Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP.Cần Thơ phối hợp tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 25-10 đến 15-11 tại Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ thu hút gần 1.500 nghệ sĩ đến từ 30 đơn vị nghệ thuật trên cả nước tham gia với 34 vở diễn. Trong đó, rất nhiều vở sử Việt được tranh tài trong kỳ liên hoan này!
Những ngày hội của cải lương!
NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: “Liên hoan cải lương toàn quốc diễn ra định kỳ 3 năm/lần. Đây không chỉ là những ngày hội của cải lương mà còn là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và các lãnh đạo tại các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ triển vọng, từ đó lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng phát triển phù hợp với nền nghệ thuật truyền thống của nước nhà. Đây cũng là cơ hội cho anh chị em nghệ sĩ yêu nghề được thể hiện, được cống hiến; không chỉ là những gương mặt gạo cội, mà còn là lớp diễn viên trẻ, sẽ mang tới những luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương. Từ đó góp phần duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu này”.
Mỗi đơn vị nghệ thuật tham gia sẽ được trình diễn 1 vở diễn. Các đoàn nghệ thuật công lập có thể đăng ký nhiều vở diễn tương ứng với số lượng đoàn trực thuộc. Đặc biệt, nghệ sĩ đóng vai chính, thứ chính phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hoặc được đào tạo chuyên môn về nghệ thuật cải lương. Ban tổ chức cũng đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng nghệ thuật và sự tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến quyền tác giả, quyền biểu diễn.
Các vở diễn tham gia liên hoan không giới hạn về đề tài nhưng phải được dàn dựng từ năm 2017 đến nay và chưa từng tham gia các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trước đó.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trao tặng các giải thưởng như huy chương vàng, huy chương bạc cho các vở diễn và cá nhân nghệ sĩ có chất lượng nghệ thuật cao. Giải xuất sắc cũng sẽ được trao cho các thành phần sáng tạo gồm đạo diễn, biên đạo, tác giả và nhạc sĩ xuất sắc.
Được biết năm nay, số lượng đơn vị nghệ thuật tại TP.HCM chiếm số lượng đông đảo với 12/30 đơn vị. Có thể kể đến các đơn vị nổi bật như: Sân khấu Sen Việt, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt, Công ty TNHH Giải trí We, Sân khấu Thiên Long…
Tự hào đề tài sử Việt!
Nổi bật trong kỳ liên hoan này là rất nhiều vở sử Việt được tranh tài như: Tây Sơn nữ tướng, Khúc tráng ca thành Gia Định, San hô đỏ, Người ven đô, Công anh hùng đất phương Nam, Hào kiệt Lam Sơn, Người mang 9 án tử, Muôn dặm vì chồng…
Vở cải lương lịch sử “Tây Sơn nữ tướng” (tác giả Nguyễn Sỹ Chức, chuyển thể cải lương Nguyên Phương, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt) của Sân khấu Sen Việt ngay trong buổi công diễn đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và giới chuyên môn. Vở có sự tham gia của các nghệ sĩ Bình Tinh, Minh Trường, Vũ Thành, Hoàng Quốc Thanh, Công Minh, Hoàng Phương, Trọng Nhân, Bảo Ngọc, Hoài Thanh, Thanh Khang, Lệ Trinh, Du Bảo…
Trước khi Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà đã giao lại trọng trách cho Đô đốc Bùi Thị Xuân và chồng là Trần Quang Diệu hỗ trợ cho Cảnh Thịnh phục hồi triều đại Tây Sơn đang hồi suy yếu. Vua Cảnh Thịnh lên ngôi khi còn quá trẻ nên bị bọn gian thần lộng hành, cấu kết với đội quân Nguyễn Ánh soán ngôi vua. Vợ chồng Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu đã vì nước quên thân. Cả gia đình Đô đốc Bùi Thị Xuân bị Nguyễn Ánh hành hạ dã man. Chồng bà là Trần Quang Diệu và con gái Bích Xuân bị kẻ thù thiêu sống, riêng Bùi Thị Xuân bị voi dày và hỏa thiêu cho đến chết.
