Bệnh tiểu đường được xem là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra liệt dạ dày. Tuy nhiên, biến chứng liệt dạ dày lại ít được người bệnh tiểu đường quan tâm và cũng dễ bị bỏ sót do nhầm với những bệnh khác.
Khi các lớp cơ tại dạ dày bị liệt sẽ dẫn đến hoạt động dạ dày không hoàn chỉnh. Tuỳ mức độ liệt, thức ăn hiện diện ở dạ dày lâu hơn bình thường mà không nhào trộn, nghiền và chuyển xuống ruột non. Thức ăn ở quá lâu trong dạ dày, sự lên men xảy ra, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đôi lúc thức ăn kết tụ tạo thành những cục thức ăn cứng, cản trở lưu thông thức ăn xuống ruột.
Người bị liệt dạ dày cần được cung cấp chế độ ăn chứa các thực phẩm dễ vận chuyển khỏi dạ dày: lỏng, xay nhuyễn…
Các dấu hiệu liệt dạ dày
Thường gặp nhất là cảm giác đầy bụng, buồn nôn, nôn và ói. Nôn, ói hay xuất hiện sau bữa ăn. Trong trường hợp liệt dạ dày nặng, ói có thể xảy ra mà không liên quan đến bữa ăn, do thức ăn ứ đọng trong dạ dày trước đó. Thức ăn ói ra thường ở dạng nguyên thuỷ vì hoạt động nghiền thức ăn không có (khác với dạng ói ra thức ăn đã được nghiền nhỏ của các rối loạn khác). Các triệu chứng khác gồm: đau trướng bụng, no sớm (cảm giác đầy dạ dày khi vừa ăn). Trong trường hợp liệt nặng, xuất hiện sụt cân, thiếu hụt dinh dưỡng do thiếu năng lượng ăn vào hoặc ăn kiêng không hợp lý.
Ở bệnh nhân tiểu đường kiểm soát đường trong máu không tốt, lượng đường lâu ngày tăng cao sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, làm xuất hiện những biến chứng: rối loạn cảm giác, vận động (do tổn thương hệ thần kinh cảm giác hoặc vận động ngoại biên), liệt dạ dày (nếu gây tổn thương thần kinh phế vị và tại dạ dày). Liệt dạ dày ảnh hưởng nhiều đến tiêu hoá thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Điều này khiến kiểm soát đường trong máu khó khăn hơn. Cứ như vậy sẽ làm liệt dạ dày nặng hơn. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây nên liệt dạ dày như phẫu thuật làm tổn thương dây thần kinh phế vị, sử dụng thuốc làm giảm hoạt động dạ dày hoặc bệnh xơ cứng bì…
Điều trị phối hợp giữa chế độ ăn và dùng thuốc
Nếu liệt dạ dày do nguyên nhân có thể điều chỉnh được, tình trạng liệt sẽ cải thiện ngay sau khi khắc phục nguyên nhân. Riêng ở người bệnh tiểu đường, kiểm soát đường trong máu tốt, sẽ giúp cải thiện. Điều trị liệt dạ dày cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chế độ ăn hợp lý và thuốc điều trị (điều trị triệu chứng: giảm ói, tăng hoạt động các cơ dạ dày và điều trị nguyên nhân). Mục tiêu điều trị gồm: cung cấp một chế độ ăn chứa các thực phẩm dễ vận chuyển khỏi dạ dày và có mức năng lượng phù hợp với nhu cầu và tình trạng bệnh nền (tiểu đường); kiểm soát hoặc điều trị tốt các bệnh lý nền là nguyên nhân gây liệt (như thuốc giúp ổn định đường trong máu trên người liệt dạ dày do tiểu đường); giảm các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân (đầy bụng, đau bụng, nôn, ói…); kích thích hoạt động các lớp cơ dạ dày.
Liệt dạ dày không những ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và chất lượng sống mà còn làm nặng thêm tình trạng bệnh tiểu đường, do khó kiểm soát lượng đường trong máu. Bệnh cần phát hiện sớm, để có những can thiệp thích hợp, qua đó giúp người bệnh cải thiện bệnh và có cuộc sống thoải mái.
TS.BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn
SGTT
Chế độ ăn cho người liệt dạ dày
– Chia nhỏ bữa ăn, 5 – 6 bữa/ngày, nhằm tránh đưa lượng thức ăn nhiều vào dạ dày đang yếu, liệt. Ở bệnh nhân tiểu đường phải sử dụng insulin, cần tính toán lại liều lượng và cách dùng cho phù hợp với bữa ăn chia nhỏ. Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Dùng thực phẩm dạng nước hoặc thức ăn đặc xay nhuyễn cho giai đoạn liệt nặng; hoặc nấu nhừ cho bệnh nhân liệt nhẹ và trung bình. Nhai kỹ khi ăn để giúp cắt nhỏ thức ăn trước khi đưa xuống dạ dày. Ngồi ăn và tránh nằm ngay sau ăn. Đi bộ chậm rãi khoảng 30 phút sau bữa ăn giúp dạ dày hoạt động tốt hơn. Trường hợp liệt nặng, có thể dùng thêm thức ăn dạng lỏng như bột, sữa năng lượng cao…
– Giảm chất béo ăn vào vì sẽ tiêu hoá chậm. Tránh thức ăn dạng chiên, xào, nhiều dầu mỡ. Giảm chất xơ trong khẩu phần vì làm chậm quá trình chuyển thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Tránh thức ăn giàu chất xơ như bông cải xanh, bắp cải. Trong giai đoạn liệt trung bình và nặng, lượng chất xơ ăn cần dưới 10g/ngày. Các loại rau củ nên nấu chín nhừ để giảm thời gian ứ đọng trong dạ dày. Khi ăn trái cây, rau dạng củ tránh ăn cả vỏ.
– Uống nhiều nước, đảm bảo cơ thể không mất nước. Có thể dùng nước ép trái cây ít ngọt nhưng lưu ý lượng đường trong nước ép có thể gây tăng đường huyết.
– Tránh các loại thực phẩm có thể kích thích tăng tiết axít, làm nặng thêm tình trạng yếu, liệt dạ dày: thuốc lá, rượu bia, caffein, thức ăn có tính cay như ớt, tiêu..
Bình luận (0)