Cả trường nghề và doanh nghiệp (DN) đều thừa nhận, quyền lợi giữa các bên trong hợp tác đào tạo chưa đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến những cam kết liên kết còn “ngắn ngày”.
Sinh viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM tham quan xưởng sản xuất của một doanh nghiệp
Câu chuyện liên kết đào tạo không phải là mới, nhiều trường đã làm tốt mô hình này, mang lại hiệu quả cao, song vẫn có không ít trường khẳng định là rất “chua”. Đó là chưa kể liên kết có bền vững, lâu dài hay không? Thời gian qua, bên cạnh một số DN liên kết đào tạo với trường nghề để chủ động được nguồn nhân lực mà không phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại vẫn còn không ít DN thà chấp nhận tuyển dụng rồi đào tạo lại, vì sao?
Chưa tìm được tiếng nói chung
Ông Trần Thiên Long (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM) cho rằng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không thể thiếu vai trò của DN. Theo đó, DN cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, góp ý, chỉnh sửa chương trình sẵn có hoặc chương trình chuyển giao phù hợp với thực tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều DN chưa chủ động liên kết với trường nghề vì nhiều lý do, trong đó có lý do không đảm bảo về bí mật công nghệ, tài chính… Thực tế này cũng được ông Ngô Trần Hải (đại diện Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Tiên Phong, Đồng Nai) đề cập. Theo ông Hải, vấn đề mà các công ty chuyên về công nghệ mới quan tâm nhất hiện nay là bí mật công nghệ. “Chúng tôi không thể làm một biên bản cam kết, rằng khi người học đến thực hành, thực tập phải thế này, phải thế kia, bởi điều này còn phụ thuộc lớn vào ý thức của người học. Mặc dù đã có nội quy, quy định về thực hành tại xưởng, song rất nhiều người học vi phạm. Liệu chúng tôi có quyền cho phép các em đó tiếp tục thực tập hay phải trả lại cho trường? Chúng tôi rất khó xử”, ông Hải giải thích lý do không chủ động liên kết đào tạo với trường nghề. Cũng theo ông Hải, thực tế nhiều trường liên kết đào tạo với DN rất hiệu quả, là mô hình đáng học tập nhưng cũng không ít trường hợp tác chưa thật sự có chiều sâu. Chiều sâu theo ông Hải là DN phải cùng nhà trường ngồi lại làm công tác dự báo nhân lực, xu hướng ngành nghề, kế đến là tham gia xây dựng chương trình đào tạo, trực tiếp đào tạo, đánh giá đầu ra và cuối cùng là tuyển dụng người học. Nhiều DN chỉ mới dừng lại ở việc tạo điều kiện cho người dạy, người học đến thực hành, thực tế, việc tuyển dụng thì còn hạn chế theo kiểu “việc làm có hay không còn tùy thuộc vào năng lực thực tế”. Theo ông Hải, sản phẩm chính mình nhào nặn ra mà mình “chối bỏ”, đồng nghĩa với việc thiếu trách nhiệm trong đào tạo, thiếu tinh thần hợp tác.
Trong khi đó, nhiều DN cho rằng rất muốn chung tay cùng với trường nghề, tạo điều kiện cho người học thực hành, thực tập nhưng ngại nhiều phiền toái. Bà Lê Thị Thanh Loan (Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty TNHH MTV Cơ khí điện Nam Thành) lý giải: “Công ty chỉ có 4 người ở vị trí kỹ thuật viên chính có trình độ ĐH-CĐ, còn lại là lao động trình độ TC. Để hướng dẫn thực tập, thực hành thì chỉ có kỹ thuật viên chính mới đủ năng lực nhưng lại vướng không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm như yêu cầu. Như vậy, để tham gia đào tạo với trường nghề, đội ngũ này phải đi học, ai sẽ trả chi phí này? Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề với trường nghề nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Thêm nữa, chi phí cho người hướng dẫn được tính ra sao, không thể để công ty trả lương, trong khi đội ngũ của mình lại đi làm một công việc khác cho trường”.
Doanh nghiệp làm khó?
Đại diện một trường nghề tỏ ra không mấy hài lòng vì sự đòi hỏi chi phí quá cao từ DN: Khi chúng tôi đặt vấn đề liên kết đào tạo trên cơ sở trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia sẵn có của DN để người học có môi trường thực hành chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi thất vọng là phía DN đòi chi phí quá lớn trong khi học phí thu theo quy định là rất thấp, trường khó đáp ứng. “Chúng tôi đồng ý việc liên kết thật sự thành công khi quyền lợi của DN được đảm bảo nhưng quyền lợi đó phải phụ thuộc vào tình hình, điều kiện thực tế. Phía trường nghề không thể thu thêm khoản nào ngoài học phí, nếu có người học sẽ bỏ trường nghề mà đi. Thậm chí, khi xây dựng chương trình đào tạo bám sát thực tế của DN, các chuyên gia của DN đưa ra mức phí quá cao khiến chúng tôi phải… rút lui”, vị đại diện này nói. Từ những khó khăn trên, ông Trần Thiên Long đề xuất Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cần thí điểm ở một số địa phương trong thực hiện ký kết hợp tác đào tạo với DN. Theo đó, bên cạnh sự nỗ lực của các trường, tự tìm kiếm đối tác hợp tác thì cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp phải là đầu tàu thực hiện, hỗ trợ các trường về mặt thủ tục, giới thiệu DN uy tín cho trường nghề.
“Sự tham gia của DN trong đào tạo nghề là cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng nghề cũng như góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cạnh tranh lao động quốc gia”, TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết. |
TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết sự tham gia của DN trong đào tạo nghề là cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao kỹ năng nghề cũng như góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cạnh tranh lao động quốc gia. Thời gian qua, trong số gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo đã được xây dựng có sự tham gia của DN. “Lãnh đạo DN là những người hiểu hơn ai hết những yêu cầu về công việc, tiêu chuẩn đào tạo, kỹ năng của từng ngành nghề ra sao. Có như vậy mới đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng, tham gia ngay vào thị trường lao động”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng khuyến khích thành lập Hội đồng kỹ năng nghề ở các trường, cụm trường. Hội đồng này có chức năng xác định các yêu cầu về vị trí việc làm, đòi hỏi kỹ năng cần có của nguời lao động, từ đó xây dựng chương trình đào tạo bám sát yêu cầu đề ra. Ngoài ra, hội đồng này cũng trực tiếp đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉnh sửa chương trình đáp ứng yêu cầu đổi mới và đánh giá đầu ra…
Trọng Tri
Bình luận (0)