Bình Tinh đã khắc họa hình tượng nữ tướng Bùi Thị Xuân với một tình yêu nước sâu đậm, một người vợ yêu chồng, một người mẹ thương con vô bờ bến… Có thể nói, sau thành công rực rỡ của vai Tống Thị Quyên trong vở “Vương quyền – Vụ án Tống Thị Quyên” nhận được huy chương vàng tại “Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần 2022” thì vai Đô đốc Bùi Thị Xuân được xem như là một dấu son trong sự nghiệp diễn xuất của cô đào tài năng Bình Tinh.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã dựng một lớp cuối quá đẹp, quá xúc động cho Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu và con gái Bích Xuân gặp gỡ nhau trước khi ra đi mãi mãi vì nước vì dân… đã gây ấn tượng rất mạnh cho khán giả. Lớp diễn này đã đủ thỏa mãn sự nghe nhìn, mãn nhãn với khán giả yêu thích cải lương.
Nhận xét về vai diễn của Bình Tinh, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt cho biết: “Cô ấy đã bộc lộ hết tài năng diễn xuất cũng như sự nhạy bén, ham học hỏi, cầu tiến của mình. Bình Tinh cũng xin đạo diễn cho mình được đầu tư từ trang phục để cho khán giả nhìn thấy cải lương sử Việt có nhiều màu sắc mới, cuốn hút và hấp dẫn được khán giả trẻ. Tôi rất tự hào về Bình Tinh, về những gì em đã đạt được và đã hết mình cống hiến cho nghệ thuật”.
Vở “Người mang 9 án tử” (đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) cũng được đầu tư hoành tráng để chuẩn bị cho liên hoan kỳ này. Theo NS Hoàng Hải, người đảm nhận vai Tả quân Lê Văn Duyệt cho biết vai diễn giúp anh có thêm nhiều đất diễn hơn ở phần ca diễn, vũ đạo. Bên cạnh đó, còn có thêm phần chầu văn và hát bội làm màu sắc vở diễn thêm phần sống động, cuốn hút. Theo NS Hoàng Hải, anh đến với liên hoan lần này là mong muốn được thể hiện, nhìn lại bản thân mình sau 14 năm dài học hỏi và phát huy chuyên nghiệp.
NSƯT Kim Tiểu Long, vai anh hùng Lê Lợi trong vở “Hào kiệt Lam Sơn” cho biết, liên hoan cải lương toàn quốc là nơi giúp các nghệ sĩ được thỏa mãn với nghề trong vai diễn, là nơi nghệ sĩ được học hỏi, chỉ dạy lẫn nhau để càng ngày càng hoàn thiện bản thân, vững vàng hơn với nghề.
Còn NS Bình Tinh bật mí: “Khi nhận vai nữ tướng Bùi Thị Xuân, tôi đã bị nhân vật này chinh phục hoàn toàn. Đây cũng chính là vai diễn mơ ước của tôi từ rất lâu, bởi hồi còn đi học, khi xem NSƯT Diệu Hiền diễn vai này, Bình Tinh đã vô cùng hâm mộ và yêu mến. Song song với việc đọc kịch bản, Bình Tinh còn tham khảo nhiều tư liệu để tìm hiểu sâu hơn về nhân vật nữ tướng anh hùng này. Đặc biệt, tôi đã đến đình Bình Trưng, quận 2, TP.HCM, nơi có thờ các vị tướng thời Tây Sơn để thắp hương tri ân và cầu nguyện cho các tiền nhân phù hộ cho mình hoàn thành tốt vai diễn. Được biết, sau khi tham dự Liên hoan cải lương toàn quốc 2024, vở sẽ được đưa đi biểu diễn ở các trường học phục vụ sinh viên – học sinh tại các trường THPT, THCS và CĐ – ĐH khu vực TP.HCM”.
Anh Khôi
Bình luận (0)