Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Liên thông dữ liệu phòng chống dịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thời điểm hiện nay, cùng với nghiệp vụ y tế, việc nhanh chóng triển khai các công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch càng trở nên cấp thiết. Đây là các nền tảng có yếu tố tác động tới từng người dân, từng địa phương và liên thông dữ liệu với ứng dụng khác trong phòng chống dịch bệnh. 

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 thể hiện kết quả của người dân sau khi tiêm vaccine mũi thứ 2

3 nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung

Triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng chống dịch trên toàn quốc và giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để liên tục hoàn thiện là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TT-TT chỉ đạo. Ngay sau đó, Bộ TT-TT đã có văn bản hỏa tốc gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo triển khai nhanh, hiệu quả 3 nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 bắt buộc dùng chung toàn quốc, gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

Với nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QR, các địa phương cần áp dụng việc đăng ký, quét mã QR tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn để bảo đảm kiểm soát người ra vào địa điểm, phục vụ truy vết nhanh, khoanh vùng hẹp và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, các địa phương sẽ trả kết quả xét nghiệm trực tuyến, hạn chế tối đa việc người dân quay lại cơ sở y tế để nhận kết quả xét nghiệm.

Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT), cho biết, dữ liệu thông tin cá nhân của người dùng trên các nền tảng dùng chung nói trên sẽ chỉ được lưu trữ trong 1 tháng gần nhất. Dữ liệu nằm ngoài phạm vi nói trên sẽ được xóa tự động và không thể khôi phục. Các thông tin liên quan đến cá nhân chỉ những cơ quan chức năng có thẩm quyền mới có thể khai thác cho mục đích phòng chống dịch bệnh. Việc thống nhất các dữ liệu phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế quản lý, Bộ TT-TT phát triển nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin và đảm bảo yếu tố kỹ thuật.

Cần thực hiện nghiêm

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế), nhấn mạnh, quyết định của Chính phủ về việc triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung trong phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc là hết sức kịp thời và đúng đắn. Việc triển khai ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19 của các nước trên thế giới đã mang lại hiệu quả và thành công tích cực. 

Trước đây, mỗi ứng dụng đảm nhiệm một vai trò, cụ thể trong phòng chống dịch, một số địa phương còn triển khai các ứng dụng riêng, dữ liệu chưa được liên thông, liên kết dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và khai thác dữ liệu phục vụ phòng chống dịch… Để giải quyết vướng mắc, cần thiết phải triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung nhằm tăng tính hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Trường Nam nhấn mạnh, để triển khai nhanh và hiệu quả các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung nói trên, địa phương phải quán triệt cơ sở nghiêm túc thực hiện đồng bộ, đầy đủ và đúng theo hướng dẫn của Bộ TT-TT, Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch. Nếu triển khai không nghiêm túc, không đúng thì dữ liệu sẽ không đầy đủ, không đảm bảo chính xác, dẫn đến hiệu quả không cao. 

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, thời điểm hiện nay, các công nghệ, ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 phải triển khai thống nhất trên toàn quốc. Vì ảnh hưởng dịch bệnh là toàn quốc, người dân ở TPHCM có thể di chuyển đến Bình Dương và nhiều tỉnh khác hoặc ngược lại, nên phải có dữ liệu toàn quốc một cách đồng bộ, thống nhất.

Theo Trần Lưu/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)