Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Liên hoan cải lương toàn quốc 2021: Kỳ vọng nhiều dấu ấn mới

Tạp Chí Giáo Dục

Do năm ngoái dịch bệnh nên đến nay, Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 mới diễn ra.

Đoàn nghệ thuật cải lương Long An đã khai màn liên hoan ấn tượng với vở cải lương Bên dòng Long Khốt. Một đề tài khó, một kịch bản mới, một ê-kíp trẻ… vở diễn thực sự mang đến nhiều kỳ vọng về một kỳ liên hoan trở lại sau đại dịch.

Đoàn nghệ thuật cải lương Long An trao cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ trong vở cải lương Bên dòng Long Khốt - ẢNH: N.L

Đoàn nghệ thuật cải lương Long An trao cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ trong vở cải lương Bên dòng Long Khốt. Ảnh: N.L

Dồi dào sức trẻ 

Bên dòng Long Khốt (kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng, chuyển thể – đạo diễn: NSND – tiến sĩ Triệu Trung Kiên) kể câu chuyện về tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam – Campuchia, cùng chia sẻ ký ức đau thương về cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pol Pot. Vở cải lương thực sự là thử thách rất lớn với những gương mặt trẻ của đoàn nghệ thuật cải lương Long An, như Thu Mỹ, Hoàng Dư, Nam Thanh Phong, Trọng Tánh…

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Trần Hướng Dương, Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 có khoảng 300 diễn viên trẻ (dưới 35 tuổi), chiếm hơn 40% lực lượng biểu diễn, phần lớn đảm nhận các vai diễn chính. Đây là minh chứng rõ ràng rằng người trẻ vẫn rất say nghề, và đã có những bước tiến rất nhanh trong nghề nghiệp. Ban tổ chức rất kỳ vọng vào một kỳ liên hoan dồi dào sức trẻ, phát hiện được thêm nhiều tài năng trẻ cho sân khấu cải lương.
“Dù các nghệ sĩ trẻ có thể còn non kinh nghiệm, nhất là với đề tài gai góc như thế này, nhưng nếu cứ mãi sợ các em không làm nổi mà không tạo cơ hội, thì làm sao biết được các em có thể tiến xa đến đâu, làm sao có được đội ngũ kế thừa lành nghề” – lãnh đạo đoàn nghệ thuật cải lương Long An chia sẻ về định hướng trẻ hóa đội ngũ của đơn vị. 

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng tập trung cho lực lượng trẻ tại liên hoan. Ở vở Ngược gió (kịch bản: Tiết Duy Hòa, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Dương Thanh), đất diễn hoàn toàn thuộc về những người trẻ chưa có nhiều dấu ấn nghề nghiệp như: Tô Tấn Loan, Kim Luận, Văn Khởi, Kim Thùy, Mỹ Linh, Diễm Kiều…

Vở Câu hò đất mẹ (kịch bản: Thanh Bình, chuyển thể: Phạm Văn Đằng) với lực lượng nghệ sĩ nòng cốt của nhà hát hiện tại như NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lê Hồng Thắm, NSƯT Lam Tuyền, nghệ sĩ Hà Như… được tin tưởng giao cho đạo diễn Lê Trung Thảo dàn dựng. Là gương mặt đạo diễn trẻ nổi bật của sàn diễn cải lương nhiều năm qua, nhưng đây mới là lần thứ hai Trung Thảo dự liên hoan với vai trò đạo diễn. Đây cũng là cơ hội để Lê Trung Thảo tạo dấu ấn mới bên cạnh những vở diễn anh từng thành công.

Mình Trường (bìa trái) vừa dựng vở dự thi vừa đảm nhận vai chính trong vở Chân dung người mở cõi

Minh Trường (bìa trái) vừa dựng vở dự thi vừa đảm nhận vai chính trong vở Chân dung người mở cõi

Bên cạnh lực lượng biểu diễn trẻ trung, điều đáng chú ý là những gương mặt đạo diễn mới cũng lần đầu “ra biển lớn”. Chỉ mới dàn dựng hai tác phẩm tốt nghiệp và một số chương trình nhỏ, Quỳnh Khôi gần như mất ăn mất ngủ khi tham gia ê-kíp vở Một phút một thời của Hội Sân khấu TP.HCM (kịch bản: Khưu Ngọc, chuyển thể: NSƯT Trường Giang). “Tôi nghĩ mình còn cần tích lũy thêm kinh nghiệm mới có thể tự tin đến liên hoan trong vai trò đạo diễn. Không ngờ cơ hội đến sớm hơn dự tính. Được sự động viên của lãnh đạo hội sân khấu và các anh chị tham gia vở, tôi chỉ có thể cố gắng hết sức thôi” – Quỳnh Khôi chia sẻ.

Đặc biệt, Minh Trường (Chân dung người mở cõi), Điền Trung (Duyên kiếp) và Võ Huỳnh Mơ (Cơn hồng thủy) vừa làm công tác đạo diễn vừa hát chính. Các tác phẩm cũng do chính nghệ sĩ đầu tư dự liên hoan. “Năm nay, đơn vị của tôi không dự liên hoan. Là nghệ sĩ mà không được hát nhiều, nhất là ở nơi anh chị em thi thố nghề nghiệp thì cũng buồn. Nhân anh bạn đồng nghiệp rủ nên tôi cùng làm, chủ yếu là để học hỏi thôi chứ không áp lực gì” – Huỳnh Mơ cho biết. Hoàn toàn tự lực, vốn không nhiều, nên Huỳnh Mơ buộc phải gói ghém mọi thứ, kể cả kịch bản cũng chọn Cơn hồng thủy vì chỉ có ba nhân vật, nên cũng tiết kiệm chi phí…

