Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Liên thông khối Y, Dược: Những điều cần biết

Tạp Chí Giáo Dục

Với đặc tính của ngành nên việc quy định tuyển sinh liên thông từ TCCN-CĐ, TCCN-ĐH và CĐ-ĐH đối với khối trường Y Dược có nhiều điểm “nghiêm khắc” hơn so với quy định của Bộ GD-ĐT.

> Tuyển sinh ĐH-CĐ 2009: Có thể chỉnh sửa hồ sơ đăng ký dự thi

> Nhận giấy báo dự thi ở đâu?

Nhằm tạo điều kiện cho các bạn thí sinh có thể hiểu sâu thêm về hình thức đào tạo liên thông khối các trường Y dược, Dân trí xin đưa ra 7 lưu ý sau đây.

1. Đối tượng tuyển sinh liên thông khối các trường Y dược?

* Đối tượng tuyển sinh đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ đại học

– Đối với thí sinh thuộc KV1, KV2-NT, KV2: Là cán bộ y tế đang làm việc đúng chuyên ngành và trình độ đào tạo.

– Đối với thí sinh thuộc KV3: Phải đáp ứng yêu cầu như đối với thí sinh thuộc KV1, KV2-NT, KV2 nêu trên và thuộc một trong các diện sau:

– Đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, tâm thần, phong, lao;

– Đang công tác trong lĩnh vực pháp y, y tế dự phòng;

– Đang trực tiếp sản xuất, pha chế dược phẩm, vắc- xin, sinh phẩm y tế và đã làm công việc này liên tục từ 24 tháng trở lên;

– Đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc đã công tác liên tục tại KV1 trong ngànhy tế từ 24 tháng trở lên.

* Đối tượng tuyển sinh đào tạo cử nhân, cao đẳng y tế

Cán bộ y tế đang làm việc đúng chuyên ngành và trình độ đào tạo.

2. Tiêu chuẩn tuyển sinh liên thông là gì?

* Về phẩm chất chính trị

Lý lịch bản thân và gia đình rõ ràng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức tốt, chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Những người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên không được dự tuyển.

* Về trình độ văn hoá

Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hoá tương đương.

* Về trình độ chuyên môn

– Đào tạo cử nhân và cao đẳng Điều dưỡng, Kỹ thuật Y học từ trình độ trung cấp: Phải có bằng tốt nghiệp Điều dưỡng trung cấp, Hộ sinh trung cấp hoặc Kỹ thuật viên trung cấp chuyên ngành phù hợp, đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế; nếu tốt nghiệp Y sỹ trung cấp phải có thêm chứng chỉ đào tạo chuyển đổi thành Điều dưỡng trung cấp theo chương trình của Bộ Y tế do các cơ sở đào tạo được Bộ Y tế cho phép cấp.

– Đào tạo cử nhân Điều dưỡng, Kỹ thuật y học từ trình độ cao đẳng: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng Điều dưỡng, Hộ sinh hoặc cao đẳng Kỹ thuật y học chuyên ngành phù hợp, đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

– Đào tạo cử nhân Y tế công cộng: Phải có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng y tế đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

– Đào tạo Bác sỹ đa khoa: Phải có bằng tốt nghiệp Y sỹ đa khoa đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

– Đào tạo Bác sỹ Y học cổ truyền (YHCT): Phải có bằng tốt nghiệp Y sỹ YHCT hoặc Y sỹ định hướng YHCT đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

– Đào tạo Dược sỹ đại học: Phải có bằng tốt nghiệp Dược sỹ trung cấp đào tạo theo chương trình của Bộ Y tế.

– Các thí sinh đã được đào tạo trong quân đội: Phải có bằng tốt nghiệp trung cấp Y, Dược do Trường Trung cấp Quân y 1 (nay là Học viện Quân y), Trường Trung cấp Quân y 2 cấp; hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp Y, Dược do các Trường Trung cấp Quân y thuộc Quân khu, Quân chủng, Binh chủng, Tổng cục và tương đương cấp từ năm 1994 trở về trước và có thời gian đào tạo ít nhất là 2 năm học.

