Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Liên kết “cứu” cá tra

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, có rất nhiều hội nghị bàn giải pháp “cứu” ngành công nghiệp cá tra, tuy nhiên đến nay mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Và thực tế buồn là giá cá tra vẫn tiếp tục lao dốc, chỉ còn 19.000 – 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Trong lúc ngành chức năng còn đang lúng túng, một số hộ nuôi cá tra quy mô lớn đã tự “giải thoát” bằng mô hình nuôi gia công cho các nhà máy. Đây là cách làm mới, đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và người nuôi.

Hiệu quả bước đầu

Trong lúc nhiều hộ nuôi cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang… kêu gào vì chuyện “càng nuôi, càng lỗ” khiến nợ chất chồng, một số hộ ở cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) vẫn hả hê bỏ túi lợi nhuận bất chấp giá cá đang giảm mạnh. Đưa chúng tôi ra thăm 5 hầm cá rộng hơn 3ha mặt nước nằm cạnh sông Hậu, ông Chương Văn Khanh, một trong những “đại gia” nuôi cá ở cù lao Tân Lộc, bật mí “vừa xuất hầm cá khoảng 340 tấn, thu lời gần 400 triệu đồng”.

Thu hoạch cá tra ở Đồng Tháp.

Để đạt lợi nhuận trong thời buổi nghề cá lâm vào khủng hoảng, ông Khanh đã đột phá tìm hướng đi mới. Ông cho biết, những năm giá cá tra còn hưng thịnh, ông xuất hầm 2.000 – 3.000 tấn/năm. Từ năm 2008 đến nay, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục, nhưng giá cá lại giảm mạnh dưới giá thành, đẩy hàng loạt hộ nuôi cá rơi vào cảnh khốn đốn. Trong thế khó đó, ông Khanh là một trong những hộ nuôi lớn ở cù lao Tân Lộc chủ động liên kết với doanh nghiệp theo phương thức nuôi gia công.

Đầu tiên, ông chứng minh cho doanh nghiệp thấy mình có đất đai nằm ở vị trí thuận lợi, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi cá; nhưng do giá thức ăn tăng cao và các đại lý không bán thiếu, bán gối đầu như trước đây nên người nuôi không đủ vốn để nuôi. Phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có vốn, có thị trường, nhưng thiếu nguồn cá nguyên liệu chất lượng cao. Vì vậy, 2 bên hợp tác trên tinh thần cùng có lợi.

Theo đó, doanh nghiệp đầu tư 1,55kg thức ăn và 4.600 đồng, ông Khanh sẽ giao lại 1kg cá tra nguyên liệu đạt chất lượng. Toàn bộ quy trình chăm sóc, con giống… ông Khanh tự lo, miễn tới kỳ thu hoạch giao đúng sản lượng cá tra thành phẩm theo hợp đồng đã ký. “Cái lợi của mô hình nuôi cá tra gia công là người nuôi được doanh nghiệp đầu tư vốn và đảm bảo đầu ra, bất kể giá cá tăng hay giảm. Vấn đề là nuôi đạt yêu cầu, ít hao hụt, sẽ có lời 500 – 1.000 đồng/kg, mức lời không quá cao nhưng sống được” – ông Khanh nói. Mấy năm qua, thị trường cá tra đảo lộn khiến nhiều hộ nuôi rơi rụng, song ông Khanh vẫn phát triển đều đặn nhờ nuôi gia công hơn 1.000 tấn/năm.

Cũng ở cù lao Tân Lộc, ông Chương Thành Sang quyết tâm theo đuổi nghề cá tra bằng mô hình nuôi gia công. Ông Sang nhìn nhận, mối lo lớn nhất của người nuôi cá là thiếu vốn và tới kỳ thu hoạch không biết bán cho ai. Nuôi gia công giải quyết được vấn đề trên, nên người nuôi an tâm đầu tư phát triển.

