Sự kiện giáo dụcTin tức

Liên kết đào tạo: Các trường thi nhau làm “bậy”

Tạp Chí Giáo Dục

Thi vào đại học theo hình thức liên kết đào tạo tại Hà Nội

Có thể nói, đào tạo liên kết, liên thông chưa bao giờ “nở rộ” như hiện nay trong giáo dục nghề nghiệp. Ở một khía cạnh nào đó, đây chính là “cần câu cơm” của các trường ĐH tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và cũng là cơ hội “kiếm tiền” của các trường CĐ, TCCN, trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) của các địa phương. Chính vì vậy, liên kết đào tạo khó kiểm soát và các trường thi nhau làm “bậy”.
Đụng đâu sai đó
Chỉ sau 1 năm có quyết định của Bộ GD-ĐT ban hành quy định liên kết đào tạo trình độ TCCN, CĐ, ĐH, nhưng số lượng các trường thực hiện đã tăng lên khủng khiếp. Theo khảo sát của thanh tra Bộ GD-ĐT, hầu hết các trường ĐH đều có hoạt động liên kết đào tạo. Riêng Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ liên kết với 14 đơn vị hiện đang đào tạo 75 lớp, quy mô gần 10.000 học viên. Tuy nhiên, thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, một số trường triển khai liên kết với quy mô khá lớn cả ngành mới được phép đào tạo như ngành kế toán của ĐH Nha Trang. Cơ sở vật chất của nhiều đơn vị phối hợp đào tạo chưa đảm bảo điều kiện mở lớp liên kết. Hiện tượng không có phòng thực tập, không có thư viện, phòng thực hành diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, tại TTGDTX tỉnh Long An với quy mô đào tạo 34 lớp, tổng số 3.842 sinh viên nhưng chỉ có 2 phòng học cấp 4, 3 hội trường 120 chỗ, 3 phòng 150 chỗ và 10 máy vi tính.
Việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu cũng diễn ra khá phổ biến. ĐH Kinh tế quốc dân liên kết với Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật và Tại chức Ninh Bình tuyển 205/80 chỉ tiêu của lớp cử nhân tài chính kế toán. ĐH Đà Lạt liên kết với TTGDTX An Giang tuyển 191/150 chỉ tiêu lớp Luật K29. ĐH Nha Trang liên kết với Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ tuyển 264/150 chỉ tiêu của lớp kế toán doanh nghiệp 07. Một số trường còn không ra quyết định công nhận trúng tuyển hoặc chỉ lập danh sách trúng tuyển có phê duyệt của thủ trưởng đơn vị và có bổ sung người học nhưng không có quyết định trúng tuyển bổ sung. Bên cạnh đó, công tác quản lý đào tạo cũng được các trường “chủ” buông lỏng cho các đơn vị liên kết. ĐH Công đoàn, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Văn hóa, ĐH Ngoại thương, ĐH Nông nghiệp… không lập hoặc không lưu giữ sổ theo dõi lên lớp của các lớp liên kết. Có trường còn giao cho các đơn vị liên kết, tự mời giảng viên do trường thiếu giảng viên. Đáng nói hơn, học viên học các chương trình liên kết thường được học không hết môn. Đa phần các lớp đều tổ chức học cuốn chiếu với cường độ 8 – 10 tiết/ngày, có nơi lên đến 12 – 15 tiết/ngày. Lớp ĐH Mầm non 1 của ĐH Sư phạm TP.HCM liên kết với TTGDTX tỉnh Tiền Giang có môn triết học 60 tiết dạy trong 5 ngày. Môn tin 60 tiết của ĐH Kinh tế TP.HCM liên kết với TTGDTX tỉnh Long An được dạy trong 3,5 ngày. Các lớp liên kết của ĐH Đà Lạt, ĐH Ngoại thương chủ yếu được tổ chức dạy vào buổi tối từ 18 – 21 giờ nhưng được tính 5 tiết/ngày. Đó còn chưa kể giảng viên dạy xong tổ chức thi luôn.
Với thực trạng như hiện nay, dư luận không khỏi băn khoăn trước chất lượng các lớp đào tạo liên kết. Liệu đây có phải là những lớp học chỉ để “thay màu bằng cấp” đối với người học và thu tiền đối với các cơ sở giảng dạy?
Biện pháp chưa đủ mạnh?
Qua kiểm tra, thanh tra, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các đơn vị yêu cầu chấn chỉnh các sai phạm, yếu kém. ĐH Kinh tế quốc dân đã có biện pháp chấn chỉnh công tác liên kết đào tạo như đã kiên quyết chấm dứt liên kết đào tạo với các đối tác không đủ điều kiện để liên kết. Về phía Bộ GD-ĐT, đối với những trường hợp sai phạm nghiêm trọng không đảm bảo điều kiện về đội ngũ nhà giáo hoặc buông lỏng quản lý đào tạo, Bộ đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu dừng tuyển sinh đối với một số ngành nghề để củng cố như ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương… Mặc dù vậy, những giải pháp này chưa đủ mạnh để “trị bệnh làm bừa” của các cơ sở liên kết đào tạo. Bởi cũng những giải pháp này, đối với đào tạo chính quy còn không “chữa” được thì đối với liên kết đào tạo sẽ rất khó. Thiết nghĩ, trước khi các trường cũng như các cấp có thẩm quyền cấp phép đào tạo liên kết cần có sự thẩm tra rõ ràng các cơ sở được liên kết. Nếu không, tình trạng “đã rồi” sẽ vẫn xảy ra và Bộ GD-ĐT chỉ là người đi sau để giải quyết, khắc phục hậu quả.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)