Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Liên kết chuỗi sản xuất nông sản – Nhu cầu bức thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Đến giữa tháng 9-2012, nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL biến động thất thường. Trong khi giá lúa, giá tôm sú tăng vọt do khan hiếm nguồn cung thì mía nguyên liệu, khoai lang, cá tra rơi vào cảnh khốn đốn do giá cả bấp bênh. Sự thăng trầm của hàng nông sản ĐBSCL có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Giá cả nông sản tăng giảm thất thường

Đầu vụ mía 2012-2013, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã cùng các nhà máy đường khu vực ĐBSCL cam kết mua mía nguyên liệu với giá 1.000 đồng/kg, mía 10 CCS tại ruộng. Tuy nhiên, sau khi một số nhà máy đường ở Hậu Giang đi vào hoạt động, rồi tạm ngưng và nay lại hoạt động, giá mía giảm nhanh. Giá bán tại ruộng chỉ tương đương với giá thành sản xuất, nông dân trồng mía ở Phụng Hiệp “méo mặt”! Hiện giá mía được thương lái thu mua chỉ còn 750-800 đồng/kg, giảm 50-100 đồng/kg, riêng giống ROC 16 cao hơn, bán được 900 đồng/kg. Với mức giá bán này đã thấp hơn 200 đồng/kg so với đầu vụ, thấp hơn giá thành mà ngành nông nghiệp và Hiệp hội Mía đường đưa ra. Đầu ra của đường cát do các nhà máy sản xuất đang gặp khó khăn do chịu nhiều sức ép từ đường nhập lậu và đường nhập khẩu.

Do thiếu liên kết, nông dân luôn là những người thiệt thòi nhiều nhất.

Trong khi đó, giá khoai lang vẫn bấp bênh sau thời gian nông dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) ồ ạt gia tăng diện tích. “Thách thức của người trồng khoai lang ở Bình Tân là đầu ra bấp bênh, hoàn toàn lệ thuộc vào đầu mối nước ngoài, không ràng buộc pháp lý trong giao dịch mua bán” là nhận định khá chua xót của các nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ. Còn chuyện đầu ra con cá tra càng buồn hơn. Dù Việt Nam gần như độc chiếm thị trường phân phối các sản phẩm chế biến từ cá tra trên thế giới, nhưng mặt hàng này vẫn bị chèn ép giá từ các nhà nhập khẩu. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thích “đấu đá bán phá giá” tự làm khó nhau.

Cách đây gần 2 tháng, giá lúa hè thu ở ngưỡng 5.000 đồng/kg, dù Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được Chính phủ giao mua tạm trữ nhưng giá vẫn không tăng. Khi VFA mua hoàn thành chỉ tiêu tạm trữ, giá lúa lại nhảy lên 6.000 đồng/kg. Điều trớ trêu là nông dân không còn lúa để bán. Việc tạm trữ lúa gần như nông dân không được hưởng lợi gì. Trái lại gần như VFA “trúng đậm” khi vừa được hỗ trợ lãi suất vừa gom được nguồn nguyên liệu giá thấp! Trong khi đó, giá tôm sú tăng vọt nhưng đây là cuối vụ, nhiều nông dân không còn tôm để bán. Giá tôm sú tăng do cuối vụ hết hàng chứ không phải từ sự gắn kết mua bán bài bản giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến. Thiếu liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ dẫn đến ùn ứ hàng nông sản, rớt giá triền miên. Câu chuyện nông dân trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản nghịch mùa bán được giá là một cách đối phó khi chuỗi liên kết này chưa hình thành hoặc có cũng chỉ là “liên kết miệng”. Nhưng rồi chuyện nuôi, trồng “nghịch vụ” được nhiều người áp dụng lại hóa ra “thuận vụ”, hàng nông sản lại rơi vào cảnh ứ hàng, dội chợ, rớt giá!

Mô hình mới cần nhân rộng

Theo Bộ NN-PTNT, hình thức liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản lâu nay được thực hiện chủ yếu ở một số ngành do đặc tính sản phẩm đòi hỏi có sự liên kết chặt như ngành mía đường, bông, sữa… Đáng chú ý, đối với doanh nghiệp có thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản thì chưa tôn trọng thỏa đáng lợi ích của nông dân, không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết, đơn phương phá bỏ hợp đồng (tình trạng này diễn ra trên mặt hàng cá tra, lúa, mía). Thậm chí nhiều doanh nghiệp lạm dụng thế độc quyền hoặc lợi thế trong mối liên kết để ép giá trong thu mua nông sản.

Có thể nói chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay là rất mong manh. Đây là hệ lụy của kiểu làm ăn “ăn xổi ở thì”, mua bán cắt khúc không gắn lợi ích giữa người sản xuất và các nhà chế biến, phân phối; nông dân luôn là đối tượng dễ bị tổn thương, chỉ một nhóm kinh doanh được hưởng lợi. Chuyện đường cát giảm giá bán mạnh ở các kho của doanh nghiệp, nhưng giá bán ngoài chợ vẫn cao. Tương tự, heo hơi có lúc rớt giá thê thảm nhưng giá bán ở các chợ vẫn cao. Đây cũng là nguyên nhân do chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

Nhiều loại trái cây phải cho trái nghịch vụ mới hy vọng bán được giá

Gần đây, tỉnh An Giang đã tiên phong tạo ra nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể là An Giang “Xây dựng thí điểm chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu trên địa bàn tỉnh” bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Theo Sở Công thương An Giang, kết quả triển khai chương trình liên kết hợp tác với Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec) thực hiện đề án xây dựng thí điểm chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu đối với cây đậu bắp (giống Nhật) rất khả thi, có thể nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu thí điểm tại xã Bình Thủy (Châu Phú) với sản phẩm cây đậu bắp, quy mô 16 ha. Sau thời gian triển khai cho thấy, cây đậu bắp phù hợp điều kiện đất đai, sản xuất, kinh nghiệm, giảm chi phí đầu tư cho nông dân. Hiệu quả kinh tế cây đậu bắp vụ hè thu năm 2012 đạt lợi nhuận 3,830 triệu đồng/1.000m², mè đen lợi nhuận 2,550 triệu đồng/1.000m².

Như vậy, bình quân mỗi ha đạt lợi nhuận ròng từ 25 triệu đồng đến 38,3 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Mới đây, UBND tỉnh An Giang đã làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cùng 7 doanh nghiệp trực thuộc để trao đổi, liên kết, mở rộng thêm một số sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất của An Giang và đang có nhu cầu xuất khẩu. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Thế Năng đánh giá cao thiện chí của Satra hướng đến mục tiêu liên kết sản xuất cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra các loại rau màu, các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hiện nay trở nên cấp bách. Trong bối cảnh thị trường còn chịu nhiều tác động như kiểu “ăn cá kèo, điêu hồng… bị bệnh…”. Việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ không chỉ giảm các tầng nấc trung gian mà còn là “giấy xác nhận” an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo Bộ NN-PTNT, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng của năm 2013; tiến tới năm 2014 phải đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm sản xuất theo hợp đồng. Giải pháp để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp là chính sách hỗ trợ các đối tác tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, hình thành vùng hành hóa chuyên canh gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

CAO PHONG (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)