Cần chia sẻ lợi nhuận

Sở NN-PTNT các tỉnh thành ĐBSCL cho rằng, ngành công nghiệp cá tra thời gian qua có nhiều thay đổi. Nếu như lúc đầu, người dân tự đào ao nuôi cá và cung ứng gần như 100% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề trục trặc nảy sinh bởi mối quan hệ giữa người nuôi và doanh nghiệp không mấy êm xuôi. Cụ thể, khi thiếu cá – giá tăng, người nuôi ẹo; ngược lại lúc thừa cá – giá giảm, doanh nghiệp ép người nuôi.

Để chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy, giảm bớt lệ thuộc vào người nuôi bên ngoài, những năm qua nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đã ùn ùn đầu tư xây dựng vùng nuôi cá tra nguyên liệu, có nhà máy chủ động từ 50% – 70%; thậm chí 100% nguồn cá nguyên liệu. Thoạt đầu, cứ ngỡ doanh nghiệp có vùng nguyên liệu “sẽ thắng”, nhưng thực tế hiện nay không như mong muốn. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng, nhìn nhận: “Lúc này, doanh nghiệp nào có vùng nuôi cá nguyên liệu càng nhiều, càng khó, bởi giá cá sụt dưới giá thành. Trong khi các doanh nghiệp ít đầu tư vùng nuôi lại sống khỏe hơn. Đây là điều bất hợp lý”.

Song, ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho rằng nhiều doanh nghiệp “ôm” vùng nuôi đang khốn khổ bởi họ lấy vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn là không phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nuôi diện tích quá nhiều nên không kiểm soát được vùng nuôi, tỷ lệ hao hụt cao, thất thoát trong quản lý, công nhân thiếu trông coi (do nuôi cho công ty)… dẫn đến hiệu quả không cao. Đây cũng là bài học cần rút kinh nghiệm do một số doanh nghiệp muốn thâu tóm toàn bộ từ nghề nuôi đến chế biến, xuất khẩu cá tra.

Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc DNTN Cỏ May, cho rằng cá tra Việt Nam “một mình một chợ” trên thế giới, không ai cạnh tranh nhưng cứ mãi lận đận cũng bởi tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết. Để vực dậy ngành công nghiệp cá tra, vấn đề liên kết trên tinh thần đồng thuận cùng chia sẻ lợi nhuận giữa các bên tham gia như người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng thức ăn, ngân hàng… là rất cần thiết. Và mô hình nuôi gia công là hướng đi phù hợp, hiệu quả cao; đảm bảo cho doanh nghiệp – người nuôi – nhà cung ứng thức ăn có lời, và ngân hàng cho vay vốn cũng đúng địa chỉ. Ngành chức năng cũng thuận lợi trong quản lý vùng nuôi, diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch…

Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã đến lúc ngành công nghiệp cá tra phải mạnh dạn làm mới để theo kịp tình hình mới. Trong đó, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ là vấn đề sống còn. Để nhân rộng mô hình liên kết, không thể hô hào khẩu hiệu một chiều, mà ngành chức năng và chính quyền địa phương cần chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất mới để thu hút doanh nghiệp, người nuôi… cùng tham gia.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng, đề xuất cần làm ngay và làm quyết liệt, mô hình liên kết mới thành công. Ở đó, nhà nước phải đóng vai trò “chủ xị” trong quy hoạch, định hướng, điều hành, cân phân quyền lợi hài hòa giữa các bên để cùng phát triển…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo Bộ NN-PTNT khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về sản xuất, tiêu thụ cá tra theo hướng hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, tăng cường gắn kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Giao cho Hiệp hội Cá tra Việt Nam và VASEP đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên và các hộ nông dân về đặt hàng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đề xuất chính sách xây dựng thương hiệu cá tra để mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị…

HUỲNH LỢI – NGUYỄN THANH

(SGGP)

Bình luận (0)