Ở trường, Phan Ngọc Linh (lớp 9A5 Trường THCS 719, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) được thầy cô, bạn bè gọi là Linh “robot”.
Tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk năm 2014, Linh có hai robot đoạt giải nhì và ba là robot bắt, gắp, nâng và robot quét rác.
Năm lớp 2, được bố mua cho bộ đồ chơi tự động, cậu bé Linh đã tháo bung ra… nghiên cứu. Niềm đam mê chế tạo robot của Linh bắt đầu từ đó.
Robot 9 chức năng
Vào “xưởng” trên gác lửng của Linh cơ man là đồ điện, phế liệu dùng để chế tạo robot. Giữa ngổn ngang đồ đạc, Linh ngồi tập trung cao độ để chế tạo robot thứ chín của mình. Robot này “nhà sáng chế” nhỏ tuổi tạm đặt tên là robot chín chức năng như khoan, nâng, cắt, quét rác, dọn dẹp môi trường và thám hiểm.
Phan Ngọc Linh cặm cụi lắp ráp tay điều khiển của robot thứ chín của mình – Ảnh: Trung Tân
“Nói là chín chức năng nhưng không phải robot này làm cùng lúc chín việc – Linh mô tả – Nó có thể tháo, ráp từng phần hoặc kết hợp 1-2 chức năng cùng lúc tùy vào việc sử dụng. Chẳng hạn như khi cần thăm dò những nơi nguy hiểm, mình ráp phần thám hiểm vào. Để giúp các cô lao công, nó thành robot quét rác…”.
Về hai robot đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo vừa qua, Linh cho biết ý tưởng lóe lên từ những ngày lao động cực nhọc, nguy hiểm.
“Mỗi ngày trên đường đi học em thấy nhiều bác thợ xây phải vất vả xách, vác vật liệu trên giàn giáo rất nguy hiểm. Robot bắt, gắp, nâng ra đời từ ý tưởng đó. Cơ chế hoạt động của robot này là gắp vật liệu, chuyển đến phần nâng và đưa lên cao. Điều đó có thể giúp các bác thợ xây bớt vất vả, nguy hiểm” – Linh chia sẻ.
Tương tự, robot quét rác của Linh cũng nung nấu từ gian truân, khó nhọc của các cô chú lao công.
Bà Nguyễn Thị Luận – mẹ Linh – nói vợ chồng bà không ủng hộ con làm robot vì cháu dành quá nhiều thời gian cho robot đến mức quên cả ăn, ngủ.
“Hai bàn tay cháu lúc nào cũng rỉ máu, chai sần. Trong xưởng của cháu luôn ngổn ngang đồ điện khiến vợ chồng tôi hết sức lo lắng. Nhưng trước hôm thi chung kết, lần đầu tiên tôi thức trắng với con để phụ làm robot. Nhìn những mạch điện, môtơ tôi chẳng hiểu gì cả. Nhưng thấy con căng thẳng quá, tôi ngồi bên cạnh lấy vợt đuổi muỗi cho con. Đến sáng thì thấy robot chạy ro ro. Lần đầu tiên tôi thấy thật sự hạnh phúc vì… robot” – bà Luận trải lòng.
Món quà tặng cô giáo
Không chỉ chế tạo robot, Linh còn là tác giả của nhiều bộ đồ chơi, dụng cụ tái chế từ đồ điện bị hỏng. Mới đây, tận dụng một môtơ của bộ đồ chơi, cái thước gãy, cục pin điện thoại hỏng, Linh thiết kế thành cây quạt để bàn đem tặng cô giáo.
Cô Hương, giáo viên chủ nhiệm của Linh, cảm động nói: “Khi được tặng cái quạt để bàn tôi hết sức bất ngờ. Từ những vật bỏ đi em làm được những vật dụng hữu ích, dễ thương. Món quà em tặng rất nhỏ gọn, có thể mang đi và có thể sạc pin được. Món quà cũng là tình cảm mà học trò dành cho tôi nữa”.
Cô Hương chia sẻ thêm thấy Linh làm được robot, chiếc quạt dễ thương này, nhiều thầy cô giáo, bạn bè đã “đặt hàng” thêm. “Linh nổi tiếng ở trường với niềm đam mê robot. Em học cũng rất khá, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến” – cô Hương nhận xét về cậu học trò. Bạn bè không xem đam mê robot của Linh là ảo tưởng, không thực tế nữa mà rất khâm phục bạn, có gì hỏng lại đem đến nhờ Linh sửa giùm.
Về phần mình, Linh tâm sự bạn mong muốn trở thành nhà chế tạo robot, máy móc hiện đại để phục vụ cuộc sống. Nhưng hiện tại mỗi ngày Linh vẫn dành nhiều thời gian cho học tập. Sáng đến trường, trưa về tranh thủ làm bài tập và chỉ dành chút ít thời gian cho robot.
“Em ước được giống như mấy anh chị trong chương trình Robocon. Sau này nhất định em sẽ thi, học một ngành liên quan đến lĩnh vực này. Em muốn mình được làm trong trung tâm nghiên cứu hiện đại. Khi đó, việc chế tạo robot của em không phải thiếu kinh phí, vật liệu nữa. Tất cả robot của em chế tạo sau này đều sắc sảo, nhỏ gọn vì không phải tận dụng từ đồ cũ, phế liệu nữa”, Linh hồn nhiên nói về chặng đường phía trước của mình.
LĨNH HỒNG
(TTO)
Bình luận (0)