Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Lĩnh vực khoáng sản: Khâu nào cũng có thể tham nhũng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tham nhũng trong quản lý, khai thác khoáng sản ở Việt Nam đã đến mức báo động. Qua khảo sát, cho thấy có doanh nghiệp phải chi tới 1,2 tỷ đồng để có được quyết định phê duyệt trữ lượng mỏ. Gần như ở khâu nào cũng có thể tham nhũng.

Thông tin trên được công bố tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản do Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức, tại Hà Nội ngày 25-5.
Theo khảo sát, trong lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản, khâu nào cũng có thể tham nhũng (ảnh minh họa) Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hỏi thông tin cũng phải bôi trơn
Chi phí lót tay mà doanh nghiệp phải bỏ ra để thúc đẩy việc xử lý hồ sơ cũng là vấn đề đáng nói. Mức chi phí không chính thức trung bình để có được quyết định phê duyệt trữ lượng là 110 triệu đồng. Có trường hợp phải chi tới 1,2 tỷ đồng.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho biết cuộc khảo sát nguy cơ tham nhũng trong hoạt động quản lý, khai thác khoáng sản tại 116 doanh nghiệp chuyên khai thác khoáng sản trong và ngoài nước, cho thấy việc thất thoát tài nguyên khoáng sản và ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều vấn đề trong phát triển của Việt Nam. Khá nhiều doanh nghiệp được khảo sát cho biết rất khó khăn trong tiếp cận thông tin liên quan dự án khai thác khoáng sản. Để có được thông tin cần thiết, doanh nghiệp phải chi trung bình 178 triệu đồng, 28% doanh nghiệp được hỏi cho biết phải chi từ 50 triệu đồng trở lên, 25% doanh nghiệp khác phải chi từ 100 triệu đồng trở lên.

Ngoài việc gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin, doanh nghiệp còn rất mệt mỏi do thời gian xử lý, giải quyết hồ sơ, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kéo quá dài. Trung bình thời gian phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là 69 ngày nhưng cá biệt có trường hợp bị kéo dài tới 953 ngày mới được phê duyệt.
Có 25 doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí trung bình ở mức 14 triệu đồng để có được bản thỏa thuận của cơ sở với chính quyền địa phương. Việc doanh nghiệp bị hành hoặc bị gây khó khăn khi cấp phép cũng xảy ra. Có 13% doanh nghiệp được hỏi cho biết cần bỏ các khoản chi phí không chính thức từ 50 triệu đồng trở lên để có được kết quả kể từ khi nộp bộ hồ sơ hoàn chỉnh.
Cần cải cách mạnh mẽ
Trao đổi với phóng viên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho rằng trong lĩnh vực khoáng sản, việc lập ra một doanh nghiệp có sức cạnh tranh tương đương với Vinacomin giống như trong lĩnh vực viễn thông nhằm hạn chế tình trạng một mình một chợ cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, để giải quyết gốc gác của vấn đề thì phải cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đó dưới dạng chia nhỏ ra hoặc có sự tham gia của các đơn vị khác.
Theo ông Võ, hình thái tham nhũng trong khai thác khoáng sản khác khá nhiều so với tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Trong lĩnh vực khoáng sản, sản lượng khai thác thực tế luôn là một bí mật được doanh nghiệp giữ kín. Nếu không kiểm soát được lượng khai thác chính thức sẽ dẫn đến việc thất thu thuế. Thậm chí, tham nhũng có thể nằm ở chỗ các nhà quản lý thông đồng để chấp nhận việc doanh nghiệp giấu sản lượng thực.
Hình thức khác là doanh nghiệp khi khai thác khoáng sản thường không trả tiền trách nhiệm mà doanh nghiệp phải trả khi khai thác từ môi trường. “Nếu kiểm soát không tốt, nhất là việc phê duyệt các đánh giá tác động môi trường, các giải pháp môi trường châm chước cho doanh nghiệp thì tiền tham nhũng ở đây là rất lớn. Đây là đặc thù tham nhũng trong khai thác khoáng sản mà trong đất đai không có”, ông Võ nói.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Staffan Herrstrom, cho rằng tài nguyên khoáng sản thuộc về mọi công dân. Mục đích cuối cùng của đấu tranh chống tham nhũng trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo sự thịnh vượng về tài nguyên được chia sẻ công bằng cho người dân.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, thủ tục kéo dài (có doanh nghiệp phải xin tới 26 con dấu mới xin được giấy phép khai thác khoáng sản) cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, cho rằng vấn đề chia mỏ, khoanh vùng, doanh nghiệp phải trả các khoản chi phí không chính thức là những vấn đề đáng quan ngại. Theo ông, cần phải có cải cách mạnh mẽ để hoạt động khai thác tài nguyên được minh bạch. Phải có sự cân nhắc giữa lợi ích của việc khai thác khoáng sản so với hành động bù đắp vào môi trường của công ty khai thác khoáng sản. Ngoài ra, Chính phủ cần có những hành động quyết liệt cải thiện tính minh bạch trong lĩnh vực này. “Cần có văn hóa nói không với tham nhũng. Khi đó mới có cơ sở cho việc chống lại vấn nạn này”, ông Konishi nói.
Theo Bộ TN-MT, từ năm 2005-2009, sau khi Luật Khoáng sản sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, các địa phương đã cấp tổng cộng hơn 4.000 giấy phép khai thác khoáng sản các loại, gần gấp 10 lần số lượng giấy phép do trung ương cấp trong phạm vi cả nước. Hiện có trên 2.000 doanh nghiệp có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với sự tham gia của hầu hết các thành phần kinh tế. Đến tháng 4-2011 cả nước có 121 giấy phép thăm dò, 3.882 giấy phép khai thác do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cấp còn hiệu lực và đang thực hiện.
Phạm Tuyên / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)