Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Liệt sĩ nhà giáo Phạm Hồng Nhạn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người con trung dũng của Sài Gòn – Gia Định 

Liệt sĩ Phạm Hồng Nhạn cùng vợ và con trai Hồng Tú lúc 2 tuổi

1. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Vũng Liêm, Vĩnh Long, ngay từ nhỏ Phạm Hồng Nhạn đã sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình. Cha của Nhạn là ông Phạm Công Chương, một giáo viên có tinh thần cách mạng cao và sau ngày cướp chính quyền giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện Vũng Liêm.
Năm 12 tuổi Nhạn đã thoát ly gia đình đi vào chiến khu hoạt động. Sau đó, Nhạn cùng một số bạn bè được tổ chức đưa xuống Cà Mau học Trường Trung học Nguyễn Văn Tố. Được các cô chú dìu dắt, Nhạn tiến bộ rất nhanh. Thế nhưng đây cũng là thời gian Nhạn biết tin cha bị giặc bắt và đưa ra tử hình tại cầu Cái Răng vào cuối năm 1947; tiếp theo, một nỗi đau lớn nữa lại đến với Nhạn và gia đình khi người anh trai – Bí thư tỉnh đoàn Vũng Liêm – hy sinh vào năm 1950. Hoàn tất chương trình văn hóa và chính trị, Nhạn được giao việc đánh mật mã tại trụ sở vô tuyến điện của đài Nam bộ. Tuy công việc không vất vả nhưng đòi hỏi người cán bộ phải tuyệt đối trung thành với tổ chức, đảm bảo bí mật an toàn, chính xác các tài liệu gửi đi và nhận về. Nếu không, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm phương hại lớn đến cả một chiến dịch, một cơ sở.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tiễn đưa đồng đội và người thân ra Bắc tập kết, anh được tổ chức phân công ở lại xây dựng lực lượng và phát triển phong trào. Từ một nhân viên mẫn cán, tận tâm và có năng lực quản lý, anh Phạm Hồng Nhạn được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường Vô tuyến điện miền Đông (có mật danh T1). Đây cũng là thời kỳ anh tập tành sáng tác và bắt đầu có những bài thơ đi vào đời sống người chiến sĩ. Một vài bài thơ của anh với bút danh Trường Thắng chỉ một thời gian sau đã có sức lan tỏa rộng rồi vượt ra khỏi vùng căn cứ đến cả vùng đô thị có giặc chiếm đóng. Những câu thơ của anh vượt qua song sắt vào tận chốn lao tù trở thành lời động viên nhắn nhủ người chiến sĩ cộng sản luôn giữ vững khí tiết trước súng đạn quân thù. Một số đồng đội của anh còn nhắc đến bài thơ mà sau này được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc trở thành bài hát trên đường hành quân (bài Qua sông Sài Gòn).
Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Phạm Hồng Nhạn được bí mật đưa về hoạt động nội đô. Chủ trương của ta là có thêm một lực lượng hoạt động nội thành tạo cơ sở vững chắc để đón lực lượng bên ngoài vào. Đây cũng là năm anh lấy vợ có gia đình riêng nên tổ chức bố trí cho 2 người luồn sâu vào lòng địch với vỏ bọc là giáo viên. 
Chị Nguyễn Thị Yến Thu, vợ anh, nhớ lại: “Năm 1968, chúng tôi chính thức tuyên bố thành vợ thành chồng. Hồi đó 2 vợ chồng ở khu vực Thị Nghè, gần Trại gà Thanh Tâm. Để che mắt kẻ thù tôi xin vào dạy Trường tư thục Đức Trí, còn anh Nhạn dạy Trường Tiểu học Trương Minh Giản. Thời gian còn lại 2 vợ chồng móc nối với các cơ sở vận động, tuyên truyền chính sách của Đảng tạo niềm tin trong nhân dân. Thế nhưng sau Tết Mậu Thân nhiều nơi bị vỡ, địch ráo riết lùng bắt những cán bộ cách mạng hoạt động nội thành. Vợ chồng tôi cũng bị địch theo dõi và nghi ngờ”. Chị Yến Thu kể tiếp: “ Khi thấy bọn cảnh sát chìm vô xóm, 2 vợ chồng tôi liền ra khỏi nhà và ghé vào một cơ sở khác. Thế nhưng, khi đến nơi thấy trước cổng cơ sở này đã treo khăn trắng, biết bị động nên 2 người phải quay ra. Đứa con gái chủ nhà cũng chạy theo báo cho biết hiện cảnh sát đang neo bo bo chờ bắt phía sau bờ sông. Lúc đó 2 vợ chồng tôi vội đi hướng ra chợ Bà Chiểu, do đường lắm hẻm đông người nên chúng tôi mới trốn thoát”.
