Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT triển khai theo định hướng nghề nghiệp với các nhóm môn học lựa chọn. Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh lớp 10 khi chuyển trường – khối lớp đầu tiên thực hiện chương trình mới, nhiều trường THPT tại TP.HCM đã linh hoạt các giải pháp khi tiếp nhận học sinh chuyển đến. Dù vậy, nhiều trường cũng gặp không ít khó khăn…
Theo lãnh đạo nhiều trường THPT, Bộ GD-ĐT cần có thêm hướng dẫn về việc học sinh chuyển trường khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ảnh minh họa)
Xây dựng lớp học ghép
Đầu học kỳ II năm học 2022-2023, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) tiếp nhận một số học sinh lớp 10 từ trường khác chuyển đến để thuận lợi cho việc học vì những lý do về hoàn cảnh gia đình. Khác với các năm học trước việc xếp lớp đơn giản, dễ dàng, năm học này khi tiếp nhận học sinh chuyển đến buộc nhà trường phải tính toán nhiều yếu tố để đảm bảo quyền lợi cho học sinh đang theo học các môn lựa chọn ở trường cũ, tạo điều kiện cho các em học tại trường. “Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc tiếp nhận học sinh từ trường khác chuyển đến phải được thực hiện nếu học sinh có lý do chính đáng, đặc biệt. Thế nhưng, trong năm học này, đối với riêng học sinh lớp 10 thì khó khăn ở chỗ có thể tại trường cũ, các em đang học nhóm môn học lựa chọn này, nhưng khi chuyển đến trường mới lại không có nhóm môn học lựa chọn đó. Do vậy, ngay từ khi tiếp nhận học sinh lớp 10 trường khác chuyển đến, nhà trường tính đến nhiều giải pháp để cân đối hài hòa lợi ích của học sinh”, thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân) chia sẻ.
Thầy Khương cho hay, đối với các trường hợp học sinh từ trường khác chuyển đến có cùng nhóm môn học lựa chọn và chuyên đề học tập với nhà trường thì đó là điều vô cùng may mắn, thuận lợi để xếp lớp cho các em. Còn đối với trường hợp môn học lựa chọn của học sinh ở trường cũ và trường mới không “khớp” nhau thì cách làm hiện đang được nhà trường áp dụng là, bên cạnh việc xếp học sinh vào một lớp cố định, nhà trường còn sắp xếp cho các em học lớp ghép ở một số bộ môn khác tổ hợp. Tùy từng trường hợp mà học sinh có thể phải học từ 1-2 lớp ghép. Thầy Khương chia sẻ thêm, phương thức này dù bước đầu giải quyết được quyền lợi cho học sinh, giúp các em nhanh chóng bắt kịp với kiến thức, chương trình ở ngôi trường mới, song về lâu dài gây khó khăn cho nhà trường trong sắp xếp thời khóa biểu, quản lý học sinh.
Các trường THPT thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi khi học sinh lớp 10 chuyển trường (ảnh minh họa)
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT khác cho biết, việc chuyển trường vì lý do cá nhân chính đáng là nguyện vọng của học sinh. Nếu việc chuyển từ ngôi trường này sang ngôi trường khác giúp học sinh thuận lợi trong việc học, hài hòa giữa việc di chuyển, giảm bớt áp lực cho học sinh thì việc tiếp nhận các em là điều bắt buộc phải làm. “Năm nay, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu triển khai ở lớp 10 đặt ra thêm cho các trường THPT một khó khăn là tiếp nhận học sinh chuyển đến thì phải giải quyết cho các em như thế nào nếu như nhóm môn học lựa chọn ở trường cũ và trường tiếp nhận không phù hợp với nhau. Hiện nay, với các trường hợp này nhà trường kết hợp việc triển khai hệ thống dạy học trực tuyến để học sinh tự học, cùng với sự hỗ trợ của giáo viên, đảm bảo học sinh đủ khối lượng kiến thức. Tuy nhiên, về lâu dài với các trường hợp này nhà trường sẽ phải nói chuyện, tư vấn để nếu được học sinh cần chuyển đổi môn học lựa chọn thuận lợi cho việc học về sau”, vị hiệu trưởng này phân tích.
Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn cụ thể
“Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc tiếp nhận học sinh từ trường khác chuyển đến phải được thực hiện nếu học sinh có lý do chính đáng, đặc biệt. Thế nhưng, trong năm học này, đối với riêng học sinh lớp 10 thì khó khăn ở chỗ có thể tại trường cũ, các em đang học nhóm môn học lựa chọn này, nhưng khi chuyển đến trường mới lại không có nhóm môn học lựa chọn đó”, thầy Nguyễn Hùng Khương (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) chia sẻ. |
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc học sinh chuyển trường THPT chỉ được giải quyết trong các trường hợp: Học sinh chuyển nơi cư trú; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do thực sự chính đáng. Thời gian chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc chuyển trường THPT của học sinh còn chịu nhiều ràng buộc về việc thực hiện chương trình đặc thù của mỗi trường gắn với việc lựa chọn nhóm môn học lựa chọn trước đó của học sinh. Như vậy, nếu như môn học lựa chọn của học sinh ở trường cũ và trường chuyển đến không tương thích thì trường tiếp nhận có được từ chối tiếp nhận học sinh hay không hoặc khi tiếp nhận thì phải có những giải pháp gì… “Liên quan đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, hiện nay Bộ GD-ĐT mới chỉ có hướng dẫn về việc chuyển đổi môn học lựa chọn và chuyên đề học tập của học sinh lớp 10 trong cùng một trường. Còn việc chuyển trường thì chưa có hướng dẫn. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho học sinh và tạo điều kiện cho các trường thực hiện cũng như có cơ sở pháp lý rõ ràng thì Bộ GD-ĐT cần phải ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề này cho các trường”, hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức kiến nghị.
Từ thực tế triển khai tại đơn vị, thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5) cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần có thêm hướng dẫn về việc chuyển trường khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tránh việc mỗi trường hiểu và làm một kiểu, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)