Hỏa ngục (Inferno) là sách bán chạy nhất thế giới năm 2013- thống kê tổng hợp từ 100 bảng xếp hạng uy tín. Đọc rồi mới biết cũng đáng đồng tiền bát gạo.
Cũng như Mật mã Da Vinci, Brown đặt nhân vật chính, nhà biểu tượng học người Mỹ Robert Langdon, vào một cuộc phiêu lưu thấm đẫm dấu ấn lịch sử và văn hóa. Bao trùm cuốn sách là ảnh hưởng từ kiệt tác Hỏa ngục của Dante, được biến từ ngôn ngữ thành hình ảnh qua bức họa Vực địa ngục của họa sĩ Sandro Botticelli.
Âm mưu “giết bớt” hàng tỷ người
Lần này, Langdon đến thành phố Florence của nước Ý, một thiên đường với những ai yêu thích nghệ thuật thời Phục Hưng. Đồng hành với anh là nữ bác sĩ Sienna Brooks, thiên tài có chỉ số IQ 208 và vẻ ngoài quyến rũ. Từ đầu đến cuối sách, họ không ít lần lâm vào những tình huống mà tính mạng chỉ như ngàn cân treo sợi tóc. Tình cảm nảy sinh giữa họ, có thể là tình yêu…
Gác lại một bên cốt truyện đầy tính thương mại, Brown đặt ra một vấn đề có tính triết học liên quan đến tội ác, lại là tội ác ở cấp độ cao nhất: giết người. Trong sách, một thiên tài về lĩnh vực sinh học mang ý định có thể coi là “khủng bố”, loại bỏ hàng tỷ mạng người để đạt được sự cân bằng giữa dân số thế giới và điều kiện sống trên Trái đất.
“Chẳng có gì sáng tạo và có sức phá hủy hơn một bộ óc xuất chúng với một mục tiêu” – Brown viết, qua lời một nhân vật trong sách. Cụ thể hơn, lý lẽ mà nhân vật phản diện đưa ra là “nhân loại có cơ hội tồn tại lâu dài đều đi kèm với mức dân số toàn cầu khoảng 4 tỷ”. Dân số toàn cầu hiện nay đã vượt lên hơn 7 tỷ, còn 4 tỷ là con số từ hàng trăm năm rồi.
Vì vậy, ý định của “thế lực khủng bố” này gói gọn trong hai từ, “giết bớt”. Bên cạnh đó, có sự “thanh lọc tự nhiên” do các dịch bệnh tiến hành, nghĩa là để mặc người bệnh không cứu chữa, đồng nghĩa rằng ngành y sẽ chấm dứt vai trò của mình. Nếu xảy ra, đó sẽ là thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Khoảng 3 tỷ người sẽ phải chết.
Đoạn sau, “kẻ khủng bố” cũng hiện thực hóa ý định theo cách đáng kinh ngạc và bàng hoàng, khiến Langdon và thế lực khác trong sách, gồm cả những kẻ vốn truy sát anh, phải về cùng chiến tuyến, vì một mục đích: sự tồn vong của loài người.
Liều như Dan Brown
Nhà văn đã chọn một chủ đề cao rộng hơn so với các tác phẩm trinh thám thông thường. Sách trinh thám (tiếng Anh có từ nôm na là Who-dun-it, ai đã làm) thường bám sát quá trình tìm ra thủ phạm hoặc giải mã một âm mưu. Hỏa ngục cũng thế, nhưng ngoài ra còn “chiêu đãi” độc giả nhiều món khác.
Dan Brown- một trong những nhà văn giàu nhất thế giới và bìa cuốn sách mới nhất xuất bản ở Việt Nam
Tác giả tạo ra một sợi dây kết nối chặt chẽ giữa quá khứ hiện tại, tương lai. Từ Hỏa ngục, một phần của trường ca kinh điển có tính tiên tri của đại thi hào Ý Dante, đến vấn đề bùng nổ dân số rất hiện sinh của thế giới ngày nay đều liên quan mật thiết đến tương lai nhân loại.
Cách thể hiện của Brown cũng rất công phu, chủ động cung cấp rất nhiều tri thức và lối viết đòi hỏi độc giả động não cao độ. Các thông tin tham khảo bằng hình ảnh, minh họa, văn học, khoa học và lịch sử trong tác phẩm cũng được khẳng định ngay từ đầu sách là “đều có thật”.
Để khẳng định một câu đơn giản như vậy, tác giả phải rất can đảm (nói nôm na là “liều”) và tự tin về kiến thức và tư liệu của mình. Cứ nhắc đến một tác phẩm văn hóa nghệ thuật là tác giả nói vanh vách hoàn cảnh sáng tác và giá trị lịch sử của nó. Đây là một tác phẩm hư cấu, nếu là tác giả khác thì có thể sẽ chọn cách lẫn lộn giữa hư cấu và thực tế để không bị bắt bẻ từng li từng tí, không liều được như Brown.
Đã giàu càng giàu
Nghe nói ngoài đời Dan Brown cũng cực kỳ “hóa thân vào nhân vật”, ông sống trong căn nhà kỳ dị tương tự bối cảnh chính trong các tác phẩm của mình. Những lối đi và căn phòng bí mật được ẩn giấu sau những bức tranh và giá sách.
Viết cuốn sách như thế này đòi hỏi tập trung cao độ, đến độc giả không tập trung còn không đọc nổi huống gì tác giả khi viết. Dan Brown từng kể với trang Today về quá trình viết sách, rằng ông viết trong một gian phòng bí mật đằng sau một bức tranh trong nhà mình. Ông ví von “Tôi đã sống 3 năm trong hỏa ngục để viết Hỏa ngục”.
Thư viện trong nhà được Brown đặt tên là “Pháo đài Tri ân”, nơi ông lưu giữ các bản dịch sách mình với hơn 50 thứ tiếng. Nhà văn rất giàu, tài sản khoảng 120 triệu USD.
Bản dịch tiếng Việt Hỏa ngục của ông là đầu sách bán chạy thứ hai tại Hội sách TP HCM vừa kết thúc. Có học giả nói đùa về việc này: “Sách của Dan Brown thì mượn nhau mà đọc, để dành tiền mua sách Việt Nam đi. Ông ta giàu quá rồi”. Còn Brown thì tuyên bố, sau Hỏa ngục, ông đã có ý tưởng cho khoảng 1 tá tiểu thuyết mới. Đi cùng sẽ là rất nhiều tiền.
Trong Mật mã Da Vinci, Dan Brown so sánh tháp Eiffel của Pháp với “một cái dương vật khổng lồ dựng đứng, cao cả ngàn mét”. Tương tự, trong Hỏa ngục, ông cũng có nhiều đề cập ấn tượng về sinh thực khí của nam giới, đều liên quan đến các tác phẩm điêu khắc cổ điển.
Chẳng hạn, ở cung điện Vecchio có vô số tượng nam giới khỏa thân ở lối vào: Bản sao tượng David, thần biển Neptune, Hercules và Cacus… Quần thể tượng này được Dan Brown bình là “chào đón các vị khách tới cung điện bằng cách phô ra hơn một tá dương vật”. Liên tưởng khá thú vị.
Theo TPO
Bình luận (0)