*Về thâm niên chuyên môn
– Đối với đào tạo cử nhân y tế từ trình độ cao đẳng và đào tạo cao đẳng y tế từ trình độ trung cấp: Người tốt nghiệp cao đẳng (đối với đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng), trung cấp (đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp) y tế chuyên ngành phù hợp loại giỏi phải có thâm niên chuyên môn từ 12 tháng trở lên; các đối tượng còn lại phải có thâm niên chuyên môn từ 24 tháng trở lên.

– Đối với đào tạo đại học y, dược từ trình độ trung cấp: Phải có thâm niên chuyên môn từ 36 tháng trở lên.

Lưu ý: Mốc thời gian để tính thâm niên chuyên môn, thời gian làm việc là đến ngày 31/10 năm dự thi.

* Về sức khoẻ: Có đủ sức khoẻ để học tập theo quy định hiện hành

3. Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh liên thông?

Việc xét trúng tuyển được ưu tiên theo khu vực và trong mỗi khu vực có các đối tượng ưu tiên về chính sách.

+ Ưu tiên về khu vực: Theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khu vực dự thi của mỗi thí sinh được xác định dựa vào địa chỉ cơ quan nơi thí sinh đang làm việc trong biên chế, theo hợp đồng lao động hoặc địa chỉ nơi thí sinh hành nghề y, dược tư nhân.

Khu vực dự thi của quân nhân, công an nhân dân được xác định dựa theo địa chỉ nơi đóng quân hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn đối với trường hợp đóng quân tại cùng một khu vực từ 18 tháng trở lên; nếu dưới 18 tháng thì xác định khu vực dự thi theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ

+ Ưu tiên về chính sách

*Nhóm ưu tiên 1:

– Các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên 1 theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Người đang làm việc đúng chuyên ngành đào tạo tại KV1 và đã làm việc liên tục tại khu vực này từ 24 tháng trở lên.

*Nhóm ưu tiên 2:

– Các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên 2 theo qui định của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Người đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, tâm thần, phong, lao, khám nghiệm tử thi và đã làm công việc này liên tục từ 24 tháng trở lên.

– Người đang làm việc đúng chuyên ngành đào tạo tại KV1 và đã làm việc liên tục tại khu vực này từ 12 tháng trở lên.

– Người đang làm việc đúng chuyên ngành đào tạo tại y tế xã, y tế huyện và đã làm việc liên tục tại đó từ 24 tháng trở lên.

Mỗi đối tượng dự tuyển chỉ được hưởng 01 tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất về chính sách.

4. Hồ sơ dự tuyển liên thông bao gồm những gì?

– Phiếu đăng ký dự thi có xác nhận đồng ý cho dự thi và theo học của cơ quan nơi thí sinh đang làm việc hay cơ quan quản lý y tế từ cấp Sở Y tế hoặc tương đương trở lên.

– Bản sao hợp pháp các giấy tờ liên quan tới quá trình học tập như sau:

+ Bằng tốt nghiệp và bảng điểm các môn học trong chương trình đào tạo trung cấp (đối với đào tạo liên thông từ trung cấp), cao đẳng (đối với đào tạo liên thông từ cao đẳng) y, dược chuyên ngành phù hợp.

+Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bổ túc văn hoá tương đương.

+ Bản sao hợp pháp giấy khai sinh.

+ Giấy xác nhận thâm niên chuyên môn do cơ quan nơi thí sinh đang làm việc hay cơ quan quản lý y tế từ cấp Sở Y tế hoặc tương đương trở lên cấp.

+ Giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên tuyển sinh của cơ quan có thẩm quyền.

+ Giấy xác nhận đủ sức khỏe để học tập do cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền cấp.

+ Bốn ảnh mới chụp không quá 6 tháng cỡ 4 x 6 (một ảnh dán vào phiếu đăng ký dự thi, đóng dấu giáp lai).

Ngoài ra, thí sinh thuộc KV3 dự thi tuyển sinh đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ phải có thêm một trong các giấy tờ sau:

+ Bản sao hợp pháp quyết định phân công công tác, giấy xác nhận thời gian làm việc tại KV1;

+ Giấy xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

+ Bản sao hợp pháp quyết định phân công công tác, giấy xác nhận thời gian trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS, tâm thần, phong, lao, công tác trong lĩnh vực pháp y, y tế dự phòng, trực tiếp sản xuất, pha chế dược phẩm, vắc- xin, sinh phẩm y tế.