2. Năm 1973, dù Hiệp định Paris đã được ký kết nhưng giặc Mỹ vẫn chưa chịu đình chiến, nhiều vùng căn cứ vẫn bị bọn chúng bắn pháo nã đạn. Tháng 7 năm 1973 trên đường sang Thành ủy Sài Gòn họp, anh bị pháo bắn và sau đó đã hy sinh trên tay các đồng đội của mình. Năm đó Phạm Hồng Nhạn vừa tròn 40 tuổi.
Bây giờ nhắc đến liệt sĩ Phạm Hồng Nhạn, các đồng đội vẫn không quên người cán bộ văn phòng Thành ủy Sài Gòn – Gia Định có dáng người cao to, nước da trắng như con gái, hiền lành và đầy nghị lực. Thương nhớ anh nhất vẫn là người vợ và 3 cậu con trai của anh. Dù thời gian đã trôi qua hơn 40 năm nhưng chị Yến Thu vẫn không quên những ngày đầu họ gặp nhau trong vùng chiến khu. Khi trái tim của đôi trai gái đã hòa chung một nhịp, họ quyết định kết duyên vợ chồng nhưng hoàn cảnh chiến tranh quá khốc liệt nên một đám cưới để ra mắt bạn bè cũng không có. Sau khi báo cáo với tổ chức họ tuyên bố “suông” với bạn bè, đồng chí. Cho đến bây giờ kỷ niệm mà chị Yến Thu nhớ nhất là lần chị được tổ chức cho 2 cháu được gặp mặt ba ở Campuchia. Câu chuyện của chị quay về những ngày tháng đẹp nhất của lần gặp gỡ đó: “Năm 1970 khi hay tin sẽ được gặp anh Nhạn tôi mừng lắm nhất là lần này được mang theo 2 cậu con trai để gặp ba nó. Khi mẹ con tôi đến vùng Giếng Xây thuộc tỉnh Tây Ninh thì đã thấy anh đến đón. Anh ôm chặt từng đứa con như không muốn rời ra nữa, nhìn cảnh đó tôi rất hạnh phúc. Lần đầu tiên gặp một người lạ tự nhận là ba vậy mà cả thằng anh lẫn thằng em cứ đeo ba, gọi ba sao lâu quá mới về thăm con”.
Để có thêm thông tin về ngày ra đi của liệt sĩ Phạm Hồng Nhạn, tôi đã tìm đến nhà bác Phạm Như Hải – người đồng đội năm xưa của anh – ở góc đường Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp. Không giấu được sự xúc động, giọng bác Hải trầm ngâm: “Anh Trường Thắng tốt và hiền lắm. Hôm đó đoàn cán bộ chúng tôi băng qua rừng sộp để học nghị quyết của TW bên Hố Bò, huyện Củ Chi. Vừa đi được hai trăm mét, chưa kịp qua suối thì bị máy bay địch phát hiện và cho pháo bắn hàng loạt. Sẵn có hầm 2 bên đường mọi người liền nhảy xuống, riêng anh Trường Thắng còn ở phía trên đã bị pháo bắn vào phần lưng dưới. Do bị vỡ tủy sống và ra nhiều máu quá nên chỉ sau 1 tiếng đồng hồ anh Trường Thắng đã tắt thở”. Nhớ chồng, chị Thu vẫn hay ngồi đọc lại những vần thơ của anh dành cho những giọt máu yêu quý của họ: “Con của ba có tên Hồng Tú/ Ngôi sao đầu trong lửa đỏ thép gang/ Con của ba có tên Hồng Văn/ Văn chương Đảng cho tâm hồn con đó…” như một lời cầu nguyện thay cho nén nhang thơm thắp lên mộ người chồng, người cha liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì tự do và độc lập của dân tộc.
Hương Thủy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)