Những bộ phim đoạt giải Bông sen vàng, bạc đều cũng như những hoạt động của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 – thể hiện dấu ấn rõ nét của nỗ lực giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới, quảng bá du lịch qua điện ảnh – những thứ cần có để đưa điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa.
Đưa “hương” Việt bay xa
Sau 5 ngày diễn ra, các tác phẩm đoạt giải Bông sen vàng, bạc đã lộ diện. Tro tàn rực rỡ đã được xướng tên ở hạng mục quan trọng nhất: Phim truyện xuất sắc. Giải bạc lần lượt thuộc về Mẹ ơi, bướm đây; Em và Trịnh; Đào, phở và piano. Đây là lần hiếm hoi kết quả giải Bông sen vàng của Liên hoan phim Việt Nam ở nhiều hạng mục phim truyện giống với kết quả giải Cánh diều vàng. Sự trùng khớp này cho thấy những người cầm cân nảy mực đã tìm thấy tiếng nói chung trong việc tìm ra những tác phẩm tốt.
Phim Tro tàn rực rỡ khai thác cái đẹp, sự nhân ái, đặc biệt là đi sâu vào vẻ đẹp trong tâm hồn Việt Nam
Tro tàn rực rỡ khắc họa tình cảm và hình ảnh của người phụ nữ Á Đông cùng nét văn hóa miền Tây sông nước. Mẹ ơi, bướm đây phản ánh nét đẹp của con người Việt Nam thông qua câu chuyện tình mẹ con đậm tính nhân văn, giàu lòng trắc ẩn. Em và Trịnh làm sống lại chân dung một huyền thoại âm nhạc của Việt Nam cũng như gợi nhớ nền nhạc Việt một thời qua 40 bài hát trong phim. Đào, phở và piano như một bản hùng ca về tinh thần đấu tranh anh dũng của người Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
Tôn vinh bản sắc dân tộc, văn hóa, con người Việt nhưng đồng thời cũng tiệm cận với cách làm phim của thế giới là điều được nhìn thấy ở lựa chọn giải Bông sen vàng và giải Đạo diễn xuất sắc thể loại phim tài liệu cho Những đứa trẻ trong sương. Bộ phim của đạo diễn Hà Lệ Diễm hé mở phong cách làm phim mới, tiếp cận với ngôn ngữ điện ảnh tài liệu thế giới, mở ra triển vọng về hội nhập quốc tế đối với lĩnh vực phim tài liệu. Tro tàn rực rỡ và Những đứa trẻ trong sương cũng từng thắng lớn ở các giải thưởng quốc tế. Điều đó cho thấy lựa chọn của ban giám khảo trong nước đã gần hơn với cái nhìn của bạn bè thế giới. Để đưa điện ảnh Việt phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa như mục tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2030, rất cần những tác phẩm mang đậm bản sắc Việt, với cách làm, cách kể tiệm cận với tiếng nói của điện ảnh thế giới như Tro tàn rực rỡ và Những đứa trẻ trong sương đã làm.
Hội thảo chủ đề cũ mà mới Ngoài chuyện chấm giải, hoạt động chuyên môn thường niên trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam là các hội thảo. Năm nay, chủ đề tuy cũ nhưng được làm mới ở điểm xoáy sâu, gắn vào bối cảnh phát triển công nghiệp điện ảnh. Việc có hơn 400 đại biểu tham dự hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” và “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” chứng tỏ những vấn đề hội thảo đặt ra rất được quan tâm. Tổng cộng, 2 hội thảo đã ghi nhận gần 30 ý kiến tham luận – một số lượng khá lớn, đủ để những người làm công tác quản lý ngành có thông tin tham khảo hữu ích, từ đó đưa ra những quyết sách thuận lợi cho điện ảnh tiến lên thành ngành công nghiệp. |
Biến sự kiện văn hóa thành cơ hội thu hút du khách
Không phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt được chọn làm địa điểm tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23. Chính quyền địa phương đã nhân dịp thành phố ngàn hoa chào mừng kỷ niệm 130 năm thành lập đăng cai tổ chức sự kiện văn hóa quốc gia này để biến thành cơ hội kép quảng bá du lịch tỉnh nhà.
Từ lâu, Đà Lạt đã trở thành phim trường của rất nhiều đoàn phim. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, năm 2022 thu hút 130 đoàn phim đến Đà Lạt ghi hình. Chính quyền thành phố ủng hộ đoàn phim một cách thực tế bằng việc cấp giấy phép nhanh (chỉ 2 ngày) và miễn phí vé 116 điểm du lịch tiêu biểu cho các đoàn phim. Ông Trần Thanh Hoài – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng – cho biết: “Các đoàn phim đối với chúng tôi cũng là khách du lịch. Người dân Đà Lạt thấy chuyện cấm đường sá để quay phim là điều bình thường và luôn tự hào vì được các đoàn phim làm phiền”.
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương tại địa điểm tổ chức các hội thảo cũng là hình thức quảng bá của tỉnh Lâm Đồng nhân Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: H.N.
Tại Liên hoan phim Việt Nam năm nay, sáng kiến của tỉnh – trao thưởng giải Lâm Đồng – Cao nguyên hùng vĩ – cho phim có bối cảnh quay tại Lâm Đồng (phim Em và Trịnh đoạt giải này) cho thấy quyết tâm của địa phương trong việc quảng bá du lịch. Tại các hội thảo, có các gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương cũng là nét mới lạ của liên hoan phim. Ý thức tận dụng sự kiện lớn này để ghi điểm với du khách còn được thể hiện ở quyết định thiết thực, tinh tế của tỉnh: ngưng thu phí các bãi giữ xe sau 16g tại quảng trường Lâm Viên và công viên Yersin các ngày 20, 21, 23, 25/11 nhằm tạo thuận lợi cho du khách dự liên hoan phim.
Điện ảnh Việt đang nỗ lực cho tiến trình tiến lên thành ngành công nghiệp văn hóa. Tiến trình đó không chỉ bao gồm việc làm ra những tác phẩm mang đậm màu sắc văn hóa, dân tộc Việt mà còn có cả việc dùng điện ảnh để kích cầu du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Liên hoan phim Việt Nam năm nay mở ra những tín hiệu vui, cho thấy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đang được phát huy từng bước một.
Theo Hương Nhu/PNO
Bình luận (0)