Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Liên tục cập nhật kiến thức sẽ không bị bỏ lại phía sau

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là lưu ý của các chuyên gia dành cho học sinh Trường THPT Trường Chinh (Q.12) trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 17 diễn ra mới đây tại trường. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Trường Chinh 

Không ngừng tự học

Mở đầu chương trình, em Hương Ngọc (học lớp 12C12) hỏi: “Hiện công nghệ không ngừng đổi mới từng ngày, vậy những kiến thức mà chúng em học ở hiện tại có đủ cạnh tranh trong công việc với thế hệ sau không?”. ThS. Nguyễn Trung Hiếu (Phó ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, trước mắt học sinh nên chọn ngành và cân nhắc bản thân có đủ năng lực học ngành đó không. Đây là yếu tố quan trọng, vì chọn ngành học phù hợp với năng lực vừa tránh tình trạng “đứt gánh” giữa đường vừa gắn bó với công việc lâu dài. Ví dụ, nếu học sinh chọn ngành công nghệ thông tin thì phải có tố chất nhạy bén, sáng tạo, tư duy logic… Trong quá trình học, các em sẽ được đào tạo kiến thức chuyên môn, học chương trình tiên tiến để ra trường bước ngay vào thị trường lao động. Dù đã vững kiến thức nhưng trong quá trình làm việc, các em vẫn phải liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức công nghệ mới. “Công nghệ đổi mới liên tục, nếu bản thân không chịu tìm tòi, học hỏi, cập nhật xu thế thì kiến thức mà chúng ta được học sẽ cũ, không đáp ứng trong công việc. Người biết nắm bắt tình thế, cộng thêm kỹ năng ngoại ngữ sẽ không phải lo bị lùi lại phía sau, thậm chí còn tiến xa hơn và ngày càng có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Như vậy, chúng ta sẽ không phải lo cạnh tranh với thế hệ sau và bị lãng quên”,  ThS. Hiếu phân tích.

Một học sinh đặt câu hỏi cho chuyên gia

Tương tự, em Quốc Khánh (học lớp 12C10) chia sẻ: “Em muốn tạo ra những ứng dụng công nghệ như ChatGPT để phục vụ cuộc sống, vậy em học ngành trí tuệ nhân tạo được không?”. Ông Võ Thành Danh (Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Greenwich Việt Nam) cho hay, học là một chuyện nhưng có tạo ra được ứng dụng công nghệ hay không là chuyện khác, phụ thuộc bản thân người học. Ai cũng biết, ngày nay có nhiều ứng dụng công nghệ tiện ích hỗ trợ trong công việc lẫn cuộc sống. Muốn tạo ra được ứng dụng, các em phải biết những kiến thức nào cần thiết để học và không ngừng tự học. Các em phải biết đặt ra những câu hỏi và tự trả lời. Khi thấy ai đó giỏi chúng ta phải biết đặt mục tiêu cho bản thân để làm được giống như vậy. Đối với ngành trí tuệ nhân tạo, khi học, các em sẽ được đào tạo kiến thức để tạo ra những phần mềm, ứng dụng. Tuy nhiên, ngành này đòi hỏi vấn đề đạo đức. Chúng ta phải làm sao để sản phẩm mình tạo ra phục vụ người dùng và mang lại an toàn chứ không phải vì lợi ích cá nhân. “Để xác định bản thân có phù hợp với ngành trí tuệ nhân tạo hay không, các em nên tìm hiểu chương trình đào tạo, những người đã học trước đó hoặc hỏi ý kiến chuyên gia. Việc này giúp các em tránh chọn sai ngành, làm tốn thời gian, công sức”, ông Danh lưu ý.

Bắt kịp xu thế

Giải đáp cho học sinh về ngành truyền thông đa phương tiện, bà Nguyễn Thị Tú Loan (Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Swinburne Việt Nam) khẳng định, thời đại công nghệ 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp với các mức lương đáng mơ ước. Trong các xu hướng nghề nghiệp, ngành truyền thông đa phương tiện cũng vươn lên như một điều tất yếu. Đây được coi là một trong những ngành học được quan tâm nhất trong thời đại công nghệ 4.0. Theo thống kê, hiện nay có hơn 99% người dùng mạng xã hội nên việc truyền thông trên mạng là hướng đi của doanh nghiệp hiện nay. Để làm tốt trong lĩnh vực này, chúng ta phải biết viết nội dung, sử dụng công nghệ, học làm clip, viết kịch bản truyền thông… Muốn truyền thông hay, nội dung hấp dẫn khách hàng đều phụ thuộc vào người làm công tác truyền thông. Mỗi giai đoạn đòi hỏi cách truyền thông khác nhau để bắt kịp xu thế. Do vậy, việc chúng ta không ngừng sáng tạo, đòi hỏi khả năng tự học rất cần thiết. “Để học có hiệu quả ngành truyền thông đa phương tiện, người học nhất thiết cần trang bị kiến thức công dân toàn cầu. Đây là khả năng sử dụng tiếng Anh và các kỹ năng học tập, làm việc trong môi trường quốc tế. Ngoài ra, còn các kỹ năng khác như thái độ làm việc chuyên nghiệp, giao tiếp, đàm phán, tư duy sáng tạo và phản biện, tranh biện, lãnh đạo bảo thân”, bà Loan cho biết.

Các em học sinh tìm hiểu thêm thông tin ngành nghề đào tạo hiện nay

Trao đổi với chuyên gia, em Quỳnh Anh (học lớp 12C17) chia sẻ: “Em rất muốn học ngành kinh doanh quốc tế nhưng không biết ra trường làm công việc gì?”. Bà Đặng Cao Kỳ Duyên (Phó ban Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, trong xu thế ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, đã tạo thị trường lao động nhộn nhịp. Tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, ngành kinh doanh quốc tế đào tạo kiến thức đa chiều, từ tài chính, marketing, logistics… Đúng như tên gọi, ngành kinh doanh quốc tế mang tính chất toàn cầu và hội nhập rất cao. Điều này đòi hỏi người học phải giỏi kiến thức, kỹ năng để có thể giao tiếp, trao đổi, đàm phán với đối tác nước ngoài. “Người học ngành kinh doanh quốc tế ra trường có thể làm quản lý tài chính, nhân sự; chuyên viên quản trị kinh doanh quốc tế; quản lý nguồn nhân lực đa quốc gia… Tùy vào mong muốn và năng lực, người học có thể ứng tuyển những vị trí việc làm phù hợp”, bà Duyên thông tin.

Bài, ảnh: Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)