5. Thi liên thông gồm những môn nào?
– Đối với đào tạo đại học, cao đẳng y, dược từ trình độ trung cấp: Thí sinh phải dự thi 3 môn: Toán học, Hoá học hoặc Sinh học và môn chuyên môn.

– Đối với đào tạo đại học y từ trình độ cao đẳng: Thí sinh phải dự thi 2 môn: Môn y học cơ sở và môn chuyên môn.

Đề thi môn y học cơ sở được xây dựng từ nội dung các môn cơ sở thuộc phần giáo dục chuyên nghiệp trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng hiện hành của Bộ Y tế, phù hợp với ngành dự thi.

Đề thi môn chuyên môn được xây dựng từ nội dung các môn chuyên môn trong chương trình đào tạo trình độ cao đẳng (đối với đào tạo liên thông từ cao đẳng), trung cấp (đối với đào tạo liên thông từ trung cấp) hiện hành của Bộ Y tế, phù hợp với ngành dự thi.

Lưu ý: Theo quy định thì hằng năm, mỗi trường chỉ tổ chức tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ đại học, cao đẳng y, dược từ trình độ cao đẳng, trung cấp duy nhất một lần theo chỉ tiêu kế hoạch đã được chấp thuận của năm đó.

6. Trường nào tuyển sinh liên thông, ngành tuyển sinh, vùng tuyển sinh ra sao?

Hầu hết khối các trường Y, Dược đều tuyển sinh liên thông. Đối với trường CĐ thì tuyển sinh liên thông từ TCCN-CĐ. Đối với các trường ĐH thì tuyển sinh liên thông từ TCCN-ĐH; TCCN-CĐ (nếu trường có đào tạo CĐ) và CĐ-ĐH. Ngành tuyển sinh liên thông là những ngành đang được đào tạo chính quy tại trường.

* Phân vùng tuyển sinh đào tạo Bác sỹ, Dược sỹ

Tên đơn vị

Chuyên ngành đào tạo

Vùng tuyển

Trường Đại học Dược Hà Nội

Dược sỹ đại học

Các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên – Huế trở ra.

Trường Đại học Y Thái Bình

Bác sỹ đa khoa, Bác sỹ YHCT, Dược sỹ đại học

Các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên – Huế trở ra.

Trường Đại học Y Hải Phòng

Bác sỹ đa khoa

Các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên – Huế trở ra.

Trường Đại học Y thuộc Đại học Thái Nguyên

Bác sỹ đa khoa, Dược sỹ đại học

Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ,Vĩnh Phúc,Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Trường Đại học Y – Dược thuộc Đại học Huế

Bác sỹ đa khoa, Bác sỹ YHCT, Dược sỹ đại học

Từ Thanh Hoá đến Khánh Hoà và các tỉnh Tây Nguyên.

Trường Đại học Tây Nguyên

Bác sỹ đa khoa

Các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước

Đại học Y – Dược thành phố Hồ Chí Minh

Bác sỹ YHCT, Dược sỹ đại học

Các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào

Trường Đại học Y- Dược Cần Thơ

Bác sỹ đa khoa, Dược sỹ đại học

Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ.

Học Viện Quân Y:

– Cơ sở 1 (miền Bắc)

– Cơ sở 2 (miền Nam)

 
 
– Bác sỹ đa khoa
 
– Bác sỹ đa khoa
– Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Sơn La, Hoà Bình và các tỉnh Tây Nguyên.
– Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên.

Trường Đại học Y tế Phạm Ngọc Thạch

Bác sỹ đa khoa

Các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.

Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam

Bác sỹ YHCT

Cả nước

* Phân vùng tuyển sinh đào tạo cử nhân, cao đẳng y tế

– Đối với các cơ sở đào tạo cử nhân y tế: Tuyển sinh cả nước.

– Đối với các sở đào tạo cao đẳng y tế trực thuộc các Bộ, Ngành: Tuyển sinh cả nước.

– Đối với các sở đào tạo cao đẳng y tế trực thuộc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Tuyển sinh trong tỉnh, thành phố có trường và vùng lân cận.

Nguyễn Hùng (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)