Liệu pháp dùng dòi để chữa bệnh đã được biết đến từ xa xưa. Nhưng khi thuốc kháng sinh trở nên phổ biến thì liệu pháp này không còn được ưa chuộng. Gần đây do vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng gia tăng và xuất hiện môn phẫu thuật sinh học nên con dòi lại có đất để dụng võ. Chẳng những thế, chúng còn được giới y khoa phong cho danh hiệu “Phẫu thuật gia tý hon”, được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng thực là “những thiết bị” y khoa sống duy nhất mà con người biết đến…
Đừng sợ! Tôi là phẫu thuật viên tài ba
Những con vật màu trắng ngà, nhỏ xíu, lúc nhúc, ngọ nguậy liên hồi, sinh sôi từ những xác thối rữa hoặc các chốn dơ bẩn đã khiến nhiều người nổi gai ốc khi nhìn thấy hoặc thậm chí chỉ mới tưởng tượng thôi cũng đủ lợm giọng. Thế nhưng, trong nhiều bệnh viện lớn ở Mỹ và châu Âu hiện nay, những ấu trùng của loài ruồi này lại được sử dụng như một phương pháp chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Chúng được mệnh danh là “phẫu thuật gia tý hon” bởi “tài nghệ” làm sạch các ổ nhiễm trùng, chữa trị các vết thương lở loét mạn tính cho hàng vạn bệnh nhân mà không cần đến dao mổ hay tia laser.
Một khi được đặt trên những vết thương lở loét, các ung nhọt mưng mủ, chúng bò khắp bề mặt nơi này, thực hiện nhiệm vụ theo bản năng; chúng tiết ra các enzym có tính ly giải protein phân hủy các tế bào chết và vi khuẩn trong vết thương thành “món súp” sền sệt để ăn, đồng thời tạo ra chất xúc tác để tái tạo các mô mới, kích thích quá trình lành hóa vết thương và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Để ngăn ngừa hiện tượng dòi lột xác trên vết thương, các bác sĩ phải thay thế ấu trùng sau 3 hay 4 ngày bằng những con dòi khác trẻ, khỏe hơn. Sau khoảng 10 ngày, gỡ băng ra, vết thương đã khô miệng, những con dòi, số thì chết vì đói, số còn lại sẽ được gắp ra ngoài bằng kẹp hoặc rửa trôi bằng nước muối. Thông thường, vết thương càng nhiều vi khuẩn thì dịch tiêu hóa của dòi càng cao để tiêu diệt vi trùng.
Qua áp dụng liệu pháp dòi, các nhà khoa học ở một số nước (Anh, Mỹ, lsrael, Đức…) đã nhận xét: “Nó làm vết thương mau lành, rút ngắn được một nửa thời gian so với phương pháp chữa trị thông thường, an toàn, không gây tác dụng phụ, chi phí thấp, nhưng nhược điểm là làm bệnh nhân kinh hãi khi nhìn thấy những chú dòi béo mọng đang ngoay ngoáy cử động trong vết thương”. Còn nhà khoa học Ronald Shermon (Viện Đại học California, lrvine, Mỹ) nhận xét: “Đối với những vết thương kháng với các trị liệu thông thường thì những con dòi là biện pháp cuối cùng mang lại lợi ích cao nhất”.
Bác sĩ Wim Fleischman (Đức) khẳng định với tuần báo Der Spiegel: “Nhờ sử dụng đàn dòi làm phẫu thuật, chúng tôi đã thành công trong 90% các trường hợp điều trị vết thương mà những phương pháp khác đều bó tay”. Chỉ tính riêng ở Đức đã có ít nhất 3.500 người bệnh được điều trị bằng phương pháp này.
Sự ‘lên ngôi” trở lại của những chú dòi
Thật ra, phương pháp điều trị vết thương lở loét bằng dòi đã có từ thế kỷ XVI. Baron Larrey, nhà nghiên cứu y học quân sự thời Napoléon và bác sĩ Joseph Jones, phụ trách y tế trong cuộc nội chiến Mỹ, phát hiện ra rằng: ấu trùng của nhặng xanh chỉ ăn những phần tế bào chết, không ăn lan ra các tế bào còn sống. Họ khám phá ra điều này trong khi tiến hành chữa trị cho các binh lính bị thương. Trong Thế chiến thứ 2, ở Anh có rất nhiều thương binh bị lở loét hoặc vết thương hoại tử mà các loại kháng sinh đều vô hiệu. Các bác sĩ đã phải cầu cứu đến các chú dòi. Kể từ đó, “liệu pháp dòi” lên ngôi. Nó đã được đưa vào trên 300 bệnh viện ở Mỹ từ năm 1930 – 1940. Khi thuốc kháng sinh ra đời, người ta không còn chuộng liệu pháp này nữa.
