Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Liên kết đào tạo nghề với nước ngoài: Nguồn lao động “vàng” doanh nghiệp cần

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những năm gần đây, các chương trình liên kết đào tạo nghề với nước ngoài được nhiều trường CĐ-TC quan tâm, số lượng học sinh – sinh viên đăng ký học ngày càng tăng…

Học sinh Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương thực tập nghề hàn

Cơ hội tốt cho người học

Mới đây, tập đoàn Vicky và tập đoàn đào tạo Avestos (Đức) đã ký kết hợp tác đào tạo nghề miễn phí và thực tập hưởng lương tại Đức. Các ngành nghề đào tạo gồm nhà hàng – khách sạn, hàn, cơ khí, điện, điện tử, y tá – điều dưỡng… Với chương trình hợp tác này, Đức cam kết du học sinh Việt Nam có việc làm sau khi tốt nghiệp tại nước này, từ 3 năm trở lên được hưởng lương và các chế độ như lao động người Đức. Theo đó, lương thực hành nghề theo ngành học trong thời gian đào tạo từ 650-1.200 Eur/tháng và lương sau 3 năm làm việc từ 1.900-2.500 Eur/tháng.

Ông Lưu Quốc Phong (chuyên viên tư vấn du học Hàn Quốc) cho biết thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ chọn Hàn Quốc để du học cũng như tham gia chương trình liên kết với các nghề thế mạnh như điện, điện tử, điện lạnh… là vì chương trình phù hợp, thời gian học chỉ từ 2-3 năm. Một ưu điểm nữa là tại quốc gia này, du học sinh có thể làm thêm để trang trải chi phí học tập và được phía Hàn Quốc tạo điều kiện. Đề cập đến chương trình đào tạo, ông Phong khẳng định thời gian học của sinh viên chủ yếu dành cho thực hành, các kỹ năng được lồng ghép ngay tại xưởng. Đội ngũ hướng dẫn thực hành còn có những người đang nắm giữ vị trí quan trọng trong các nhà máy, tập đoàn lớn của Hàn Quốc.

Tương tự, bà Trần Thị Minh Trang (Trưởng phòng Thị trường và Quản lý lao động thuộc Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam – Hiteco) cho rằng Hàn Quốc là một quốc gia đang phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao. Nếu đã học nghề tại Việt Nam, con đường du học nghề hoặc học chương trình nâng cao chính là cơ hội để các bạn trẻ rèn luyện và nâng cao tay nghề, dễ dàng tìm cho mình một vị trí việc làm có thu nhập cao, có cơ hội thăng tiến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hoài (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) phân tích: “Để giáo dục nghề nghiệp phát triển cả về chất lẫn về lượng, các trường phải tranh thủ các chương trình liên kết. Trong đó tập trung liên kết 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP và nhóm ngành dịch vụ tự do dịch chuyển trong Cộng đồng kinh tế ASEAN”.

Thay đổi cái nhìn về học nghề

Vừa qua, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama II và Công ty WBS Training AG đã ký kết hợp tác đào tạo và xuất khẩu lao động sang Đức. Theo đó, trường sẽ tuyển 50 sinh viên các ngành cơ điện tử, cắt gọt kim loại CNC, công nghệ hàn, chế tạo kim loại và điện, điện tử công nghiệp. Các sinh viên sẽ được đào tạo tiếng Đức với thời lượng 700 giờ trước khi sang Đức. Ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama II) khẳng định đây là dự án thí điểm nhằm giúp sinh viên nhận thức được rằng không chỉ học tại trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam mà còn theo tiêu chuẩn quốc tế và được Đức thừa nhận. Mục tiêu lớn nhất của dự án là tạo tiền đề để thu hút người học nghề, cung cấp nguồn nhân lực cho Việt Nam cũng như thị trường lao động khu vực và quốc tế. “Dự án cũng không ngoài mục đích làm thay đổi nhận thức xã hội về học nghề, đồng thời qua đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng mạnh dạn tham gia các chương trình liên kết, tranh thủ nguồn lực trong và ngoài nước”, ông Cường nói.

Làm sao tránh cú sốc về văn hóa?

Trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Nguyễn An Ninh (TP.HCM), vấn đề du học đã được các bậc phụ huynh và đông đảo học sinh quan tâm. Trước những thắc mắc về lĩnh vực này, ông Trần Chí Cường (Trưởng phòng Xúc tiến giáo dục, Tổ chức Giáo dục Blue Galaxy Group) cho biết, bên cạnh việc chọn ngành nghề thì quan trọng nhất khi du học là các em phải chọn được một đất nước phù hợp để tránh sốc về văn hóa. Trước khi lựa chọn, các em phải tìm hiểu kỹ về thời tiết, tài chính, ngôn ngữ cũng như văn hóa của đất nước đó. Có những em chỉ vì không chịu được thời tiết quá lạnh ở đất nước bản địa mà phải bỏ về nước giữa chừng.

Nhấn mạnh thêm về điều này, bà Hoàng Bảo Ly (phụ trách tuyển sinh, Phân hiệu ĐH Broward Hoa Kỳ tại Việt Nam) cho biết có rất nhiều con đường để du học, từ tự túc, học bổng toàn phần, bán phần hay hệ vừa học vừa làm. “Bên cạnh tài chính thì chọn lựa một địa điểm, một đất nước phù hợp lại quyết định rất nhiều đến thành công của các em”, bà Ly chia sẻ.

Yến Hoa (ghi)

Bà Trần Tú Anh (Phó Trưởng phòng Tư vấn và giới thiệu việc làm thuộc Khu Công nghệ cao TP.HCM) cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo ở các ngành công nghệ cao là rất lớn, tuy nhiên nguồn cung không đáp ứng đủ cầu. Ngoài nguồn lao động đã hoàn thành chương trình liên kết đào tạo nghề thì lực lượng lao động hợp tác tại Nhật Bản, Hàn Quốc… về nước cũng được các doanh nghiệp “săn đón” với mức lương khá cao. “Thời gian học tập, làm việc ở nước sở tại, người lao động có nhiều kinh nghiệm, tay nghề vững, tiếp cận với dây chuyền máy móc hiện đại, đó chính là nguồn lao động “vàng” mà doanh nghiệp cần”, bà Tú Anh quả quyết.

T.Anh

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)