Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Liên kết “3 bên” đào tạo nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, sự sống còn của nhà trường là sản phẩm đầu ra được xã hội và doanh nghiệp (DN) thừa nhận. Theo đó, muốn có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, DN và cơ quan quản lý nhà nước.

Muốn nâng cao chất lượng đào tạo rất cần sự liên kết giữa nhà trường, DN và cơ quan quản lý nhà nước. Trong ảnh: Các DN triển lãm công nghệ tại Hội thi tay nghề giỏi toàn quốc, tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo tăng cường trách nhiệm của DN trong công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng vừa tổ chức.

Trường chủ yếu đào tạo “cái mình có”

Ông Nguyễn Văn An (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) nhìn nhận, trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực, các cơ sở GDNN và DN phải luôn gắn kết với nhau. Sự gắn kết càng chặt chẽ thì hiệu quả trong quá trình đào tạo và sử dụng nhân lực được nâng cao. Theo ông An, thời gian qua các cơ sở GDNN đã phối hợp với DN triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức cho học sinh, sinh viên (HS-SV) đi thực tập, kiến tập tại DN; một số ít DN tham gia vào quá trình xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình đào tạo; tư vấn và giải quyết việc làm cho HS-SV sau khi tốt nghiệp… Tuy nhiên, sự gắn kết giữa nhà trường và DN còn quá khiêm tốn, mang tính tự phát, chưa thấy rõ vai trò và trách nhiệm giữa các chủ thể…

Còn theo bà Kiều Thị Thanh Trang (Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng), công tác phối hợp giữa nhà trường và DN chưa phát huy hết tiềm năng, chỉ dừng lại ở phạm vi cơ sở đào tạo chủ động liên hệ với DN trong việc tổ chức cho HS-SV thực tập hoặc DN thiếu lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu mùa vụ sản xuất nên đến trường để liên hệ. “DN còn chú trọng khâu sản xuất chứ chưa nhận thức được trách nhiệm và lợi ích của mình tham gia vào công tác đào tạo nghề, sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Do vậy, khi HS-SV thực tập không được tham gia nhiều vào các công việc thực tế, quan sát nhiều hơn làm. Phần lớn DN thụ động trông chờ vào nguồn nhân lực sẵn có, không tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực”, bà Trang nói.

Bà Trang cho biết thêm, hiện khâu dự báo nhân lực tại các DN chưa mang tính bền vững, dẫn đến ngại đặt hàng đào tạo mang tính lâu dài với nhà trường. Kết quả là nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Trong khi đó, các cơ sở GDNN chủ yếu chỉ đào tạo “cái mình có”, chưa chú trọng đến nhu cầu ngành nghề DN cần; chưa có sự phối hợp thường xuyên với DN trong xây dựng chương trình, giáo trình, tư vấn hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ…

Gắn kết để đảm bảo chất lượng và đầu ra

Ông Đinh Văn Tuyên (Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng) thừa nhận dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhà trường vẫn chưa thiết lập và duy trì được mối quan hệ với một số DN lớn hoạt động trong các lĩnh vực phù hợp với những chuyên ngành đào tạo của trường. Từ đó dẫn đến sự bị động của nhà trường trong việc liên hệ và giới thiệu địa điểm đi thực tế, thực tập phù hợp cho SV. “Hiện ngay việc gửi SV đi thực tế, thực tập ở DN vẫn gặp một số khó khăn trong những khoảng thời gian nhất định…”, ông Tuyên chia sẻ. Trong khi đó, ông Lê Tấn Thanh Tùng (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam – VITOURS) nhìn nhận sự liên kết giữa nhà trường với DN, giữa DN với cơ quan quản lý nhà nước, giữa nhà trường với cơ quan quản lý nhà nước và nhất là sự liên kết giữa ba bên kể trên chưa nhiều, chưa thực tế, và chưa hiệu quả. Bên cạnh đó chưa có sự phối hợp giữa các trường với nhau trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo, tận dụng lợi thế của nhau. Nhiều trường mở mã ngành trùng nhau, mã ngành xã hội cần thì bỏ trống…

Quy mô đào tạo gần 70 ngàn người học

Hiện Đà Nẵng có 66 cơ sở GDNN, trong đó có 21 trường CĐ, 6 trường TC, 12 trung tâm GDNN và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN, quy mô đào tạo gần 70 ngàn người học ở 298 ngành nghề với các cấp độ đào tạo khác nhau. Năm học 2016-2017, có 35/66 cơ sở GDNN có báo cáo phối hợp với DN. Kết quả, đã phối hợp với 596 lượt DN tham gia tiếp nhận hơn 8.500 HS-SV vào thực tập tại DN, tiếp nhận 4.350 HS-SV vào làm việc. Ngoài ra, các cơ sở GDNN còn phối hợp với DN đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 5.116 lượt lao động. 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất những giải pháp tạo sự gắn kết để đảm bảo chất lượng và đầu ra cho HS-SV. Theo đó, cần xây dựng và ban hành các chế độ, chính sách và cơ chế phối hợp giữa DN với cơ sở GDNN trong công tác đào tạo, tuyển dụng, tiếp nhận HS-SV tham gia vào quá trình sản xuất tại DN; tư vấn xây dựng chương trình, giáo trình và đầu tư trang thiết bị đào tạo; trao đổi thông tin giữa nhà trường và DN về nhu cầu lao động, chất lượng đào tạo.

Ông Tùng cho rằng, bên cạnh kéo dài thời gian thực tập cho HS-SV, nâng cao trình độ HS-SV thông qua nội dung nhiều thực hành và tạo điều kiện cho DN tham gia giảng dạy phần thực hành thì về phía cơ quan quản lý nhà nước cần cầm chịch làm đầu mối cho việc kết nối giữa các trường với nhau, giữa nhà trường và DN. Ông Võ Tâm (Giám đốc Trung tâm đối ngoại, Trường CĐ GTVT Trung ương 5) thì cho rằng các sơ sở GDNN nên đào tạo theo đơn đặt hàng, cho DN tham gia vào quá trình đào tạo để thúc đẩy sự đồng hành của DN với nhà trường trong đào tạo, tuyển dụng.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)