Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Live show thời ế vé: Thần tượng nhạt phai

Tạp Chí Giáo Dục

Khi “hàng hiệu” đổ ra bán giảm giá như “hàng xon” thì giá trị của “hàng hiệu” cũng không còn.

Tình trạng xuống cấp của showbiz Việt thời gian gần đây là sự thật. Giới chuyên môn, truyền thông lẫn diễn đàn của công chúng yêu nhạc thi nhau mổ xẻ về nguyên nhân. Hằng hà  “khiếm khuyết” được chỉ ra là những nguyên nhân góp phần khiến showbiz Việt vốn xuống cấp ngày càng thêm tệ hại.

Nhàm sinh chán

Thông thường, các ca sĩ tên tuổi ở hải ngoại khác lần đầu về nước biểu diễn luôn được đón nhận nồng nhiệt từ khán giả yêu nhạc dù giá vé có cao ngất ngưởng. Nhưng sau đó, sự nồng nhiệt ngày càng giảm dần. Điều này cũng lý giải vì sao, live show ca sĩ sao ngày càng khó bán vé dù mức độ đầu tư cho chương trình không hề giảm sút, thậm chí dùng nhiều “chiêu trò” hơn trước.

 

Hồ Quỳnh Hương, một trong những ca sĩ không hát kiếm tiền dễ dãi, biết mình cần xuất hiện đúng lúc đúng chỗ

Sức hút của sao có mạnh cách mấy cũng phải giảm sút khi tần suất xuất hiện của họ trước công chúng dày đặc như cơm bữa. Không một chương trình nào, bất kể quy mô lớn nhỏ, sân khấu ca nhạc bình dân hay sang trọng, ngay cả chương trình quảng bá thương hiệu hàng hóa, khai trương, ra mắt sản phẩm… các sao đều có mặt và chẳng ngại từ chối, miễn có tiền.

Khán giả yêu nhạc ngày nay chỉ cần đến với những sân khấu ca nhạc bình dân hằng đêm với giá vé chỉ trên dưới 100.000 đồng là gặp được vô số ngôi sao ở đó. Các thần tượng một thời này khán giả chỉ gặp được trên những sân khấu lớn nay quá dễ dàng diện kiến bất cứ nơi đâu thì niềm khát khao về sự xuất hiện của thần tượng trong công chúng cũng nhạt phai dần. Một nhà tổ chức chương trình ví von: “Khi “hàng hiệu” đổ ra bán giảm giá như “hàng xon” thì giá trị của “hàng hiệu” cũng không còn”.

Chính vì vậy, khi đến với các live show của sao, phải bỏ ra một số tiền gấp 5-10 lần mà người xem vẫn chưa thấy gì đáng đồng tiền thì dễ sinh ra thất vọng.

Vét càng nhiều càng tốt

Tâm lý làm ca sĩ chỉ có một thời, khi hết thời chẳng còn cơ hội để kiếm tiền nên không ít ngôi sao hiện nay ra sức càn quét thù lao. Có còn hơn không, giá nào cũng nhận, lối tư duy này gần như vắt kiệt sức họ trên các sân khấu hằng đêm. Một bầu sô lắc đầu ngao ngán khi kể lại câu chuyện chạy sô của một ngôi sao.

Được mời hát trong chương trình quảng bá thương hiệu của một công ty nhân dịp công ty này được nhận huân chương lao động với mức thù lao 200 triệu đồng (hát 3 bài). Thù lao được trả cao như vậy nhưng đến giờ chót ca sĩ này đề nghị đạo diễn chương trình đổi giờ diễn cho mình với lý do “để anh em về phòng trà kiếm thêm tí”. Chuyện các sao chạy sô vì “toan về già” còn dễ hiểu. Các ngôi sao teen cũng cày bừa không kém, “bao nhiêu sô cũng cày, giá nào cũng nhận, thậm chí phá giá luôn” – một bầu sô than phiền.

Ở những nước có nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp ca sĩ thuộc hàng sao không có chuyện chạy sô kiếm tiền theo kiểu “thượng vàng hạ cám” như ở Việt Nam. Sự xuất hiện của các ngôi sao âm nhạc trên thế giới với sản phẩm âm nhạc mới, một tour lưu diễn mới,… luôn được khán giả chào đón nồng nhiệt và là dịp hái ra tiền của nhà tổ chức lẫn nghệ sĩ.

Để làm được điều đó, các ca sĩ gần như biến mất  sau khi tour diễn kết thúc để tập trung công sức, trí tuệ tập luyện và sáng tạo cho những dự án âm nhạc mới. Sau đó, họ xuất hiện trong sự khát khao và chào đón nồng nhiệt của công chúng vì những sản phẩm âm nhạc mới mà họ mang lại hoàn toàn có chất lượng cao. Trong khi đó, ca sĩ Việt làm điều ngược lại, thậm chí có ca sĩ còn lên kế hoạch phát hành 12 album trong một năm. Ra mắt album như gà công nghiệp đẻ trứng thì lấy đâu ra ý tưởng mới lạ và có chất lượng như mong đợi. Vì vậy, sự yêu mến của công chúng với nghệ sĩ nếu có cũng nhạt phai.
Chiêu trò “tái chế”

Một yếu tố quan trọng khiến cho live show của sao ngày càng mất giá trị là sự nhàm chán do chất lượng chương trình mang lại. Vẫn có chiêu thức dàn dựng tạo hiệu ứng nhưng tính đột phá, bất ngờ trong các chương trình ngày càng ít đi.

Khi sự tiếp cận với nền công nghiệp giải trí thế giới ngày càng dễ dàng thì những đòi hỏi của công chúng ngày càng tăng cao. Thế nhưng, sự tiếp cận của làng giải trí nhạc Việt với công nghệ tiên tiến trên thế giới luôn chậm chạp so với khu vực. Chưa kể, showbiz Việt thật sự khan hiếm những đạo diễn giỏi. Vì vậy, giải thích vì sao không ít lần khán giả phát hiện những chiêu trò được một số đạo diễn “tái chế” từ những live show nổi tiếng của ca sĩ nước ngoài.

Ca sĩ “quen” đến mức nhàm chán, live show không có gì đặc biệt nên khán giả cũng chẳng dễ mở hầu bao mua vé giá cao.

Theo Người Lao Động

Bình luận (0)