Cầu Kênh Tẻ nối quận 4 với quận 7 (TPHCM) đang được thi công để mở rộng thêm mặt đường cho xe chạy. Tình hình kẹt xe tại đây nay càng thêm trầm trọng. Cơ quan chức năng phải điều hướng để chia sẻ lượng xe về khu trung tâm qua cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 5). Nhưng có không ít ý kiến cho rằng rồi sau 12 tháng thi công mở rộng (theo kế hoạch), nạn kẹt xe tại cầu Kênh Tẻ cũng sẽ không giảm được bao nhiêu.
Lề đi bộ trên cầu Kênh Tẻ đang được bóc dỡ. Ảnh: THÀNH HOA |
Cầu Kênh Tẻ hiện có mặt đường xe chạy rộng 12 mét; lề đi bộ mỗi bên rộng 1 mét. Dự án mở rộng cầu đang được thực hiện với mức vốn đầu tư dự kiến khoảng 90 tỉ đồng là “bóc” toàn bộ lề đi bộ hai bên để mở bề rộng mặt đường xe chạy thành 14 mét; ở hai biên sẽ làm các đòn tay hẫng vươn ra ngoài để tạo lề đi bộ mỗi bên rộng 1 mét.
Về lý thuyết, việc tăng kích thước hình học chỉ phát huy hiệu quả khi mặt bằng mở rộng đáp ứng đủ diện tích cho các phương tiện lưu thông. Trường hợp cầu Kênh Tẻ hiện nay, số phương tiện giao thông qua lại cây cầu này quá lớn, bao gồm cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa ra vào cảng Hiệp Phước. Mặt cầu thì quá hẹp và như một nút thắt giữa hai đầu cầu là đường Khánh Hội và đường Nguyễn Hữu Thọ có bề mặt đường rộng lớn hơn mặt cầu. Riêng phía đường Nguyễn Hữu Thọ, có đoạn dài hơn 7,5 ki lô mét, bề rộng 30 mét mà vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm. Do vậy, theo tôi, việc mở rộng mặt cầu thêm mỗi bên 1 mét thật không đáng kể. Cơ bản là không giải quyết nổi tình trạng kẹt xe. Chưa kể sẽ ngày càng có thêm nhiều phương tiện qua lại cây cầu này khi mà dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ đã và đang hình thành dày đặc những nhà chung cư cao tầng cùng các dự án khu dân cư mới.
Quy hoạch giao thông TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 và có sự điều chỉnh vào năm 2013 đã xác định phải làm cầu Kênh Tẻ 2 (còn gọi là cầu Long Kiểng) để phát triển trục giao thông Bắc – Nam. Dự án này bắt đầu từ đường Hoàng Diệu nơi chân cầu Ông Lãnh (quận 4) đến vòng xoay Tôn Đản – Vĩnh Hội, sau đó có cầu vượt trên đường Tôn Thất Thuyết băng qua Kênh Tẻ để nối vào đường Lê Văn Lương (quận 7). Tuy vậy, cho đến nay, dự án vẫn còn loay hoay với các thủ tục đầu tư.
Việc xây cầu Kênh Tẻ 2 là chuyện trước sau gì cũng phải làm, nhưng làm càng sớm thì càng có lợi, xét về hiệu quả kinh tế và xã hội.
Việc giải quyết kẹt xe trên nhiều cây cầu cũ theo cách mở rộng kích thước cầu, tuy không sai, nhưng cần phải tính toán kỹ hiệu quả trong mối liên hệ với việc xây những cây cầu mới có cùng mục tiêu cải thiện tình hình giao thông cho khu vực đó. Kinh nghiệm thực tế tại TPHCM cho thấy có nhiều dự án mở rộng cầu cũ, sau đó vẫn phải xây thêm cầu mới, như cầu Bình Triệu (Thủ Đức – Bình Thạnh); cầu Sài Gòn (quận 2 – Bình Thạnh); cầu Tân Thuận (quận 4 – quận 7); cầu chữ Y và cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5 – quận 8); cầu Ông Buông (quận 6)… Vấn đề muốn nói ở đây là có những cây cầu sau khi cải tạo, kể cả xây mới, được đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì lại tiếp tục không đáp ứng thực tế giao thông và lại phải lên phương án chắp vá, cải tạo, mở rộng… Điều này làm tốn tiền ngân sách, lãng phí nhân lực, mất nhiều thời gian… Chưa kể việc vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông gây ra nạn kẹt xe trầm trọng hơn mà người đi đường phải gánh chịu.
Trong phát triển hạ tầng giao thông, nếu không dự báo tốt nhu cầu trong tương lai, không tính toán cho khoa học, không xác định mục tiêu rõ ràng, không lường trước những phát sinh… thì các giải pháp khó mà đạt hiệu quả thực tế. Đó là chưa kể những góc nhìn phiến diện hoặc nhằm giải quyết những nhu cầu rất ngắn hạn trước mắt thường dẫn đến cách tiếp cận vấn đề sai, mà một khi đã tiếp cận sai thì dù có cố gắng làm cũng vẫn sai.
TPHCM vẫn còn rất nhiều cây cầu cũ trong tình trạng thường xuyên bị kẹt xe cũng như đang có nhiều dự án xây dựng cầu mới, hy vọng sẽ rút được những bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng công trình mới đưa vào sử dụng đã phải nhanh chóng lên các phương án cơi nới, chắp vá.
Trần Ngọc Thanh/TBKTSG
Bình luận (0)