Sau gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, TCty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trên thị trường xây dựng trong và ngoài nước.

Để có được thành quả này, không ít thế hệ những người lắp máy đã phải vượt qua bao khó khăn, thử thách, trải qua hàng nghìn công trình lớn nhỏ để tạo dựng thương hiệu Lilama gắn với uy tín và chất lượng.

Gây dựng

Ngày 1/12/1960, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc, nay là Bộ Xây dựng, đã quyết định chuyển Cục Cơ khí điện nước thành Cty lắp máy Hà Nội, đơn vị tiền thân của Lilama ngày nay. Tháng 10/1980, Cty Lắp máy chuyển hoạt động theo mô hình "Liên hiệp các xí nghiệp Lắp máy". Những công trình mới liên tiếp mọc lên trên khắp cả nước đều có sự đóng góp của những người thợ lắp máy như Thuỷ điện Hoà Bình, Trị An, Bỉm Sơn, ChinFon, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hà Tiên; nhà máy giấy Bãi Bằng… Những năm 90, bên cạnh việc lắp đặt trọn gói nhiều công trình, những người thợ lắp máy đã chế tạo hàng ngàn tấn thiết bị các loại cho các dự án lớn, hiện đại. Đặc biệt là việc chế tạo thành công nhiều chủng loại thiết bị khí hoá lỏng mà trước đây Việt Nam chưa chế tạo được như bình, bồn chứa gas, dầu… đạt chất lượng quóc tế. Cũng từ đây, thương hiệu Lilama đã được các đối tác trong nước và nước ngoài biết đến như một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.

Làm chủ

Giai đoạn 1996 – 2000 TCty đã đầu tư hàng loạt thiết bị hiện đại như máy lốc tôn có độ dày 100 mm, máy ép thuỷ lực 600 tấn, máy vê chỏm cầu đường kính 6,5 m, hàng ngàn máy hàn tự động… Đồng thời tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế tạo thiết bị tại ba miền Bắc, Trung, Nam; áp dụng chính sách quản lý chất lượng theo ISO, mở rộng khả năng thương mại… Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, thời gian thi công nhiều công trình rút ngắn. Việc vươn lên trở thành nhà Tổng thầu EPC đầu tiên của Việt Nam như một khẳng định chắc chắn cho vị thế của Lilama. Sự kiện Lilama được Chính phủ chọn làm nhà tổng thầu EPC để thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng công suất 300 MW với vốn đầu tư 300 triệu USD đánh dấu sự đổi ngôi từ làm thuê sang làm chủ, từ chỗ làm thầu phụ cho các tập đoàn nước ngoài trở thành nhà thầu chính. Tiếp đó, Lilama tiếp tục được Chính phủ giao làm tổng thầu EPC dự án nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, thắng thầu EPC dự án Khí điện Nhơn Trạch 450, làm lợi cho đất nước hơn 30 triệu USD; tổng thầu EPC dự án nhiệt điện Ô Môn… Lilama cũng đã được Chính phủ giao làm trưởng nhóm chế tạo thiết bị đồng bộ cho các dự án thuỷ điện, nhiệt điện, xi măng…

Bứt phá

Khẳng định vai trò tổng thầu EPC, Lilama đã đầu tư đa dạng hoá sản phẩm vào các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, các nhà máy điện, các khu du lịch… Đặc biệt, trong giai đoạn 2006 – 2010, Lilama sẽ phát triển trở thành Tập đoàn công nghiệp xây dựng theo mô hình Cty mẹ – Cty con trong lĩnh vực lắp máy và chế tạo thiết bị, làm chủ đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, phát triển thương hiệu Lilama sánh ngang với các tập đoàn lớn của các nước trong khu vực và trên thế giới.  Gần nửa thế kỷ gắn liền với từng bước thăng trầm của đất nước, đến hôm nay, Lilama có thể tự hào về truyền thống của mình với trên 4.000 công trình trên khắp đất nước với chất lượng mỹ thuật, kỹ thuật cao. Thành quả ấy được minh chứng bằng hàng loạt danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho các tập thể và cá nhân của TCty. Và mới đây nhất, danh hiệu Anh hùng Lao động mà Nhà nước trao tặng là một mốc son mới trong hành trình của Lilama.

Hoàng Oanh (dddn)