Những người cho vay nợ tố cáo sự việc tới báo ANTĐ
Mòn mỏi đòi tiền
Do có khó khăn về vốn nên bắt đầu từ năm 2001, Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục 1 trụ sở tại ngõ 30 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng gửi thông báo tới toàn thể cán bộ trong công ty tiến hành huy động nguồn tiền nhàn rỗi để phục vụ kinh doanh. Do tin tưởng vào đơn vị nơi mình công tác nên đã có khá nhiều cán bộ nhân viên dành những khoản tiền tiết kiệm cho công ty vay. Thậm chí có những người còn huy động cả bạn bè, anh em, họ hàng cùng góp vốn. Trong những năm tiếp theo, việc vay nợ này diễn ra thường xuyên và công ty trả lãi cũng như thanh toán tiền gốc cho người có nhu cầu rút tiền một cách khá sòng phẳng. Sự việc sẽ không có gì đáng bàn nếu như công ty không đột ngột ngừng trả lãi cho người lao động bắt đầu từ tháng 6-2011.
Bà Đoàn Thị Lãng, nguyên là cán bộ thủ quỹ có thâm niên 31 năm công tác tại đây cho biết: “Tổng cộng gia đình tôi đã cho công ty vay nợ số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Trước đây, khi huy động vốn của cán bộ, nhân viên, công ty làm hợp đồng đàng hoàng và chi trả khá minh bạch. Lãi suất công ty thanh toán cho chúng tôi tương đương lãi suất ngân hàng nên mọi người rất tin tưởng. Nhưng không hiểu sao kể từ khi giám đốc cũ là ông Nguyễn Ngọc Hải về hưu và giám đốc mới là bà Hoàng Thị Kim Loan lên thay thì việc thanh toán cho chúng tôi đột nhiên bị chấm dứt. Công ty không những không trả lãi hàng tháng mà ngay cả khi chúng tôi yêu cầu được rút tiền gốc họ cũng lờ tịt đi. Đã nhiều lần, chúng tôi lên gặp lãnh đạo công ty thì đều không được tiếp”.
Cùng chung tình cảnh với bà Lãng là bà Phạm Thị Liên. Bà Liên là cán bộ ngành Dược, nhưng lại có người nhà làm tại công ty này. Tin lời người thân nên bà đã đem tất cả số tiền tiết kiệm sau khi về hưu gồm hơn 200 triệu đồng cho công ty vay với hy vọng lấy tiền lãi để chi tiêu thuốc thang cho chồng hàng tháng. Nghĩ tới số tiền có nguy cơ mất trắng bà Liên sụt sịt: “Tôi già rồi, thu nhập chẳng có nên chỉ biết trông vào khoản tiền đó. Ông nhà tôi ốm nặng nhiều năm, bản thân tôi về hưu lương ba cọc ba đồng. Với 2 vợ chồng già chúng tôi thì 200 triệu đồng đó to lắm bởi đó là số tiền ky cóp cả đời”. Gần 70 tuổi đời nhưng ngày nào bà Liên cũng phải cuốc bộ tới công ty để nghe ngóng xem bao giờ bà giám đốc mới trả tiền cho mình. Nhưng đi bao nhiêu lần là bấy nhiêu bận bà phải ra về tay trắng. Không chỉ có bà Lãng, bà Liên là những chủ nợ khốn khổ mà hiện nay còn có gần 30 cá nhân khác cũng đang điêu đứng trong thương vụ vay nợ này. Họ đã nhiều lần đề nghị được gặp lãnh đạo công ty để hỏi cho ra nhẽ thì chỉ có cấp phó ra tiếp và trả lời chung chung rằng “sẽ về báo cáo lại”.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm
Quá bức xúc những chủ nợ bất đắc dĩ buộc phải gửi đơn tới cơ quan chủ quản của Công ty CPTBGD1 là Nhà Xuất bản Giáo dục (đơn vị quản lý 51% vốn nhà nước của công ty) và Bộ Giáo dục – Đào tạo để nhờ can thiệp, thế nhưng đáp lại đến lúc này vẫn chỉ là sự im lặng.
Ông Trịnh Trung Dũng – trú tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc, một cá nhân đã cho công ty vay gần 500 triệu đồng nói: “Hiện giờ chúng tôi không biết phải kêu lên tới cấp nào thì mới đòi được tiền của mình. Bản thân tôi đã gửi nhiều đơn đến tận Chủ tịch HĐQT và Thanh tra Bộ Giáo dục – Đào tạo rồi nhưng chẳng ai hồi âm cả. Phải chăng không trả lời chúng tôi nghĩa là các vị đang có hành vi bao che cho chính công ty nhằm chiếm đoạt tiền của chúng tôi?”.
Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã liên lạc với bà Hoàng Thị Kim Loan – Tổng giám đốc Công ty CPTBGD1. Tuy nhiên khi tới nơi thì người tiếp phóng viên lại là ông Trần Quốc Thịnh – Phó Tổng giám đốc vì lý do bà Loan bận việc. Ông Thịnh cũng từng là Phó tổng giám đốc từ khi ông Nguyễn Ngọc Hải còn chưa về hưu. Khi phóng viên hỏi về các khoản vay nợ của người lao động trước đây, ông Thịnh cho rằng: “Việc vay nợ là do Tổng giám đốc Hải thực hiện, tôi lúc đó tuy làm Phó tổng giám đốc nhưng phụ trách lĩnh vực khác nên hoàn toàn không nắm rõ. Tháng 5-2011 anh Hải về hưu và chị Loan mới nhậm chức nên tất cả mọi công nợ còn đang bàn giao. Do đó bây giờ hỏi tôi giải quyết nợ như thế nào thì tôi chưa thể nói được”.
Cũng theo ông Thịnh thì hiện nay công ty đang vay nợ cán bộ, nhân viên và cá nhân bên ngoài tổng số tiền là gần 12 tỷ đồng. Hơn nữa theo thống kê, số người mà công ty vay nợ không dừng ở con số 30 mà đã lên tới 63. Bên cạnh đó còn cả đống nợ khác mà công ty đang nợ nhà nước như: nợ bảo hiểm, thuế đất, thuế VAT… khoảng 10 tỷ đồng nữa. “Hiện két của công ty đã rỗng tuếch thì lấy đâu ra mà trả cho họ. Kể cả nếu có tiền thì công ty cũng sẽ ưu tiên trả nợ nhà nước trước rồi sau đó mới tính đến các khoản nợ khác” – ông Thịnh nói.
Trong khi đó, trong một văn bản trả lời chính thức về vấn đề này, lãnh đạo Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, ông Mạc Văn Thiện – Phó tổng giám đốc đã tuyên bố thẳng: Việc vay tiền là do ban lãnh đạo cũ của Công ty CPTBGD1. Ngoài vay nợ cũng còn nhiều vấn đề khác khá khuất tất mà chưa giải trình rõ, ban lãnh đạo mới cũng chưa tổ chức nhận bàn giao được. Vì thế về mặt pháp lý, Nhà XBGDVN và ban lãnh đạo mới của công ty không chịu trách nhiệm nên không thể giải quyết được.
Người dân đang rất mong mỏi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của người có liên quan bởi nếu không, số tiền mà họ góp vốn đang có nguy cơ mất trắng.
Bình luận (0)