Lần thứ hai liên tiếp đăng cai Liên hoan cải lương toàn quốc, so với năm 2018, tỉnh Long An đã đầu tư cơ sở vật chất, điểm diễn chỉn chu hơn. Các khâu tổ chức, ăn nghỉ, hướng dẫn viên, tình nguyện viên được chuẩn bị từ sớm để các đoàn hoạt động thuận tiện.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân đến xem liên hoan cũng được chú ý, với sự hưởng ứng tích cực của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân 15 huyện, thị xã; sự hỗ trợ của bộ chỉ huy quân sự, công an, Trường đại học Kinh tế, Trường Nghề Long An… Liên hoan cải lương toàn quốc 2021 là hoạt động trọng điểm, nối tiếp tuần văn hóa – du lịch Long An (17 – 21/9) trong năm 2022, khi Long An đẩy mạnh các hoạt động văn hóa – du lịch trên địa bàn.

Có thể thấy, dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các sân khấu xã hội hóa với sự năng động và sức trẻ vẫn là điểm sáng nổi bật. Đặc biệt, liên hoan năm nay cũng ghi nhận xu hướng các nghệ sĩ trẻ mạnh dạn, tự tin đầu tư tác phẩm, tự tìm cơ hội thi thố cho mình, khi các đơn vị không đáp ứng đủ nhu cầu.

Chưa có nhiều kịch bản mới

Ban tổ chức khá lạc quan khi đề tài hiện đại chiếm ưu thế trong 27 vở diễn dự liên hoan với 16 tác phẩm, còn lại là bảy vở đề tài lịch sử và bốn vở đề tài dân gian. Tuy nhiên, phần lớn vở hiện đại cũng khai thác nội dung về chiến tranh cách mạng, hậu chiến.

Ngoài Ngược gió (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Một phút một thời (Hội Sân khấu TP.HCM), Sứ mệnh (Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai) và đặc biệt là Đất liền và biển cả (đoàn cải lương Hải Phòng) về chủ đề biển đảo, thì liên hoan thiếu hẳn đề tài xã hội đương đại, phản ánh đời sống con người hôm nay.

Chỉ tiếc là phần lớn cũng là kịch bản cũ từ nhiều năm trước, thậm chí dựng lại kịch bản đã được đơn vị khác dự thi trước đây. Trong bối cảnh thiếu kịch bản trầm trọng hiện nay, việc chuyển thể từ bản kịch nói cũng là một lựa chọn. Dạ cổ hoài lang hay Vua thánh triều Lê cũng đã quá quen thuộc. Các đơn vị còn có xu hướng chuyển thể ngay tác phẩm vừa đạt giải cao ở một liên hoan trước đó.

Võ Huỳnh Mơ (trái) thử sức với vai trò đạo diễn lẫn diễn viên chính trong vở Cơn hồng thủy - ẢNH: N.L

Võ Huỳnh Mơ (trái) thử sức với vai trò đạo diễn lẫn diễn viên chính trong vở Cơn hồng thủy. Ảnh: N.L

Điển hình như những Thiên mệnh (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Điều còn lại (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa), Câu hò đất mẹ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Làm vua (Nhà hát Cao Văn Lầu) đều là những kịch bản đạt giải Vàng Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021. Trong đó, kịch bản Làm vua đã có mặt ở đủ các liên hoan kịch nói, hát bội, chèo, và nay là cải lương…

Dù vậy, ban giám khảo và khán giả hy vọng kịch bản cũ nhưng phong cách dàn dựng và biểu diễn thu hút vẫn có thể mang đến cảm nhận mới mẻ cho người xem. Với đội ngũ đạo diễn trẻ hóa, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về một kỳ liên hoan nhiều dấu ấn mới.

Bên cạnh rất nhiều kịch bản cũ, đáng chú ý có những kịch bản mới được đầu tư cho liên hoan. Bên dòng Long Khốt được tỉnh Long An chủ trương đầu tư dựa trên những sự kiện có thật tại Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung, H.Vĩnh Hưng).

Tương tự, Nhà hát Tây Đô dự liên hoan với vở Sống mãi với non sông kể về cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Châu Văn Liêm, nhằm tri ân danh nhân của đất Cần Thơ. Vở Hương tràm của đoàn cải lương Hương Tràm – Cà Mau tiếp tục kể câu chuyện về người Cà Mau với mối quan hệ kết nghĩa cùng tỉnh Ninh Bình từ năm 1960. Những người con hai miền Nam – Bắc cùng gặp gỡ, sống và chiến đấu vì lý tưởng thống nhất nước nhà.

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai giới thiệu hai kịch bản mới là Khơi nguồn và Sứ mệnh đều truyền đạt những thông điệp mới mẻ về việc bảo vệ môi trường sống. Trong đó, Sứ mệnh còn bắt kịp thời sự với bối cảnh dịch bệnh bùng phát khắp nơi.

Truyền thuyết chàng Sa Mộc (Công ty Tổ chức biểu diễn Song Việt) được lấy cảm hứng từ những huyền tích, giai thoại về cây sa mộc (sa mu) của đồng bào Tây Bắc. Đây được xem là loài cây “trấn biên”, biểu tượng cho sự cứng cỏi, sức sống mãnh liệt nơi miền biên viễn. Ngoài quy tụ hai ngôi sao Tú Sương và Võ Minh Lâm, vở diễn rất được mong chờ khi cũng khá lâu rồi, soạn giả Hoàng Song Việt mới sáng tác kịch bản mới…

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)