Sáng 18-8, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam.
Lãnh đạo các địa phương vùng KTTĐ phía Nam tỏ ra bức xúc vì tình trạng quá tải giao thông trong vùng |
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: Các tỉnh trong vùng đều xem trọng mối quan hệ liên kết hợp tác trong quá trình phát triển kết nối hạ tầng giao thông. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức về tổ chức, con người chịu trách nhiệm nghiên cứu tham mưu thực hiện các chương trình liên kết, các dự án hạ tầng giao thông do TW đầu tư trên địa bàn các tỉnh trong vùng…
60km đi mất 3 tiếng đồng hồ
Ông Trần Lưu Quang – Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh – nêu bất cập: QL22 (đoạn qua địa phận TP.HCM) hiện đã rất quá tải. Trong khi dự án nâng cấp mở rộng QL22 đã có, quy hoạch cao tốc TP.HCM – Mộc Bài cũng đã lập từ lâu nhưng vẫn chưa được triển khai. “Tôi đi từ Tây Ninh về TP.HCM theo QL22 với khoảng cách hơn 60km nhưng phải mất 3 tiếng đồng hồ. Giao thông thế này thì khó mà phát triển kinh tế được”, ông Quang nói.
Ông Trần Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – cũng cho biết: QL1 đoạn qua tỉnh Long An giáp ranh với TP.HCM hiện cũng đã quá tải. Cùng với đó tuyến QL50 cũng đang quá tải, nhiều năm chưa được mở rộng. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM thường xuyên diễn ra vào các dịp lễ, Tết.
Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM – cho biết: TP.HCM đã dự kiến đầu tư hạ tầng giao thông các tuyến kết nối trong giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo. Để đồng bộ khai thác, tổ chức giao thông liên vùng, kiến nghị đối với các dự án do địa phương đầu tư, TP đảm nhận phần xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng theo địa giới hành chính, tỉnh liên quan đảm nhận phần xây dựng và chi phí giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn tỉnh…
Ông Nguyễn Văn Trình – Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – cho rằng: Hệ thống cảng biển ở khu vực Cái Mép – Thị Vải đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, đã đón nhiều chuyến tàu lớn đi thẳng châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường bộ kết nối với hệ thống cảng chưa được đầu tư tương xứng.
Tỉnh Bình Dương được đánh giá là có “tinh thần” liên kết vùng nhất khi dự án xây dựng cầu Bình Lợi ở địa bàn TP.HCM nhưng tỉnh này cũng xin góp 300 tỷ tiền giải phóng mặt bằng để tiến độ dự án được đẩy nhanh. Tuy nhiên, ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – cho rằng: Giao thông kết nối giữa Bình Dương với TP.HCM cũng như các tỉnh trong vùng chưa được thuận lợi. QL13 đoạn qua Bình Dương đã được đầu tư mở rộng nhưng đoạn qua TP.HCM vẫn rất hẹp, thường xuyên ùn tắc. Hệ thống đường thủy vẫn đang bị “tắc” do một số cầu thấp.
Khó khăn nhất là huy động vốn
Giải đáp những bất cập này, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT – cho biết: Vùng KTTĐ phía Nam chiếm 20% hoạt động vận tải hành khách, 30% hoạt động vận tải hàng hóa. Lượng hàng hóa thông qua các cảng thuộc nhóm cảng biển số 5 chiếm hơn 60%. Điều này cho thấy hoạt động giao thông ở khu vực này rất nhộn nhịp. Thế nhưng toàn vùng chỉ có 90km đường cao tốc, so với tổng số 740km đường cao tốc cả nước thì còn hạn chế. Thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung kêu gọi nguồn vốn đầu tư các dự án cấp bách có tính kết nối vùng. Điển hình như các dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, Trung Lương – Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Huệ… Sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối không chỉ các địa phương trong vùng KTTĐ phía Nam mà còn giữa vùng Đông Nam bộ với ĐBSCL, Tây Nguyên. Cùng với đó, Bộ GTVT đang tích cực kêu gọi đầu tư các dự án kết nối khác như Vành đai III, Vành đai IV, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết…
Vấn đề khó khăn nhất theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông là việc huy động nguồn vốn cho các dự án giao thông. Mặc dù nhiều bộ ngành vẫn nói việc tập trung huy động nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông nhưng cơ chế nào để huy động thì chưa rõ ràng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Để tiếp tục là động lực kinh tế vùng của khu vực phía Nam, TP.HCM và các tỉnh phải đánh giá việc triển khai NQ53; phải xây dựng được cơ chế điều phối. Trong đó cập nhật, bổ sung lại quy hoạch của các địa phương và có nhiều hình thức để huy động. Dự án nào sai quy hoạch, chậm tiến độ, ai làm sai… phải xử lý nghiêm trước pháp luật. TP.HCM sớm tổ chức Hội thảo kinh tế vùng (có Thủ tướng tham dự), tập trung triển khai ngay các dự án hạ tầng giao thông có thể triển khai được. Đồng thời thành lập tổ điều phối giao thông vùng do Sở GTVT TP chủ trì; làm việc với sở GTVT các tỉnh tìm ra cách làm nhanh, phù hợp, không trông chờ vào nguồn vốn ODA, tìm được nguồn vốn xã hội hóa…”.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)