Tuy nhiên, hiện nay, khi thuốc kháng sinh đã bão hòa, hiện tượng kháng kháng sinh ngày càng phổ biến thì phương pháp chữa bệnh cổ điển này lại được y học hiện đại “tái sử dụng”. Thống kê mới nhất ở Anh cho thấy, hiện có đến 188 bệnh viện lớn áp dụng liệu pháp dòi. Trong 10 năm qua, trên 100.000 bệnh nhân tại Bắc Mỹ, châu Âu (Thụy Điển, Đức, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Hà Lan, Ukraine), Israel đã được các “phẫu thuật viên” dòi giúp chữa lành vết thương thối rữa. Nhiều cuộc chữa trị cho thấy các vết thương tỏ ra… lỳ lợm với thuốc kháng sinh nhưng chỉ cần một tuần trải qua “liệu pháp dòi”, tình trạng khả quan hơn hẳn.
Tại Mỹ, trong 14 trường hợp ung nhọt khó chữa cùng điều trị một lúc, 8 ca không dùng “liệu pháp dòi” đã trở nên xấu đi, phải can thiệp bằng phẫu thuật cắt bỏ. Trong khi đó, 5 trường hợp được điều trị bằng dòi đã mang lại kết quả tốt đẹp. Vết thương sạch sẽ và khép miệng. Dòi được chỉ định trong tất cả những vết thương hở miệng mạn tính ở người già (nhất là người mắc bệnh tiểu đường) tại Bệnh viện Hoàng gia New Edingburgh ở Scotland. Thậm chí có cả những trường hợp tay chân bị hoại thư nặng tưởng như phải cắt bỏ, liệu pháp dòi cũng tỏ ra là một phương pháp duy nhất có hiệu quả.
Tôi đáng giá hơn bạn tưởng
Theo Trưởng khoa nuôi dòi Steve Thomas của Princess of Wales Hospital Bridgard, Anh – nơi chuyên cung cấp dòi làm thuốc cho gần 1.000 trung tâm điều trị tại Anh và các nước châu Âu thì không phải giống dòi nào cũng dùng làm “phẫu thuật viên” được. Chỉ những ấu trùng của giống nhặng xanh thông thường Lucilia sericata mới sử dụng được vì loài này chỉ làm một việc duy nhất là tái xử lý chất thải hữu cơ mà không tấn công những mô sống. Trứng nhặng xanh được tiệt trùng rồi nuôi trên gan tươi cho đến khi nở thành dòi. Đề phòng ấu trùng những loài ruồi khác lẫn vào, do khó phân biệt, (dòi của những loài ruồi này tấn công cả tế bào mạnh khỏe, cắn cả mạch máu, chui sâu vào cơ thể bệnh nhân) nên phải kiểm soát khu vực nuôi cấy ấu trùng rất kỹ. Trước khi xuất “hàng”, các chú dòi đều phải trải qua đợt tiệt trùng nhằm loại bỏ khả năng nhiễm bệnh. ở Đức, dòi đóng trong túi nilon, 100 con giá trên dưới 80 euro. Đức cũng là nơi đầu mối cung cấp nhặng xanh cho các bệnh viện trên toàn thế giới để tạo ra dòi. Những chú nhặng này được nuôi trong điều kiện vô trùng, được “ăn chơi” thoải mái và chỉ có mỗi một nhiệm vụ là sinh ra dòi. Tại Bệnh viện Bangkok, Thái Lan, một ca điều trị vết thương bằng dòi có giá từ 10.000 – 15.000 bath (khoảng 250 – 375 USD), tức 3.900.000 -5.900.000 VND.
Điều kỳ lạ là hiện nay có rất nhiều bệnh nhân háo hức yêu cầu được áp dụng liệu pháp “ghê ghê” này. Dù sao thì chịu đựng dòi một vài ngày cũng còn dễ chịu hơn là phải mang trên mình vết thương mưng mủ hàng tháng, có khi hàng năm trời. Malyens – một bác sĩ tại Bang Oregon (Mỹ) chuyên sử dụng liệu pháp dòi cho biết: “Bệnh nhân còn háo hức hơn cả bác sĩ. Sau vài năm điều trị mà vết thương vẫn không chịu lành, họ đã trở nên vô vọng. Vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi họ tự tìm đến chúng tôi”.
(Theo suckhoedoisong.vn)
|
Bình luận (0)