Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Liên kết để phát triển du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong khuôn khổ hoạt động của Hội chợ Du lịch Quốc tế (ITE) 2011, ngày 13-9 tại TPHCM, đã diễn ra hội thảo xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch ĐBSCL.

Hạ tầng, cơ sở vật chất còn kém.
Ông Nguyễn Phong Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, cho biết ĐBSCL là khu vực có tiềm năng rất lớn về du lịch, độc đáo và có sự khác biệt so với các vùng – miền của các nước. Theo ông Quang, trong 10 năm qua (2000-2010), khách du lịch đến ĐBSCL tăng bình quân 11%/năm, khách quốc tế tăng hơn 16%/năm, doanh thu du lịch tăng hơn 23%/năm.

Với đặc điểm chung là miệt vườn, sông nước, các địa phương ở ĐBSCL dễ bị trùng lắp trong việc phát triển du lịch.

Tuy nhiên, ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng tốc độ tăng trưởng về lượng khách và thu nhập du lịch vẫn chưa tương xứng với lợi thế của vùng. “Hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chưa bảo đảm, việc liên kết hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp trong vùng còn nhiều bất cập” – ông Tươi nói.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng du lịch ĐBSCL chưa thể bật lên được bởi hạ tầng, cơ sở vật chất cho loại hình này còn quá kém. Chẳng hạn, tỉnh Đồng Tháp có nhiều địa điểm nổi tiếng thu hút sự quan tâm của du khách như Vườn Quốc gia Tràm Chim, ngôi nhà cổ “người tình”, làng hoa kiểng Sa Đéc, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng … “Quãng đường từ TPHCM đến các địa danh này không xa nhưng lại khó đi bởi hạ tầng du lịch kém; sản phẩm du lịch có nhưng chất lượng dịch vụ không đạt” – đại diện một doanh nghiệp khai thác du lịch ở Đồng Tháp nói.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang, cho rằng khó khăn nhất để phát triển du lịch các địa phương hiện nay là xây dựng sản phẩm đặc trưng của từng vùng. “ĐBSCL nơi nào cũng là miệt vườn sông nước, có lễ hội, món ăn đặc trưng… Liệu việc phát triển du lịch vùng có trùng lắp, chồng chéo lẫn nhau bởi không có “đặc sản” của từng địa phương?” – ông Hoàng băn khoăn.
Tháo gỡ 4 nút thắt
Bốn quốc gia – Một điểm đến
Sáng cùng ngày, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế “Bốn quốc gia – Một điểm đến” (Việt Nam – Lào- Campuchia – Myanmar) đã khai mạc với sự tham dự của hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, bộ trưởng du lịch của 4 nước đã trình bày những lợi thế cạnh tranh và kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực xây dựng khu phức hợp giải trí, khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp của ngành du lịch nước mình. Đồng thời, 4 nước đã thống nhất đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và liên kết giao thông để phát triển du lịch trong khu vực, đặc biệt là vùng ĐBSCL của Việt Nam.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng muốn ĐBSCL phát triển du lịch tương xứng với điều kiện vốn có, cần tạo sự đột phá để tháo gỡ 4 nút thắt cơ bản về hạ tầng, “đặc sản” du lịch, liên kết hợp tác trong vùng và đào tạo nguồn nhân lực.

“Các địa phương phải tìm kiếm những nguồn vốn để phát triển hạ tầng du lịch. Nhà nước không thể đầu tư thay mà chỉ đưa ra chiến lược, quy hoạch, đề án…” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông Tuấn, mỗi địa phương nên tập trung phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch để tạo ấn tượng đối với quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng không thể có sản phẩm du lịch tốt nếu các tỉnh hoạt động riêng lẻ. “Đây là những điều mà ngành du lịch cần phải nghĩ tới mới có thể cạnh tranh được” – bà Hồng nói.
Nguồn NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)