rằng cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua đã xảy ra ở miền Đông Damascus vào tháng qua. Vụ này cho thấy những quả rốc-két chứa độc chất sarin gây tê liệt thần kinh được bắn vào vùng ngoại ô thủ đô Syria do quân nổi dậy chiếm đóng.
Báo cáo của LHQ không đổ lỗi cho lực lượng tấn công nhưng Mỹ, Anh và Pháp cho biết những chi tiết về sarin, những quả rốc-két được sử dụng và đường bay của chúng xác nhận rằng chế độ Bashar al-Assad chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên, Nga cho rằng các cường quốc phương Tây đã “kết luận vội vã ” đồng thời vẫn giữ lập luận phe nổi dậy có thể đứng đằng sau vụ tấn công hóa học đó.
Cũng đã có bất đồng sâu sắc về loại nghị quyết nào của LHQ cần có để thực hiện thỏa thuận mà Mỹ và Nga đã đạt được hôm thứ bảy vừa qua ở Geneva trong việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Assad.
Những dị biệt – về việc liệu nghị quyết ban đầu có nên bao gồm lời đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với trường hợp bất tuân của Syria hay không – nhắc nhở rằng thỏa thuận Geneva vẫn có thể được cải thiện hơn trước khi nó có hiệu lực.
Một thanh sát viên LHQ lấy mẫu tại một địa điểm ở ngoại ô Damascus. Ảnh: Erbin NEws
Trình bày báo cáo, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: “Đây là trường hợp sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân được coi là quan trọng nhất kể từ khi Saddam Hussein sử dụng chúng ở Halabja vào năm 1988. Cộng đồng quốc tế đã cam kết không để tái diễn bất cứ hành động ghê tởm nào như vậy, thế nhưng nó lại xảy ra”.
Tuy nhiên, ông Ban đã không chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm về vụ tấn công và lưu ý rằng điều đó không nằm trong yêu cầu của cuộc điều tra LHQ. “Tất cả chúng ta đều có suy nghĩ riêng về vấn đề này nhưng nghiền ngẫm nó để tìm địa chỉ trách nhiệm là việc của những người khác” – ông nói.
Góp tiếng nói tranh luận sau đó, các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng người phụ trách nhóm điều tra của LHQ, Ake Sellstrom, một nhà khoa học Thụy Điển, nhận xét rằng chất lượng khí sarin được dùng trong cuộc tấn công ở phía Tây và Đông vùng ngoại ô Ghouta vào ngày 21-8 cao hơn loại sarin đã được sử dụng trong cuộc tấn công khủng bố năm 1995 ở khu vực tàu điện ngầm Tokyo hay loại độc chất từ cuộc tấn công của Saddam Hussein ở TP Halabja của người Kurd.
Ông Sellstrom cũng cho biết những quả rốc-két được sản xuất một cách tinh xảo. Báo cáo của ông ấy xác định chúng được bắn đi từ phía Tây Bắc và các giới chức phương Tây nhận xét những chi tiết của đường đạn khẳng định rằng chúng bay đến từ một khu vực do quân chính phủ kiểm soát. “Tất cả điều đó củng cố quan điểm của chúng tôi rằng không nghi ngờ gì nữa, chính chế độ Syria đã dùng vũ khí hóa học và họ là người chịu trách nhiệm” – Mark Lyall Grant, nhà ngoại giao Anh tại LHQ – nhấn mạnh.
Đối tác Mỹ của ông Grant, bà Samantha Power, nói rằng trong “hàng ngàn hình ảnh video” từ cuộc xung đột Syria không có dấu hiệu nào cho thấy quân nổi dậy nắm trong tay những vũ khí như thế, cũng chẳng có chứng cứ nào về việc họ sở hữu khí độc sarin”. Bà Power còn nói thêm rằng “những chi tiết kỹ thuật trong báo cáo cho thấy rõ chỉ có chế độ Assad mới có thể thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học này”. Đại sứ Pháp Gerard Araud đồng tình với kết luận của bà.
Tuy nhiên, đại sứ Nga Vitaly Churkin than phiền: “Một số đồng nghiệp đã vội kết luận cuộc tấn công do các lực lượng chính phủ thực hiện. Chúng tôi thậm chí không có cơ hội xem báo cáo. Chúng tôi chỉ nhìn lướt qua”.
Quan hệ Việt Nam – Hungary tiếp tục phát triển tốt đẹp
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Hungary, chiều 16-9 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội kiến với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover; tiếp lãnh đạo Hội Hữu nghị Hungary – Việt Nam và các cựu chiến binh từng tham gia các Ủy ban Giám sát Hiệp định Hòa bình Paris về Việt Nam trước đây.
Tại các cuộc hội kiến, 2 bên nhấn mạnh Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh, ổn định, thị trường rộng lớn với gần 90 triệu dân. Hungary có thế mạnh trong ngành y – dược, nông nghiệp, giáo dục – đào tạo, công nghệ thông tin, chế biến nông sản. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa 2 nước trong thời gian tới.
Theo TTXVN, Chủ tịch nước đánh giá cao sự hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary phát triển năng động thời gian qua, đồng thời hoan nghênh vai trò đầu mối tích cực của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Hungary – Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 quốc hội. Dịp này, Chủ tịch nước mong muốn Hungary tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) và cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA). Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Hungary tăng cường quan hệ với ASEAN và các nước thành viên.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover nhấn mạnh tầm quan trọng của giao lưu văn hóa, hợp tác nhân văn cũng như đánh giá cao cộng đồng hơn 4.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Hungary, đặc biệt thời gian qua, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam gần 4.000 cán bộ chuyên gia. Đây là nhịp cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ 2 nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ các cuộc hội kiến, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các lãnh đạo cấp cao Hungary đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện, gồm Hiệp định về dẫn độ tội phạm và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Nguồn nhân lực Hungary; Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực thể dục, thể thao và Kế hoạch Hợp tác Văn hóa giai đoạn 2014-2016.
Theo NLĐ
Bình luận (0)