Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Liệt dây thần kinh mặt nếu tập thể dục quá sớm

Tạp Chí Giáo Dục

Vào mùa đông, nhiều người vẫn giữ thói quen dậy rất sớm để tập thể dục. Tuy nhiên, bạn có thể không biết rằng việc tập thể dục quá sớm cũng có những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Những người cao tuổi chỉ nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng.

Ảnh: CHí Cường

Cứng hàm, liệt một bên mặt

Chị Nguyễn Thị Hòa (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có thói quen dậy từ 4h30 sáng đi bộ hơn 1km rồi tập aerobic lúc 5h sáng. Dù đã vào mùa đông, trời về sáng lạnh giá nhưng chị vẫn giữ thói quen đó. Mới đây khi đi tập về, chị thấy chân tay lạnh, cứng cổ, đau mặt. Nghĩ bị trúng gió, chị lấy dầu xoa bóp nhưng càng bóp càng đau. Thấy mãi không khỏi, chị đi khám thì biết mình bị liệt dây thần kinh số 7 trên mặt mà nguyên nhân là do chị dậy sớm tập thể dục.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – Chủ nhiệm Khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (Bệnh viện 103) cho biết, những trường hợp như chị Hòa không phải là hiếm. Việc thức dậy quá sớm để tập thể dục ngoài trời trong mùa đông đối với thanh niên thì không ảnh hưởng nhiều. Còn những người tuổi trung niên, tuổi già vẫn giữ thói quen dậy sớm, đi ra ngoài không mặc đủ ấm khi trời đã bước sang mùa đông, nhiều sương muối vào sáng sớm là hết sức nguy hiểm.

Việc tập thể dục quá sớm vào mùa đông dễ nhiễm lạnh đột ngột. Nó có thể gây ra liệt dây thần kinh số 7, đột quỵ, gây các bệnh về phổi, viêm phế quản… đặc biệt là những người bị tăng huyết áp, bệnh về khớp cần tránh để nhiễm lạnh.

Giải thích điều này, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho hay, nhiệt độ lúc ngủ và lúc tập thể dục trong mùa đông thường chênh lệch rất lớn. Tập thể dục quá sớm có thể khiến gặp lạnh đột ngột làm mạch máu co lại, tăng trương lực quá mức. Sự co mạch máu quá mức sẽ làm liệt dây thần kinh số 7 khiến liệt một bên mặt. Không những thế, sương mù thường giữ bụi, vi khuẩn lại người đi tập thể dục sớm dễ hít phải.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng ban đêm, thảm thực vật hút ôxy và thải khí CO2 nên những nơi có nhiều cây, sáng sớm sẽ ngưng tụ khá nhiều khí CO2 và càng về khuya lớp nghịch nhiệt càng dâng cao, khiến không khí sáng sớm bị ô nhiễm. Buổi sáng mùa đông thường có hiện tượng trở trời, tức hoạt động đối lưu của không khí không lưu thông khiến những khí thải và khói bụi không tỏa ra được. Khí các bon trong khói và bụi trực tiếp kích thích mạnh đến niêm mạc mũi gây các chứng như viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn.

“Người già huyết áp thường thay đổi khi nhiệt độ xuống thấp. Huyết áp tăng vào sáng sớm cộng với thời tiết lạnh dễ xảy ra những tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa mặt, liệt nửa người. Hay người có tiền sử huyết áp cao, thành mạch máu thoái hóa dày lên làm ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp nhiệt độ thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não có thể bị co tắc nghẽn gây thiếu ôxy và chất dinh dưỡng lên não dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, tốt nhất không nên tập thể dục khi trời còn quá sớm, đang nhiều sương”, PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho hay.

Những lưu ý khi tập thể dục mùa đông

PGS.TS Hà Hoàng kiệm cho rằng, việc duy trì chế độ luyện tập thể dục đều đặn là rất tốt vì giúp cơ thể phòng tránh bệnh tật nói chung cũng như những căn bệnh dễ phát vào mùa đông. Tuy nhiên, khi luyện tập trong điều kiện thời tiết lạnh giá cần lưu ý:

Chọn thời điểm tập hợp lý

Mùa đông cần tập muộn hơn so với mùa hè. Nên lùi thời gian tập khi có ánh sáng mặt trời, khí hậu ấm áp hơn, sương lạnh cũng tan bớt để tránh nhiễm lạnh đột ngột. Hoặc có thể đổi thời gian tập sang buổi chiều. Tránh tập ở những nơi gió lùa.

Khởi động trước khi tập

Điều này rất quan trọng. Thời tiết lạnh thường làm hệ thống bảo vệ cơ, gân, dây chằng của cơ thể giảm nên cơ thể trở nên cứng, rất khó khăn để có thể kéo căng ra. Việc khởi động ban đầu một cách chậm rãi trước khi tập giúp cơ thể kịp thích nghi, giúp tiết ra chất nhầy ở khớp nên có tác dụng giảm chấn thương. Nếu như trước khi tập thể dục không khởi động kĩ sẽ rất dễ dàng khiến cơ thể bị căng cơ đột ngột, đau khớp, trật khớp.

Mặc quần áo đủ ấm

Nhiều người mùa đông vẫn mặc không đủ ấm khi đi tập thể dục sớm là rất nguy hiểm. Bởi nhiệt độ trong mùa đông thường xuống thấp nên khi bắt đầu khởi động, cơ thể sẽ chưa thể ngay lập tức nóng lên để thích ứng với môi trường nên dễ bị cảm lạnh đột ngột. Ban đầu tập bạn nên mặc ấm, khi cơ thể nóng lên và nhiệt độ ngoài trời tăng có thể cởi bớt ra. Nên dùng mũ và quấn khăn che cổ để giữ ấm.

Không nên đi tập thể dục chân đất vì nếu để chân bị lạnh sẽ khiến cho cơ thể dễ bị mắc bệnh lạnh tay chân, viêm khớp. Song cũng không nên đi giầy quá chật hoặc mang quá nhiều tất để chống lạnh vì nó cản trở quá trình lưu thông máu ở chân.

Thời gian tập tùy sức

Tùy theo sức khỏe của từng người mà kéo dài thời gian tập. Khi cảm thấy vừa đủ mệt nên thôi. Việc kéo dài tập quá sức sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng của cơ thể giảm trong khi thời tiết lại lạnh nên dễ bị cảm lạnh. Những ngày thời tiết gió to, lạnh và âm u không nên tập. Bạn có thể tập các bài tập nhẹ nhàng ở nhà hoặc đối với những bệnh lý khác nhau sẽ có những bài tập riêng.

Đối với người trung niên và người già, đặc biệt là những người có dấu hiệu hoặc đã mắc các chứng bệnh về tim mạch hay mạch máu não, bệnh lý phổi phế quản, bệnh lý khớp… càng cần tránh thể dục quá lâu vào buổi sáng sớm. Chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng như tập thể dục theo đài, thái cực quyền, đi bộ…

Uống nước pha muối

Trời lạnh mọi người thường ngại uống nước nhưng uống càng nhiều nước càng tốt vì chúng sẽ giúp cơ thể không mất nước, da dẻ không khô nẻ. Không nên uống nước lạnh hay tắm nước lạnh ngay khi tập thể dục xong vì có thể gây lạnh đột ngột. Từ đó dẫn đến các bệnh lý viêm phổi, các bệnh khớp khởi phát… Khi uống nước nên cho một chút muối. Tránh uống nước có cồn khi tập thể dục sẽ làm nhão cơ bắp một cách nhanh chóng.

Phương Thuận

GiadinhNet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)