Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Linh hoạt, công bằng về bảo hiểm xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trong phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rút Bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi luật lần này.
Suốt nhiều tháng qua, đây là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động (NLĐ) và các chuyên gia pháp luật, chuyên gia lao động cùng các cơ quan quản lý, xây dựng luật pháp.
Tại lần trình này, Chính phủ thiết kế 2 phương án rút Bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 1, NLĐ đã tham gia Bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận Bảo hiểm xã hội một lần. NLĐ bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận Bảo hiểm xã hội một lần.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng Bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội.
Theo Ủy ban Xã hội, phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút Bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi phương án 2 cho rút 50% không hợp lý, vì số tiền đóng là của NLĐ và ban soạn thảo cũng chưa giải thích được vì sao đưa ra tỉ lệ 50%.
Có thể thấy 2 phương án đều hướng tới mục đích hạn chế rút Bảo hiểm xã hội một lần, giữ chân NLĐ ở lại lâu hơn với quỹ Bảo hiểm xã hội để có quyền lợi lâu dài, bảo đảm tương lai sau nhiều năm làm việc. 
Tuy nhiên, cần thiết kế các quy định phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tế, nhất là sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn, hàng vạn NLĐ bị mất việc làm, chật vật trở lại thị trường lao động và nhiều người phải chọn công việc thời vụ, ngắn hạn, không có hợp đồng lao động lâu dài khi tuổi đã cao, không có những kỹ năng phù hợp yêu cầu của người sử dụng lao động. 
Họ nhận trợ cấp một lần trong tâm thế không có sự lựa chọn nào khác, cần khoản tiền để sống, để tìm việc làm mới cũng như xoay xở cho những nhu cầu cần thiết khác của bản thân và gia đình, trong khi bảo lưu để hưởng hưu trí sau này lại là quãng thời gian rất dài, cả chục năm, họ không thể kiên nhẫn chờ đợi.
Quy định về nhận Bảo hiểm xã hội một lần cũng phải lưu ý nguyên tắc công bằng giữa các đối tượng tham gia; bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng và bảo toàn nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội. Đó là sự hài hòa trong chính sách an sinh xã hội, quản lý tốt, thụ hưởng công bằng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng khẳng định quyết định rút hay không trợ cấp Bảo hiểm xã hội một lần là quyền của NLĐ, xây dựng luật phải bảo đảm quyền này của NLĐ.
Để hạn chế tình trạng rút Bảo hiểm xã hội một lần, phải thiết kế chính sách linh hoạt hơn, nhất là rút thời gian đóng và hưởng Bảo hiểm xã hội từ 20 xuống 15 năm và tới đây theo nghị quyết Trung ương hướng tới lộ trình là 10 năm. Chỉ với mốc thời gian như vậy thì NLĐ dễ nhìn thấy tương lai gần, từ đó cân nhắc trước khi quyết định rút Bảo hiểm xã hội một lần. 
HOÀNG HOA (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)