Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Liên kết chống tăng giá tùy tiện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đến thời điểm này, cuộc chiến giữa nhà cung cấp và hệ thống siêu thị Big C vẫn chưa ngã ngũ. Đại diện hệ thống Big C cho biết bộ phận thu mua của siêu thị vẫn đang tiến hành đàm phán với từng nhà cung cấp để đi đến một mức giá hợp lý. 

Trong khi đó, bước vào tháng 5 các siêu thị tiếp tục nhận những thông báo tăng giá mới với mức tăng từ 5-20%.

Siêu thị “ngăn” tăng giá

Ngày 4/5, một số quầy hàng trong các siêu thị Big C vẫn còn bị bỏ trống do hết hàng hoặc tạm ngưng bán sản phẩm, chủ yếu rơi vào một số nhóm sản phẩm như sữa, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, đồ dùng chăm sóc cá nhân… Trước đó, Big C có thông báo về tình trạng thiếu hàng ở một số nhóm sản phẩm và đề nghị khách hàng thông cảm với lý do: nhà cung cấp ngừng giao hàng do siêu thị từ chối yêu cầu tăng giá. Theo đại diện Big C, đây là sự cố không mong muốn, siêu thị khi quyết định đưa bảng thông báo lên cũng chỉ nhằm giải thích rõ hơn với khách hàng, tránh hiểu nhầm.

Trên kệ trưng bày của siêu thị Big C ở TP.HCM hiện vẫn còn nhiều ô trống – Ảnh: T.T.D.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân – Phó giám đốc SaiGon Co.op, năm 2009 hệ thống Co.opMart từng từ chối yêu cầu tăng giá của một nhà cung cấp sữa bột. Ngay sau đó siêu thị đã làm việc với nhiều nhà cung cấp mặt hàng sữa khác, cuối cùng đạt được cam kết tham gia bình ổn giá sữa, thậm chí có hãng sữa cam kết mạnh mẽ không tăng giá đến hết năm. “Nhà bán lẻ luôn xem nhà cung cấp là đối tác đồng hành, vì vậy các đợt tăng giá cần được đàm phán giữa hai bên để cùng đưa ra mức giá mới cũng như thời điểm tăng giá hợp lý” – ông Nhân nói.
Kinh doanh ngành bán lẻ lâu năm, ông Ngô Văn Hải – Phó tổng giám đốc hệ thống Citimart – nói từ trước đến nay, việc thanh lý hợp đồng giữa nhà sản xuất và siêu thị vẫn hay xảy ra khi hai bên không thuận mua vừa bán. Nhà cung cấp có thể ngừng giao hàng vì lý do khách quan như hàng nhập khẩu chưa về kịp hay có trục trặc trong dây chuyền sản xuất, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp nhà cung cấp ngừng giao hàng do siêu thị từ chối yêu cầu tăng giá được cho là không hợp lý.
Theo các siêu thị, từ đầu năm đến nay có không ít nhà cung cấp đã lợi dụng tình trạng “té nước theo mưa” để điều chỉnh tăng giá. Có những mặt hàng hoàn toàn có thể kìm được nhưng thay vì chia sẻ khó khăn, nhiều nhà sản xuất vẫn cố tăng giá để tăng lợi nhuận. Vì vậy, phản ứng từ chối tăng giá là nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh sức mua tại các siêu thị cũng bị ảnh hưởng vì biến động giá cả.
Lý của nhà sản xuất
Giám đốc một công ty hiện đang cung cấp hàng hóa cho các siêu thị chia sẻ trong thời buổi khó khăn, nhà sản xuất cũng hiểu việc tăng giá là tự giết mình nhưng với giá nguyên liệu đầu vào, tỉ giá, lãi suất cao hiện nay nếu không tăng giá doanh nghiệp sẽ lỗ.
“Tâm lý nhà sản xuất nào mà chẳng mong bán được hàng, nhưng trong nhiều trường hợp doanh số bán hàng không bù đắp nổi chi phí kèm theo” – ông cho biết. Việc ngừng cung cấp hàng cho một siêu thị đôi lúc không đơn giản là bất đồng về giá bán hàng hóa mà còn liên quan đến các nội dung đàm phán kèm theo như chi phí, chiết khấu…
Nhiều siêu thị để thực hiện chính sách giá tốt lại luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải cùng tham gia đóng góp như các chi phí quảng cáo, in catalogue, khai trương siêu thị mới, sinh nhật mỗi siêu thị, các chương trình lễ hội, chiết khấu… Và các chi phí này tăng vùn vụt không ngừng theo từng hợp đồng và qua mỗi năm.
Ví dụ chi phí hỗ trợ sinh nhật của một siêu thị doanh nghiệp phải tham gia lên đến 10 triệu đồng và con số này luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Nếu tính trung bình mỗi siêu thị có từ 4.500-5.000 nhà cung cấp thì xem như nhà bán lẻ không phải chi quá nhiều kinh phí tổ chức các chương trình khuyến mãi. “Siêu thị được tiếng giá rẻ cho người tiêu dùng nhưng nhà cung cấp sản phẩm lại không có lời” – ông này cho biết.
Khó khăn cần chia sẻ
Chia sẻ giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn, sự chia sẻ giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ trên cơ sở cùng hướng tới quyền lợi của người tiêu dùng luôn đáng khích lệ. Nhà bán lẻ có thể hỗ trợ giảm chiết khấu, ứng tiền, đặt hàng trước để nhà sản xuất yên tâm. Ngược lại nhà cung cấp cố gắng hạn chế tăng giá, nếu không thể tránh khỏi tăng giá thì hỗ trợ thực hiện khuyến mãi, tặng quà cho người tiêu dùng.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống Big C, cho biết với vai trò của một nhà bán lẻ, Big C không thể quyết định việc tăng hay giảm giá hàng hóa. Trong điều kiện hiện nay, siêu thị cũng hiểu doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh tăng giá bán khi không thể gồng gánh hơn được nữa nên nơi này vẫn đang tiếp tục đàm phán với từng nhà cung cấp để đạt được một thỏa thuận hài hòa giữa hai bên.

Khi nhà sản xuất tăng giá thì phải đảm bảo mức giá bán ra bằng nhau, trong trường hợp nhà bán lẻ nếu nhận thấy các nhà cung cấp yêu cầu tăng giá vô lý thì phản ứng từ chối là chính đáng.

“Nhưng tiếng nói của một siêu thị sẽ chưa thật sự đủ mạnh để gây áp lực cho nhà sản xuất. Bởi không bán được ở siêu thị này, nhà cung cấp vẫn có thể đưa hàng vào những siêu thị hoặc kênh bán hàng khác. Cần có một tổ chức đứng ra liên kết tạo nên tiếng nói có trọng lượng hơn, ví dụ như hiệp hội các siêu thị hoặc nhà bán lẻ” – ông Ngô Văn Hải cho biết.

Nguồn TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)